congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Cảnh giác với chiêu giả con nghiện bán đồ ăn cắp ở bến xe

Đã xem: 1,554
Cập nhât: 12 năm trước
"Máy ảnh mới lắm, giá rẻ mua đi em" là lời chào mời không còn xa lạ của các "cò hàng" tại các bến xe lớn của Hà Nội. Điều này khiến không ít những người nhẹ dạ bị lừa mua phải hàng rởm. Thời gian gần đây tại một số điểm dừng xe buýt trên đường Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình, nhiều bạn sinh viên truyền tai nhau câu chuyện bị người lạ đến bắt chuyện rồi

"Máy ảnh mới lắm, giá rẻ mua đi em" là lời chào mời không còn xa lạ của các "cò hàng" tại các bến xe lớn của Hà Nội. Điều này khiến không ít những người nhẹ dạ bị lừa mua phải hàng rởm.

bến xe
Thời gian gần đây tại một số điểm dừng xe buýt trên đường Phạm Hùng gần bến xe Mỹ Đình, nhiều bạn sinh viên truyền tai nhau câu chuyện bị người lạ đến bắt chuyện rồi nói có máy ảnh, đồng hồ muốn bán gấp nếu mua sẽ bán giá rẻ khiến không ít bạn lo ngại và cảm thấy phiền toái. Để thỏa chí tò mò, tôi đã có một buổi dạo quanh khu vực bến xe Mỹ Đình tìm hiểu thực hư câu chuyện.

Tuyệt chiêu bán hàng

Trước cổng bến xe Mỹ Đình, 9h sáng, khá đông người, đứng một hồi lâu quan sát người đi đường, tôi tấp vào gần hàng rào vỉa hè khu vực cổng bến xe ngồi. Quả thật, sau khi đi một lượt để ngó nghiêng, không quá khó để tôi bắt gặp hình ảnh “câu khách” của một người đàn ông đội mũ phớt trước cổng ra của bến xe.

Anh ta đang đi theo một cậu thanh niên phong thái giống sinh viên, họ nói với nhau điều gì đó và rồi cậu thanh niên này quay đi sau một cái lắc đầu.

Tôi cố tình đi lững thững về phía người đàn ông này và khi nhìn thấy tôi, anh ấy đã chủ động bắt chuyện. Người đàn ông dáng người nhỏ con, nước da sạm đen nhám bụi đường, đầu đội chiếc mũ phớt gần như che khuất khuôn mặt, tuổi chừng chưa đến ba mươi và cách hành xử khiến tôi nhận ra đây là một người không đàng hoàng.

Với điệu bộ “lén lút” nhìn trước nhìn sau rồi từ từ tiếp cận “khách hàng”, quan sát rất cẩn thận, anh ta đi ngang qua tôi rồi dừng lại như một “kỹ nghệ” vừa đủ làm sao để “lời mời” lọt tai vị khách mà mình chào hàng: “Máy ảnh giá rẻ, có mua không?”

Tôi vờ như không nghe rõ và hỏi lại: “Anh bảo gì ạ”? anh ta lại đi sát vào tôi và nói: “Có máy ảnh mới lắm, giá rẻ mua không?”.

Tôi chần chừ nhưng cũng tò mò muốn xem, anh ta móc từ trong túi quần xuềnh xoàng của mình ra chiếc máy ảnh nhưng lại không để lộ hẳn ra ngoài mà chỉ khéo léo để mình tôi nhìn được thấy nó...

Tôi phàn nàn: “Anh không cho tôi xem máy ảnh đó như thế nào thì tôi biết mua làm sao?”.

Thấy tôi nói to, sợ mọi người để ý anh ta khẽ ra hiệu cho tôi. Rồi lần này cũng chỉ kéo chiếc máy ảnh ra một chút bấm “tách” một cái, đèn flash lóe sáng: “đấy, em xem! máy này vẫn còn tốt lắm”.

Tôi liền nói: “Anh bán máy ảnh của mình sao phải lén lút như vậy, anh cứ bỏ ra em xem được thì em lấy”.

Rồi anh ta nói thẳng rằng vừa “hớt” được của một người khi đi xe buýt và nhanh chóng đến đây để tìm “cửa ra” nếu cần sẽ bán rẻ cho, bỏ ra ngoài sợ công an nhìn thấy.

Làm động thái tỏ ra như đang phân vân một lúc rồi tôi quay sang nói với anh ta : “Anh muốn bán được thì cũng phải cho người ta xem nó như thế nào chứ, đằng này anh cho em xem cái bao da còn cái máy như thế nào thì em không biết vậy làm sao mua được”.

Dù tôi nói mọi cách nhưng người này cũng không đưa chiếc máy cho tôi xem mà quay sang nói: “Nếu chú muốn xem máy thì anh em mình đến chỗ nào ít người rồi anh cho chú xem, chỗ này đông người không tiện”.

Tất nhiên là tôi không đồng ý và anh ta lại gắng giọng vồn vã: “Thôi, bây giờ em trả anh bao nhiêu cũng được, coi như hai bên giúp nhau, anh đang đói thuốc chú mua giúp anh đi”.

Nghe anh ta nói mình là con nghiện mà tôi thấy rùng mình, nhưng vẫn tỏ ra bình tĩnh để khước từ lời mời quá “nhiệt tình” từ người đàn ông này. Có những ánh mắt dò xét nhìn lại phía tôi và người đang cố bán bằng được một thứ đồ mà anh ta mới “hớt” từ người khác, quả cũng khiến tôi hơi ái ngại.

Cuộc ngã giá chiếc máy ảnh từ hơn 1 triệu xuống chỉ còn phần ba, phần tư so với giá ban đầu: “Giờ em đưa cho anh vài lít thôi cũng được, cả ngày nay anh vật quá vì chưa có khói nào cả, lấy cho anh đi anh đưa máy luôn cho”.

Câu chuyện tới đây là tôi đã muốn “chào” ngay, tôi thẳng thừng từ chối và bước về phía điểm dừng xe buýt phía trước, đằng sau lưng tôi còn bập bõm vài câu chửi thề của người đàn ông kia, một lúc sau thì anh ta cũng lẩn nhanh vào đám đông như thể đang bắt đầu tìm “cửa ra” khác cho buổi “chào hàng” ế ẩm.

Không nên nhẹ dạ

Chỉ với một chiếc kính mắt, một chiếc đồng hồ hay một chiếc máy ảnh, kẻ gian có thể tiếp cận gạ gẫm những khách hàng “non nớt” mua những món đồ ấy. Đây là một hình thức “cò” của một số người vẫn thường xuyên “lảng vảng” ở các tuyến xe buýt, bến xe để tìm kiếm “con mồi” nhằm lừa gạt những người nhẹ dạ tin vào giá trị thật của những món đồ đó mà bỏ tiền mua.

Không chỉ một lần mà đã có rất nhiều lần bạn. Nghiêm Hiếu, sinh viên ĐH Công Nghiệp HN đã gặp và nghe những câu chuyện dở khóc dở cười.

“Em gặp nhiều lắm những người như vậy rồi. Chẳng biết họ lấy mấy cái đồng hồ đeo tay, vài cái kính mắt hay cái máy ảnh từ đời cổ lỗ sĩ nào rồi mang đi khắp ngõ ngách chào bán, vì cũng không hứng thú với mấy cái đồ trôi nổi ấy nên em cạch…”.

Chia sẻ một sự việc có thật từ một người bạn mình đã trải qua, Hiếu kể: “Một lần bạn em học trên Vĩnh Phúc xuống chơi. Xuống bến xe Mỹ Đình cậu ấy gặp một ông gọi lại hỏi có mua máy ảnh  kỹ thuật số giá rẻ chỉ 600 ngàn, ham của rẻ nên cậu ta mua. Đến khi gặp em, cậu ta hí hửng lấy chiến lợi phẩm ra khoe, ai giè đó là cái máy chụp đời cục gạch đã hết đát chỉ còn đèn flash, nháy được vài lần cũng tịt luôn”.

Nhiều bạn sinh viên vì tò mò, không biết thêm phần ham đồ rẻ nên vô tình trở thành người bị hại bởi mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thành thử “mất tiền để mua… đồ dởm”.

“Bản thân em thì cũng gặp phải mấy người này trên đường rồi, thậm chí khi đang đi xe máy cũng có người chạy xe đằng sau gọi với. Tưởng người quen em đi chậm lại đợi, hồi sau nghe lời mời mua kính mắt thời trang giá rẻ là em ngán ngẩm lắm”, Hiếu chia sẻ.

Bác Đức chạy xe ôm ở bến xe Mỹ Đình đã hơn 10 năm cho biết: “Ở đây, ngày nào chả có những thằng như vậy, chẳng biết nó có nghiện hay không nhưng toàn đi lừa người ta kiểu đó. Nhiều người bị lừa mà không biết đấy, đến khi biết rồi thì biết đi đâu tìm nó để đòi lại tiền, mà có gặp được nó thì cũng đừng có dại gì mà tới đôi co!?”.

Bà chủ hàng nước kể: “Một lần có hai cậu thanh niên vào uống nước với vẻ mặt hậm hực, hỏi ra mới biết hai cậu vừa mua được hai chiếc kính mắt, ai dè mua phải kính dởm, gọng kính bị dán keo con voi. Cài được vài lần lên mắt đã gãy mất tiêu”.

Đây là thực trạng đang tồn tại ở những khu vực thành thị đông người mà các cơ quan chức năng khó kiểm soát được hết. Vì vậy mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên cần đề cao cảnh giác để tránh bị lừa gạt bởi kẻ gian.

 

 

 

 

Theo Infonet

 


Chuyên mục: Chuyện công sở

Tin nổi bật Chuyện công sở