Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng cà phê cũng là một trong những loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe.
Theo các nhà khoa học của Đại học Ciudad (Tây Ban Nha) và Đại học Oslo (Na Uy), cà phê có chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn cả trái cây và rau củ cộng lại.
Tuy nhiên, khi uống cà phê, hãy lưu ý những điều dưới đây để cà phê không chỉ là một thức uống lành mạnh mà còn siêu tốt cho sức khỏe.
1. Không uống cà phê sau 2 giờ chiều
Cà phê là một trong những nguồn cung cấp caffeine tự nhiên phong phú nhất trong chế độ ăn uống.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, caffeine là một chất kích thích, nhưng có thể cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng và giúp bạn tỉnh táo hơn mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi.
Mặc dù vậy, nếu uống cà phê vào cuối ngày có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ, khiến bạn khó ngủ hơn. Theo một nghiên cứu tại Đại học Groningen (Hà Lan), chất lượng giấc ngủ kém sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về sức khỏe.
Chính vì vậy, điều quan trọng cần nhớ đó là không nên uống cà phê vào cuối ngày. Nếu muốn, bạn nên chọn loại decaf (cà phê đã khử caffeine) hoặc thay vì uống cà phê, hãy uống một tách trà - loại thức uống có chứa ít caffeine hơn nhiều so với cà phê.
Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm với caffeine của mỗi người là khác nhau. Một số người vẫn có thể ngủ ngon ngay cả khi họ uống cà phê vào cuối ngày. Với những người nhạy cảm hơn với caffeine và thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, hãy tránh uống cà phê sau 2-3 giờ chiều.
2. Không uống cà phê với quá nhiều đường
Ảnh minh họa
Mặc dù cà phê có lợi cho sức khỏe, nhưng bạn có thể dễ dàng biến nó thành một thứ có hại. Một trong số đó là thêm rất nhiều đường vào tách cà phê. Các nhà khoa học của Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) cho rằng đường bổ sung là một trong những thành phần tồi tệ nhất trong chế độ ăn uống hiện đại, có liên quan tới tất cả các loại bệnh nghiêm trọng như béo phì và tiểu đường nếu sử dụng với lượng quá nhiều.
Theo đó, khi uống cà phê, thay vì dùng đường bổ sung, bạn nên dùng các chất làm ngọt tự nhiên như cây cỏ ngọt.
3. Chọn cà phê chất lượng tốt
Chất lượng của cà phê có thể thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào phương pháp chế biến và cách trồng.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Ghent (Bỉ) và Đại học Jimma (Ethiopia), hạt cà phê có thể được phun thuốc trừ sâu tổng hợp và các hóa chất độc hại cho con người. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về ảnh hưởng sức khỏe của thuốc trừ sâu trong thực phẩm. Hiện có ít bằng chứng cho thấy chúng có thể gây hại cho con người khi được tìm thấy ở hàm lượng thấp trong sản xuất.
Chính vì vậy, hãy mua cà phê ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng. Bạn cũng có thể cân nhắc chọn mua cà phê hữu cơ.
4. Tránh uống quá nhiều cà phê
Mặc dù uống một lượng cà phê vừa phải là tốt cho sức khỏe, nhưng uống quá nhiều có thể làm giảm lợi ích tổng thể của cà phê.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn tới nhiều tác dụng phụ bất lợi khác nhau, mặc dù mức độ nhạy cảm của mỗi người là khác nhau.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Canada, mọi người không nên tiêu thụ vượt quá 2,5mg caffeine trên mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Một tách cà phê trung bình có thể chứa khoảng 95mg caffeine. Do đó, 1 người nặng khoảng 80kg chỉ nên tiêu thụ 2 tách cà phê mỗi ngày.
Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khả năng dung nạp caffeine ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, mỗi khi uống cà phê, hãy chú ý tới các phản ứng của cơ thể để chọn lượng uống phù hợp.
5. Thêm một ít quế vào cà phê
Ảnh minh họa
Quế là một loại gia vị thơm ngon đặc biệt và sẽ giúp cốc cà phê của bạn có hương vị tuyệt vời hơn.
Các nghiên cứu cho thấy quế có thể làm giảm lượng đường trong máu, giảm cholesterol và chất béo trung tính ở bệnh nhân tiểu đường. Do đó, nếu bạn muốn thêm một chút hương vị đặc biệt vào tách cà phê của mình, hãy thêm một chút quế.
6. Không uống cà phê khi đói bụng
Uống cà phê khi đói bụng là một thói quen xấu có thể dẫn tới nhiều nguy cơ sức khỏe khác nhau như làm tổn thương niêm mạc dạ dày và tăng cảm giác lo lắng.
Do đó, đừng để bụng mình trống rỗng khi uống cà phê. Hãy ăn sáng trước khi uống cốc cà phê đầu tiên trong ngày vào buổi sáng và tránh uống quá nhiều cà phê trong ngày.
(Theo Insider, Heathline)
Tin nổi bật Sức khỏe