congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

5 kinh nghiệm xương máu của những người bước vào tuổi trung niên: Càng buông bỏ, càng giàu có

Đã xem: 64
Cập nhât: 2 năm trước
Khi đến tuổi trung niên, con người ta dần nhìn ra được đâu là thật lòng, đâu là giả dối, dần ngộ ra được chân lý của cuộc sống.

Có một câu thoại rất tinh tế trong "Forrest Gump":

"Tôi không nghĩ rằng một người càng trưởng thành về mặt tinh thần lại càng trở nên bao dung hơn và có thể dễ dàng chấp nhận bất cứ điều gì.

Thay vào đó, tôi nghĩ rằng đó là một quá trình dần dần từ bỏ. Biết thứ gì quan trọng với mình, thứ gì nên lược bỏ, sống một đời đơn giản."

Vậy "Đơn giản" là gì?

Đơn giản có nghĩa là đơn giản hóa mọi thứ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Không để cảm xúc, suy nghĩ của bản thân bị tác động hay chi phối bởi các yếu tố khác. Tâm không tạp niệm, sống một cuộc đời tự do tự tại.

Khi đến tuổi trung niên, con người ta dần nhìn ra được đâu là thật lòng, đâu là giả dối, dần ngộ ra được chân lý của cuộc sống.

Quãng đời còn lại không suy nghĩ quá nhiều, không tự mình đa tình mới là lối sống đỉnh cao nhất.

ĐỐI XỬ VỚI MỘT NGƯỜI QUÁ TỐT ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC BẠN ĐÃ THUA RỒI.

Tôi cứ nghĩ nếu mình đối xử tốt với người khác, thì người ta cũng sẽ đối tốt lại với mình như vậy.

Nhưng trong cuộc sống hiện thực, có những người không chỉ muốn lấy hết những thứ tốt của bạn. Thậm chí họ còn đòi hỏi bạn một cách quá đáng, nhưng lại chẳng muốn bỏ ra cho bạn tới nửa xu.

Tôi cứ nghĩ nếu tôi đối xử tử tế với mọi người, tử tế với đời thì mọi người sẽ biết ơn mình.

Nhưng khi đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ hiểu rằng sự tử tế sau cùng cũng chỉ là bởi "bản thân tự nguyện".

Đối xử quá tốt với một ai đó đồng nghĩa với việc bạn đã thua cuộc rồi. Ở đời có được bao nhiêu chân tình, có được bao nhiêu sự tương thân tương ái?. Cuộc sống này chẳng phải ai cũng có lòng biết ơn, sống quá nhân hậu thì người thua thiệt sau cùng lại chính là bản thân bạn.

Quãng đời còn lại, hãy giữ lại cho bản thân mình một chút. Một chút chân tình, một chút nhiệt huyết, một chút yêu thương. Hãy luôn suy nghĩ chín chắn mọi việc trước khi hành động, đừng trao yêu thương cho nhầm người bạn nhé.

ĐỪNG CỐ LẤY LÒNG NGƯỜI KHÔNG THÍCH MÌNH.

Bất kể ai trong chúng ta hầu hết đều có những khoảnh khắc như thế này trong đời.

Khi bạn đi nhầm đường, bạn sẽ nghĩ rằng phía trước chắc chắn có lối ra. Nhưng cuối cùng đi mãi rồi bạn mới chịu thừa nhận bản thân đã đi vào ngõ cụt.

Khi bạn làm sai một điều gì đó, bạn an ủi mình rằng: "Sẽ chẳng sao đâu, ai chả có lúc sai lầm". Nhưng cuối cùng, bạn mới nhận ra rằng sai lầm của bản thân chẳng có cách nào cứu vãn.

Khi bạn yêu sai người, bạn nghĩ rằng chỉ cần hết lòng hết dạ đối tốt với họ thì chắc chắn bạn sẽ cảm hóa được họ. Nhưng cuối cùng người đau khổ nhất lại chính là bạn.

Có một câu nói rất đúng:

"Thứ gì đã vỡ thì là vỡ rồi. Có nuối tiếc cũng chẳng thể thay đổi được cục diện. Thay vì giữ nó lại để gặm nhấm nỗi đau, hãy mạnh mẽ vất nó đi và nói lời tạm biệt."

Bạn nhất định phải nhớ rằng, khi cần quay đầu thì đừng chờ đợi. Khi cần buông tay thì đừng do dự, dù chỉ là một chút. Những bất hạnh của con người đều là do không cam tâm, không nỡ mà ra. Thứ còn lại sau cùng chỉ là những tổn thương chồng chất.

Trăng tròn rồi cũng khuyết, nước đầy thì sẽ tràn, hoa nở rồi cũng tàn, tình đầy người sẽ si. Chỉ có mạnh mẽ quyết đoán, kịp thời ngăn chặn những mất mát thì ta mới có thể tiến xa hơn, sống nhẹ nhàng thanh thản hơn.

TRÊN THẾ GIỚI NÀY CHẲNG CÓ AI THẬT SỰ HIỂU BẠN.

Tôi từng nghe được một câu nói rất thực tế như thế này:

"Khi đến tuổi trung niên, ta phải học cách tự mình mang theo ô mỗi khi ra khỏi nhà, bởi sẽ chẳng có ai đội mưa đến đón ta nữa."

Thật vây, bạn có bao giờ để ý thấy rằng những người xung quanh bạn đều bắt đầu chăm sóc bản thân hơn khi họ già đi không?

Mỗi người đều sống cuộc đời của riêng mình. Tự mình gặm nhấm nỗi buồn, tự mình gồng gánh tâm tư, tự mình tìm lối thoát.

Ngày càng có ít người quan tâm đến tâm trạng gần đây của bạn. Ngày càng ít người quan tâm đến dạo gần đây cuộc sống của bạn như thế nào.

Vì vậy, đừng bao giờ mong người khác hiểu mình. Cuộc sống có muôn ngàn vạn khổ thì chúng ta cũng phải tự học cách vượt qua.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng như bản thân mình mong muốn. Một ngày nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy: Những năm tháng khó khăn tủi cực đó đều chỉ có một mình bạn nghiến răng chịu đựng mà bước đi.

Đi quá nửa đời người, chúng ta cần phải học cách trở nên trầm lặng hơn. Thu hẹp lại những mối quan hệ xã hội, thôi ỷ lại dựa dẫm vào người khác.

Những ngọt bùi đắng cay trong cuộc sống chỉ khi tự mình nếm trải, bạn mới có thể thẩm thấu hết được những hương vị của nó.

Đường đời, hãy tự mình bước đi từng bước. Điều thực sự có thể bảo vệ bạn chính là sự lựa chọn của cuộc đời bạn.

ĐỪNG QUẢN CHUYỆN NGƯỜI KHÁC.

Nước ngoài có một câu tục ngữ: "Sao trên trời dày đặc vẫn có thể trông rõ, nhưng bụi bẩn trên mặt thì lại chẳng thấy đâu." Sự khác biệt giữa người với người cũng thường nằm ở chỗ này.

Có những người chỉ biết chỉ trích đổ lỗi cho người khác mà không bao giờ nhìn nhận lại bản thân. Nhưng có những người khi xảy ra vấn đề lại luôn tìm gốc rễ nguyên nhân bắt đầu từ bản thân mình.

Những người chỉ thích đổ lỗi cho người khác khi mọi chuyện không như ý muốn, họ sẽ sống oán hận cả một đời.

Còn những người bắt đầu tìm nguyên nhân từ bản thân thì sẽ ngày càng trở nên ưu tú hơn..

Đời người đáng sợ nhất không phải là cái nghèo, mà là những người luôn thích xen vào cuộc sống của người khác, nhưng cuộc sống của chính mình lại là một mớ hỗn độn.

Không nói xấu sau lưng người khác và không dị nghị bàn tán chuyện riêng gia đình nhà người khác là sự tu dưỡng cơ bản nhất của một con người.

Không can thiệp vào cuộc sống của người khác, không chỉ trỏ chuyện riêng của người khác là tính tự giác cao nhất của người trưởng thành.

Hãy luôn nhớ rằng: những người hiểu người khác là người có trí tuệ, những người biết mình mới là người thông minh.

ĐỪNG QUÁ MONG CHỜ VÀO NGƯỜI KHÁC.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao con người lại thường cảm thấy không hạnh phúc chưa?

Những người không cảm thấy hạnh phúc thường là do: Họ ôm đồm quá nhiều, quá quan trọng hóa mọi thứ, hay khư khư nắm chặt không buông.

Đôi khi, ta đánh giá quá cao lòng người, đánh giá quá cao sự bền lâu của một mối quan hệ.

Năm tháng qua đi, một số người quen trước kia đã trở nên xa lạ. Chúng ta chẳng còn liên lạc nữa. Sự thân thiết trước kia cũng chỉ là đã từng.

Bạn đã đánh giá quá cao vị trí của mình trong lòng người khác, và họ đã đánh giá thấp tầm quan trọng của mình trong lòng bạn.

Kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều, kỳ vọng càng nhiều thì nhận lại càng ít.

Đừng kì vọng quá nhiều vào bạn đời của bạn, vì chẳng có ai đối xử tốt với bạn, bởi lẽ đương nhiên họ phải thế.

Đừng kì vọng vào con cái quá nhiều, chúng đến vì bạn nhưng không phải chỉ đến vì một mình bạn.

Cũng đừng kì vọng vào bạn bè quá nhiều, mọi người đến và đi trong cuộc sống này vốn đã là quy luật.

Đừng quá coi trọng bản thân, đừng đánh giá quá cao vào tình cảm và các mối quan hệ. Không kì vọng cao thì sẽ chẳng thất vọng nhiều.

TẠM KẾT

Một người càng buông bỏ được nhiều thứ, thì người đó càng giàu có.

Buông bỏ cái tôi, chúng ta mới có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Buông bỏ ham muốn, chúng ta có thể tìm thấy chính mình. Buông bỏ nỗi đau, chúng ta mới có thể tái sinh. Buông bỏ tạp niệm, chúng ta có thể sống tự do tự tại.

Như câu nói: "Cuộc sống vốn chẳng đỗi phức tạp, đều là do con người tự làm phiền chính mình".

Những buồn phiền và rắc rối chỉ là một phần của cuộc sống. Những gian truân thăng trầm cũng chỉ là một giai đoạn của cuộc đời.

Nếu bạn luôn giữ muộn phiền trong lòng thì cả cuộc đời của bạn cũng sẽ giống như mùa thu, luôn buồn thiu và ảm đạm.

Suy nghĩ quá nhiều có thể làm hỏng tâm trạng của bạn. Tâm trạng quá tệ, sẽ hủy hoại cuộc sống. Nếu bạn sống không tốt, bạn sẽ hủy hoại cả cuộc đời mình.

Đình Trọng

Đăng bởi Hải Lý 07-06-2022 64

Chuyên mục: Chia sẻ

Tin nổi bật Chia sẻ