Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
19h tối ngày 3/5, bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, trú tại Chung cư đơn nguyên 3, Khu đô thị Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), người phụ nữ sống sót thần kỳ sau 7 ngày rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh) đã quay trở về nhà trong sự hân hoan, vui sướng của cả gia đình.
Trước đó, ngày 27/4, khi đang trên đường lên chùa Đồng thì bà Liên bị tụt huyết áp nên choáng váng, ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30 mét. Rất may, bà Liên đã rơi vào khu vực có nhiều cây nên không bị chấn thương nặng.
Khi bị rơi xuống vực sâu, bà vừa kêu cứu vừa tìm cách bám vào thân cây, nhưng lại tiếp tục bị rơi xuống thêm 1 đoạn nữa và lả đi. Khi tỉnh dậy, thấy mình ở dưới vực sâu, bà Liên kêu cứu thất thanh nhưng vô vọng do khu vực vắng, triền núi lại sâu hun hút và do mưa to, gió lớn, nên không ai nghe thấy tiếng kêu cứu.
Bà Liên may mắn thoát chết sau 7 ngày rơi xuống vực sâu. Ảnh: VTC.vn
May mắn, khi ngã, chiếc túi bà Liên cầm theo còn ít cơm cháy và chai nước. Để đảm bảo lương thực trong khi chờ người tới cứu, bà chia nhỏ gói cơm cháy ăn dần, bà lục trong số rác dưới vách đá tìm những chai nước uống thừa bị vứt đi nên bà dồn lại một chai để dự trữ uống dần. Đồng thời, ăn thêm lá cây dương xỉ, quả lạc tiên cầm cự.
Đến sáng 3/5, ngày thứ 7 khi bị rơi xuống vách đá, sau những nỗ lực kêu cứu không ngừng, người phụ nữ U60 cuối cùng cũng nghe được tiếng người đáp lại.
Qua vụ việc trên, một lần nữa đã cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng sinh tồn cũng như công dụng của các loài cây cỏ xung quanh chúng ta. Vậy những cây mọc dại này có tác dụng ra sao đối với sức khỏe con người và cần làm gì để tìm ra nguồn nước khi gặp nạn trong rừng?
Công dụng bất ngờ của cây dương xỉ, quả lạc tiên
Cây dương xỉ có tên khoa học là Microsorum Pteropus, thuộc họ Polypodiaceae, có nguồn gốc từ châu Á. Loài cây này mọc ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, dương xỉ mọc nhiều ở ven bìa rừng, bờ suối, chân tường ẩm thấp,...
Dương xỉ thuộc dạng cây thân thảo, gần như nó không có thân, có chiều cao trung bình từ 15 – 30cm và rộng khoảng 15 – 20cm. Dương xỉ có lá kép mọc thành từng cụm, dài khoảng 20 đến 35cm, hình dáng tựa như hình của chiếc lược, thon nhọn ở đầu.
Cây lạc tiên là một cây thuốc nam quý, dạng dây leo bằng tua cuốn, rỗng. Lá mọc so le, dài khoảng 7cm, rộng tới 10cm, chia làm 3 thùy nhọn. Lá kèm rách ở mép. Tua cuốn mọc từ nách lá. Hoa trắng, có tràng phụ hình sợi, màu tím. Quả tròn, bao bởi lá bắc tồn tại như là một cái bao ở ngoài. Quả chín vàng, ăn được. Toàn cây có lông.
Chia sẻ trên VTC, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc bà Nguyễn Thị Bích Liên sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực sâu là chuyện rất may mắn. Tuy nhiên còn may mắn hơn nữa khi bà Liên đã biết tự cứu lấy mình nhờ việc ăn cây dương xỉ và củ lạc tiên để duy trì sự sống trong suốt 1 tuần.
Cây dương xỉ
Theo ông Thịnh, hai loại cây dương xỉ hay lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không có độc. Xét về mặt dinh dưỡng thì cả hai loại cây trên đều không mang lại giá trị dinh dưỡng gì đặc biệt, chỉ có cây lạc tiên trong thành phần chứa một lượng rất nhỏ chất an thần, nhưng không đáng kể. Tuy không có nhiều dinh dưỡng nhưng các loại cây này đều có thể sử dụng để làm thực phẩm để duy trì sự sống trong một thời gian.
"Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Chỉ là người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng lại không cao. Ví dụ như các loại lá rất quen thuộc với chúng ta là lá chuối, hay lá mít... đều ăn được", ông Thịnh nói.
Kỹ năng sinh tồn khi gặp nạn trong rừng
Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng tìm các cây thuốc nam, TS Ngô Đức Phương chia sẻ trên Infonet, trong rừng ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm như rắn rết, mưa lũ bất chợt, cây đổ rơi đè, ngã, đá lăn, ăn phải cây độc, bị lạnh, bị đói, khát..
Do đó, nếu không may bị lạc, hoặc ngã ở trong rừng, người bị nạn phải thực sự bình tĩnh tìm theo dòng suối (để có nước uống, xuôi dần sẽ xuống được nơi an toàn, có dân, có làng,...).
Đối với các loại lá cây trong rừng có thể ăn, TS Ngô Đức Phương chia sẻ, cơ bản cây độc rất ít, lượng độc thường cũng không đủ gây chết do đó có thể nhấm các loại lá cây.
Quả lạc tiên
"Cứ cây nào chua thì không bao giờ độc. Các loại dương xỉ cũng ít khi độc (chỉ có điều nó hơi dai, xơ). Hoặc tìm thấy cây chuối rừng là 1 giải pháp cực tốt: lấy nước từ thân, ăn thân non, ăn củ", TS Ngô Đức Phương cho hay.
Ngoài ra, người gặp nạn có thể tìm nước bằng cách lấy ở cây chuối, dây gắm, dây chạc chìu (nếu có dao), củ cốt cắn,...
Một nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi đi rừng nên đi theo nhóm, đoàn. Nếu không may bị lạc thì nên ngồi im 1 chỗ chờ người đến tìm, cứu. Càng đi lung tung càng dễ bị lạc và xa điểm xuất phát, khi đó mọi người khó tìm.
"Trong trường hợp có lửa thì cần đốt lửa, đặc biệt vào buổi tối vừa giữ ấm cơ thể vừa đuổi thú và mọi người dễ phát hiện", TS Ngô Đức Phương cho hay.
Nguyễn Phượng - Theo Trí Thức Trẻ
Tin nổi bật Phổ biến kiến thức