congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Từng là tấm vé vàng để phát triển sự nghiệp, lĩnh vực này lại đang ‘nhấn chìm’ giới trẻ Trung Quốc

Đã xem: 106
Cập nhât: 3 năm trước
Sự thay đổi trong thái độ của giới chức Trung Quốc đối với ngành công nghệ diễn ra đột ngột. Các nhân sự ngành công nghệ có tay nghề cao từ các trường đại học danh tiếng phải đối mặt với một thực tại đầy khắc nghiệt, dù trước đó luôn được các nhà tuyển dụng săn đón.

Từng là tấm vé vàng để phát triển sự nghiệp, lĩnh vực này lại đang ‘nhấn chìm’ giới trẻ Trung Quốc

Xiang Zikui - một phụ nữ sống ở Thâm Quyến, làm việc tại bộ phận game của một trong những công ty internet lớn nhất Trung Quốc. Cô cho biết mình đã rất sốc khi biết về việc iQiyi - được mệnh danh là Netflix Trung Quốc, sa thải hàng loạt.

Công ty này thuộc sở hữu của Baidu, được cho là đã cắt giảm hơn 30% nhân sự tại một số bộ phận vào đầu tháng này. Dự kiến, họ sẽ tiếp yêu cầu nhân viên nghỉ việc vào dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, Kuaishou Technology cũng bắt đầu loại bỏ các nhân viên có điểm thấp trong kỳ thi đánh giá hiệu suất. Đầu tháng này, SCMP đưa tin, các nhân viên bị sa thải được đề nghị nhận bồi thường dựa theo số năm họ làm việc, cùng 1 tháng lương.

Dù 2 công ty này đều không nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh trong 1 năm qua, nhưng tình trạng sa thải hàng loạt phản ánh môi trường làm việc đang khó khăn hơn. Các công ty đang chịu áp lực đáng kể trước việc giới chức kiểm soát quy định, giám sát nội dung chặt chẽ hơn và mạnh tay với những vi phạm chống độc quyền.

Xiang nói: "Việc sa thải có thể liên quan đến xu hướng chung của ngành. Hiện tại, giới chức đưa ra nhiều quy định chặt chẽ đối với nhiều lĩnh vực như game, quảng cáo trực tuyến và mọi thứ liên quan đến quyền riêng tư. Tôi cảm thấy cả ngành đang gặp phải ‘nút thắt cổ chai’."

Sự thay đổi trong thái độ của giới chức Trung Quốc đối với ngành công nghệ diễn ra đột ngột, sau 1 thập kỷ tăng trưởng thần tốc nhờ quy định được nới lỏng và dễ dàng kêu gọi vốn. Các nhân sự ngành công nghệ có tay nghề cao từ các trường đại học danh tiếng phải đối mặt với một thực tại đầy khắc nghiệt, dù trước đó luôn được các nhà tuyển dụng săn đón.

Xiang nói: "Hiện tại, có nhiều người nói rằng các công ty internet không còn là lựa chọn hàng đầu của họ nữa. Một số muốn làm việc cho công ty nhà nước hoặc thi công chức."

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi nền tảng tìm việc Lagou của Trung Quốc, hơn 1 nửa số nhân viên tại các công ty internet cho rằng họ không nhận được tiền thưởng vào cuối năm nay. Một báo cáo khác của Lagou thực hiện hồi tháng 11 cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân tài của các công ty internet lớn đã giảm 26% so với năm ngoái.

Dù nhiều nhân viên Big Tech được SCMP phỏng vấn cho biết công việc hàng ngày của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng một số đang xem xét lại định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Feng Xing - kỹ sư phần mềm ở Thành Đô đang làm việc tại công ty nhà nước, nói rằng nhiều đồng nghiệp của anh mới gia nhập đều đến từ các Big Tech. Theo anh, 35 là độ tuổi "trần" đối với ngành internet vì họ thường bị các nhà tuyển dụng "xa lánh", có nguy cơ cao bị sa thải trong các đợt cắt giảm nhân sự trừ khi có vị trí cao trong công ty.

Một số công ty khác lại chịu ảnh hưởng rất lớn. Kelly Huang - khoảng 30 tuổi, từng làm việc tại một trong những nền tảng livestream hàng đầu Trung Quốc. Cô cho biết, việc Bắc Kinh siết chặt quy định đã gần như dập tắt mong muốn làm việc trong ngành này của mọi người, trái ngược với khi cô mới gia nhập công ty vài năm trước.

Những tháng gần đây, lĩnh vực livestream của Trung Quốc liên tục bị chỉ trích vì xuất hiện nhiều nội dung kém chất lượng, số lượng truy cập và đánh giá không đáng tin cậnh. Ngoài ra, một số KOL còn có hành vi trốn thuế. Chỉ trong tuần này, "nữ hoàng livestream" Vi Á đã bị phạt kỷ lục 1,34 tỷ NDT (210 triệu USD) từ cục thuế địa phương vì trốn thuế, sau đó các streamer khác cũng bị phạt.

Kelly Huang chia sẻ, triển vọng của lĩnh vực này sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần của mình. Cô đã phải rời bỏ công việc và gia nhập một công ty sản xuất phần cứng.

Hồi tháng 8, các nhà quản lý Trung Quốc đã cấm trẻ em dưới 18 tuổi chơi game hơn 3 giờ/tuần. Ngoài ra, họ cũng đóng băng giấy phép hoạt động của các video game mới.

Evan Liang - một học sinh 14 tuổi, cho biết việc thắt chặt quy định cũng không ảnh hưởng nhiều đến thói quen chơi game của cậu. Cậu bé nói: "Hầu hết chúng em đều có tài khoản người lớn để truy cập. Mọi người bí mật sử dụng thông tin của bố mẹ để đăng ký tài khoản."

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng tăng cường giám sát nội dung trực tuyến. Giới chức nước này cho biết họ phải tuân thủ và phát huy các giá trị văn hoá tích cực. Đầu tháng này, Douban cùng 105 ứng dụng khác đã bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng vì cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của dữ liệu.

Tham khảo SCMP

Chi Lan

Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị

Đăng bởi Huyen Nguyen 04-04-2022 106

Chuyên mục: Nghề nghiệp

Tin nổi bật Nghề nghiệp