Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Vỡ mộng
Tháng 2/2022, Nhân (*) thấy thông tin trên mạng xã hội tuyển dụng làm công việc về game tại Campuchia với mức lương “mơ ước” từ 23-30 triệu đồng mỗi tháng.
Không chần chừ, Nhân liên hệ với bên “tuyển dụng” và được vào Sài Gòn làm hộ chiếu. Sáng 3 hôm sau, Nhân được đưa lên cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) rồi có người đón qua TP Phnôm Pênh (Campuchia). “Ngủ lại một đêm, em tiếp tục được đưa đến biển Sihanoukville rồi bị bán vào công ty của một người tên Sửu Ca”, Nhân nhớ lại.
Nam thanh niên hãi hùng kể lại quãng thời gian lao động ở Campuchia
Cũng theo Nhân, cùng đi với em còn có rất nhiều người khác đều ở Việt Nam và được chở trên 3-4 chiếc xe 16 chỗ. Qua Campuchia, Nhân được giao làm game cờ bạc, đóng giả là nữ để nhắn tin với nam giới, dụ dỗ nạn nhân vào trong game để coi livestream khỏa thân.
“Các video khỏa thân có sẵn và miễn phí, chỉ việc phát cho họ xem thôi. Mục đích để những người này vừa coi video vừa chơi game, mà muốn tiếp tục xem video thì phải nộp tiền vào chơi game…”.
Làm được 2 ngày, thấy công việc tù túng, thông qua một người quen trên xe lúc sang Campuchia, Nhân biết đến người phụ nữ tên Thu ở Thủ đô Phnôm Pênh nên liên hệ. Người tên Thu nhận chuộc Nhân ra để về làm cho con gái của bà ta ở Phnôm Pênh.
“Bà Thu cam kết với tụi em làm hết hợp đồng 1 năm sẽ được về Việt Nam miễn phí, không mất tiền chuộc. Ngoài ra, tụi em còn được hứa trả mức lương 23 triệu mỗi tháng cộng với tiền hoa hồng”.
Tại đây, Nhân được giao công việc lừa đảo là đóng giả thành nhân viên bán hàng trực tuyến để tìm cộng tác viên. “Khi các cộng tác viên bán được sản phẩm nhỏ khoảng 1-2 triệu thì công ty sẽ chuyển tiền gốc và phần trăm hoa hồng (từ 10-15%) cho cộng tác viên. Khi cộng tác viên bán được 7- 10 triệu đồng thì công ty không cho nhận, muốn nhận thì họ phải nộp thêm tiền. Tuy nhiên, sau khi khách nộp tiền vào thì mất luôn số tiền kia”, Nhân giải thích.
Cũng theo Nhân, nếu một ngày không làm ra tiền sẽ bị phạt 50 USD, tối bị chửi và tăng ca thêm 2 tiếng. “Bọn chúng dọa nếu 2-3 ngày không làm ra tiền thì sẽ bị chích điện. Tiền lương của tụi em cũng bị giữ, còn muốn về Việt Nam trước 1 năm như cam kết thì bị phạt 5.000 USD”, Nhân thuật lại.
Hơn 2 tháng sau, Nhân được bà Thu chuyển sang công ty khác làm về game đánh bạc. “Một ngày không tìm được 3 khách nộp tiền vào game sẽ bị chích điện và bắt tăng ca. Ở đây họ không dọa nữa mà chích điện thật. Hết giờ làm, một tổ (31 người) sẽ vào phòng họp, nếu ngày đó ai không tìm đủ 3 khách nộp tiền sẽ bị chích bằng roi điện. Quản lý tụi em là người Trung Quốc, em bị chích 2 lần nên rất sợ và ám ảnh. Mỗi lần nộp tiền vào game là 200.000 đồng. Có hôm không đủ 3 khách, tụi em phải bỏ tiền túi ra nộp hoặc nhắn tin về nước nhờ người nhà”, Nhân hãi hùng kể.
Nhân làm được 2 ngày, đến ngày thứ 2 thì cảm thấy rùng mình, bàn với mọi người trong tổ bỏ trốn về Việt Nam. “Tầm 4 giờ sáng 16/6, khi đó ít bảo vệ, tổ của tụi em (31 người) xông ra cổng một lần rồi tháo chạy. Tuy nhiên, có 2 người bị bắt lại, 29 người thoát được và chia làm 2 nhóm bỏ chạy”.
Hình ảnh nhóm người bị dụ dỗ sang Campuchia làm việc phi pháp xông ra cửa, “vượt ngục” tìm đường chạy về Việt Nam.
Trong đó, nhóm 9 người đón được xe nên về Việt Nam, còn nhóm 20 người (trong đó có Nhân) chạy đến sáng thì bị công an đưa về đồn. “Tại đây, họ nói hôm sau sẽ trục xuất về Việt Nam. Tuy nhiên, đến tối họ thu điện thoại của tụi em rồi đưa lên xe chở ngược về lại công ty cũ”, Nhân nhớ lại.
Vừa về đến công ty cũ, nhóm của Nhân được đưa vào tòa nhà riêng, bị nhốt 1 ngày 1 đêm, bị còng tay và bắt nằm úp dưới nền.
“Hôm đó họ đánh và chích điện tụi em 4 lần. Căn phòng bị nhốt thì nóng nực, lại không cho uống nước nên em nghĩ mình và mọi người không ai qua khỏi”, Nhân xót xa thuật lại.
Cũng theo Nhân, đến tầm 8-9 giờ tối hôm đó, mọi người mới được cho ăn và uống nước. Sau khi ăn xong, nhóm này bị bán cho một công ty khác làm về chứng khoán.
“Công ty này mới lập nên tụi em được đào tạo làm việc từ đầu. Trong lúc ngồi máy tính, em lén liên lạc với gia đình gửi tiền qua chuộc về. Số tiền chuộc là 96 triệu đồng, cộng với chi phí về Việt Nam nữa thì gần 115 triệu đồng”, Nhân nói.
Sau khi nhận tiền, công ty đưa Nhân đến một quán hủ tiếu và được một người đưa về Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua. “Em không nghĩ mình còn sống để về. Quả thật thời gian qua rất khủng khiếp, trở về và được đoàn tụ với gia đình lần này em như sống lại lần thứ 2…”, Nhân bộc bạch.
Tạm giữ kẻ lừa người sang Campuchia làm việc
Liên quan đến hình thức lừa đảo và bán người như trường hợp của nam thanh niên 21 tuổi nói trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam vừa bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) để điều tra hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.
Đối tượng Trương Công Duy vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt khẩn cấp
Theo thông tin ban đầu, đầu tháng 4/2022, Duy tìm cách rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho công ty của một người tên N.T.H. (người Việt, hiện cư trú tại Campuchia) với mức lương 20 triệu đồng/tháng và tiền hoa hồng.
Sau khi được 2 thanh niên đồng ý, Duy liên hệ với H. và được H. chuyển 20 triệu đồng để tổ chức cho 2 người này qua Campuchia.
Khi Duy và 2 thanh niên vào được địa phận Camphuchia thì được đón về công ty của H. Duy được trả 10 triệu đồng là tiền công Duy giới thiệu, đưa người sang Campuchia; còn 2 thanh niên được đưa vào khu nhà công ty.
Với thỏa thuận giới thiệu đưa 1 người sang Campuchia, Duy được H. trả 5 triệu đồng, Duy đã tiếp tục giới thiệu và đưa thêm 5 người sang Campuchia.
Đối tượng Duy khai nhận đã dùng mạng xã hội đăng tải bài viết tuyển người đi làm việc tại Campuchia với mức lương hấp dẫn. Tổng cộng Duy đã đưa 7 người sang Campuchia với mức thù lao 5 triệu đồng/người.
Một nạn nhân bị Duy đưa sang Campuchia cho hay, anh được đưa vào làm việc tại công ty có chủ là người Trung Quốc, bị ép làm việc 12 giờ mỗi ngày và sẽ bị phạt nếu không đủ doanh số.
Công ty có người canh gác, bảo vệ, khi vào làm không cho ra ngoài và trả tiền lương chỉ đủ để chi tiêu, không nhiều tiền như Duy đã quảng cáo.
Theo nạn nhân trên, muốn về nước thì phía công ty yêu cầu nộp 3.000 USD mới cho về. Sau khi nộp đủ số tiền cho công ty, nạn nhân này được thả về nước tại khu vực biên giới Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hồ Ca - Theo Infonet
Tin nổi bật Tin tức