congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Côn trùng gây ngứa là kiến 3 khoang

Đã xem: 5,478
Cập nhât: 13 năm trước
Thời gian gần đây rất nhiều thông  tin đăng tải về một loài côn trùng lạ - thủ phạm gây ra dịch ngứa, lở loét gây dại cho da người.  Vừa qua, Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết loại "côn trùng lạ" tấn công người dân gây viêm da, bong

Thời gian gần đây rất nhiều thông  tin đăng tải về một loài côn trùng lạ - thủ phạm gây ra dịch ngứa, lở loét gây dại cho da người.  Vừa qua, Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết loại "côn trùng lạ" tấn công người dân gây viêm da, bong rộp tại P.Hương Sơ (TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) trong những ngày qua là kiến 3 khoang và đến thời điểm hiện nay số ca mắc bệnh viêm  da tại khu chung cư Hương Sơ là 145 người.


Hình ảnh kiến  ba khoang


Loại kiến này có rất nhiều ở khu vực đồng ruộng, thường xuất hiện sau mùa gặt. Vào ban đêm, chúng bị thu hút bởi ánh sáng đèn điện ở các khối nhà cao tầng... nên đã xâm nhập vào khu vực dân cư.

Ngay sau khi tìm ra được “thủ phạm” gây tình trạng viêm da của người dân P.Hương Sơ, Sở Y tế Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành khám, cấp thuốc miễn phí, đồng thời phun hóa chất diệt kiến.

Chị Nguyễn Thị Tý (ngụ G2 khu tái định cư Hương Sơ) với nhiều vết bong rộp trên mặt do tiếp xúc với kiến 3 khoang


Cũng theo ông Hội, trong cơ thể của kiến 3 khoang có chứa độc tố tên pederin (C24H43O9N). Khi con vật đã chết khô và qua 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da, là độc chất tự nhiên.
Khi loài kiến này chạm vào cơ thể người, theo phản xạ tự nhiên chúng ta thường dùng tay đập, chà xát để giết chúng; chất độc trong cơ thể theo đó đã thẩm thấu qua da gây bệnh. Vị trí viêm da thường là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng, với triệu chứng bong rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét dạng giống như zona hay eczema hepeticum. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.
Bệnh nếu được phát hiện sớm thì chỉ dùng thuốc bôi ngoài da kết hợp với thuốc kháng histamin điều trị chừng 2-3 ngày là khỏi, nếu để muộn vết bong rộp đã lở loét thì phải điều trị thêm kháng sinh chừng 1-2 tuần là khỏi.

Bác sĩ Hội khuyến cáo người dân không nên tự mua thuốc về điều trị, cần thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế côn trùng bay đến

(Nguồn thanhnien.com.vn)

Đặc điểm của kiến ba khoang


Kiến ba khoang đuôi nhọn, có tên quốc tế thường gọi là Paederus fuscipes curtis (thuộc họ Staphylinidae, chi Coleoptera`). Con trưởng thành rất thích bay vào bóng đèn, thân mình dài trung bình khoảng 7- 10 mm. Thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn bọ hóng bay vào ánh đèn ban đêm. Vào mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. Con trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ/năm.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại. Pederin có tính xuyên thấm qua da. Pederin là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là pseudomonas aeruginosa.
Khi ta giết chết kiến ba khoang trên vùng da mình, thì pederin tiếp xúc với da, sau đó nó gây viêm da nặng. Nếu ta không rửa tay ngay thì vô tình ta sẽ làm dính pederin vào chỗ khác.

Loài này xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có ẩm độ cao, nhất là sau các đám mưa lớn đầu mùa. Chúng thường sống trong ruộng lúa, ăn rầy nâu và rất thích ánh sáng đèn nên thường vào đèn chung với rầy nâu ở những nơi có nhiều ruộng lúa bao quanh như TP.HCM hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tình trạng này đã xảy ra ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ tại các lưu trú xá của trường học, trại lính vào ban đêm có đốt đèn neon sáng xanh thu hút con trưởng thành.

Triệu chứng viêm da


Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng. Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những sang thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y, hình tròng, đa giác tùy theo cách ta giết chúng. Viêm da có thể dạng giống như sang thương của bệnh Zona do nhiễm herpes zoster, đôi khi còn gống như eczema hepeticum với sang thương viêm da bóng nước đã khô. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.


Điều trị


Có thể rửa bằng thuốc tím (KMnO4). Khi có sang thương loét thì cần đắp gạc vô khuẩn ướt, mát, thoa thêm calamine lotion hay corticosteroids. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da. Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 - 3 tuần.


Biện pháp phòng bệnh


Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.

Nạn kiến 3 khoang không chỉ  xuất hiện ở TP Huế mà ở TP HCM loài côn trùng này cũng đang là mối lo ngại của nhiều người dân :

Vài tuần nay, nhiều tòa nhà cao tầng ở TP.HCM thường xuyên xuất hiện loại côn trùng là thủ phạm trước đây đã gây ra dịch ngứa, lở loét da cho sinh viên ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức). Đó là côn trùng có tên tiếng Anh Rove Beetle, người dân hay gọi là kiến 3 khoang.

 Ông Thắng, ngụ căn hộ số 602 (lầu 6, tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai 2, Q.7), cho biết: “Gia đình tôi cả 4 người đều bị tổn thương da (ở cổ, cánh tay và đùi) vì dịch tiết của chúng. Khi nó bâu vào người sẽ tiết dịch gây ngứa rất khó chịu, sau đó da bị phồng lên và bọng nước, rồi bể ra, phải bôi thuốc cả tuần mới hết”. Căn hộ của gia đình chị Xuân Trang gần gia đình ông Thắng cũng bị Rove Beetle xâm nhập khiến 2 người bị ngứa. Nhà anh L.C.T (ở tầng 14, chung cư Lotus Garden, Q.Tân Phú) một tháng nay bị Rove Beetle tấn công. Chị L.T.A.T (23 tuổi, ở lầu 6 chung cư Chín Tây, Q.7) cho biết nơi đây cũng bị côn trùng vào nhà.
 
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP) cho biết ông vừa phối hợp y tế dự phòng Q.2 đến khảo sát, xử lý Rove Beetle tại chung cư Bình Khánh, Q.2. “Đoàn ghi nhận loại côn trùng này sống ở các lùm cây trên cao gần chung cư, khi có những luồng gió thì chúng bay vào nhà. Nơi nào thấy chúng xuất hiện thì nên ngủ mùng; đóng kín cửa nếu ban đêm mở đèn sáng (vì chúng rất thích ánh đèn). Nếu lỡ bị chúng tiếp xúc gây ngứa thì cần vệ sinh sát trùng ngoài da, nếu ngứa thì dùng thuốc chống dị ứng, chứ không nên gãi”, ông Siêu nói.Những ngày qua, nhiều hộ dân ngụ chung cư Bình Khánh (P.An Phú, Q.2) cũng bị Rove Beetle gây ngứa. Bạn Lâm (sinh viên ĐH KHXH-NV TP.HCM) cho biết khu ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức) cũng tái xuất hiện rải rác loại côn trùng nói trên.
Đợt dịch gây ngứa và làm viêm da bởi côn trùng Rove Beetle xảy ra rầm rộ lần đầu vào tháng 1.2007, tập trung nhiều nhất ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (Q.Thủ Đức), và Trường CĐSP mẫu giáo T.Ư 3 (Q.9) - với gần 200 sinh viên bị. Rove Beetle tái xuất hiện vào tháng 3.2007 và năm 2011 (Báo Thanh Niên đã từng phản ánh).

Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời.


Chuyên mục: Tin tức Sức khỏe

Tin nổi bật Tin tức Sức khỏe