Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Kẻ từng bị báo chí Hàn Quốc gọi là “đạo diễn tâm thần”, “quái thai thời đại”…giành được giải thưởng lớn nhất tại LHP Quốc tế Venice 2012, Sư tử Vàng cho bộ phim mới nhất của ông, Pieta. Pieta bạo liệt, trong đó nhân vật chính làm đảo lộn những điều tưởng như chắc chắn: cái đẹp trở nên xấu xí, cái xấu lại trở thành tuyệt vời, còn Kim vẫn là Kim, với những bộ phim mà đằng sau vẻ ngoài xù xì thô ráp là một bữa tiệc tràn đầy tính nhân văn.
Khi trào lưu phim truyền hình Hàn Quốc “gây sốt” khắp nơi, có một đạo diễn điện ảnh chưa bao giờ “đụng” đến phim truyền hình nhưng vẫn được người ta nhắc đến bằng một thái độ trân trọng. Đó là Kim Ki Duk, đạo diễn của những bộ phim khiến người xem không khỏi thổn thức, không khỏi suy nghĩ như Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, Căn phòng trống, Thiếu nữ Samaria, Người đàn ông tồi, Cánh cung…và không thể không nói đến Pieta
Được đánh giá là phim xuất sắc trong lễ trao giải Sư tử vàng năm nay, bộ phim Pieta của đạo diễn Kim Ki Duk nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và báo chí nước ngoài.
Tờ báo hàng ngày của Ý là La Repubblica nhận xét: Đây là bộ phim gây sốc nhất. Khán giả bị chinh phục bởi câu chuyện mạnh mẽ của các nhân vật bị giằng xé giữa sự trả thù và lòng từ bi. Bộ phim đã giành được những tràng vỗ tay rầm rộ như “long trời lở đất”.
Pieta - Cảm hứng từ một tác phẩm điêu khắc
Câu chuyện đầy tính nhân văn của Pieta kể về một kẻ chuyên cho vay nặng lãi độc ác sẵn sàng biến những con nợ không trả nổi tiền thành người tàn phế. Cho tới một ngày, hắn gặp một người phụ nữ tự xưng là mẹ đẻ của hắn.
Sau khi nhận ra người phụ nữ này thực sự là mẹ của mình, nhân tính trong hắn như được thức tỉnh, cái ác bị đẩy lùi và hắn thấy mình “yếu” đi, không thể nào trừng phạt những người thiếu nợ một cách độc ác như trước đây được nữa.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc gọi Pieta là một bộ phim tuy khai thác đề tài không mới nhưng lại có cách xử lý thông minh. Thông điệp đưa ra rất đơn giản: Đồng tiền có thể huỷ hoại nhân tính và tạo nên những hố đen thăm thẳm như linh hồn quỷ dữ trong mối quan hệ giữa con người với con người.
Pieta là một từ trong tiếng Ý có nghĩa là “đáng tiếc”, nhưng nó còn là tên của một bức điêu khắc nổi tiếng của Michelangelo khắc hoạ Đức Mẹ Maria ôm thi hài của chúa Jesus, thể hiện đỉnh cao tình thương mà một người mẹ dành cho con của mình. Tiêu đề và poster phim khiến nhiều người tưởng rằng bộ phim khắc hoạ ý nghĩa cuộc sống thông qua góc nhìn tôn giáo.
Đạo diễn Kim Ki Duk chia sẻ bộ phim của ông là sự vạch trần chủ nghĩa tư bản và thế lực đồng tiền. Nó chính là “nhân vật chính thứ 3” trong phim của ông. Tiền bạc là nguyên nhân của hầu hết các rắc rối nảy sinh trong cuộc sống. Con người làm cho nhau đau khổ cũng vì tiền.
Sự cứu rỗi
Pieta (tựa tiếng Việt: Đức mẹ sầu bi) là một bộ phim điện ảnh có cấu trúc trước sau rõ ràng, bởi mạch phim chia làm hai phần riêng biệt. Cuộc đời của nhân vật nam chính Kang Do có lối rẽ bất ngờ, từ trước và sau khi người tự xưng là mẹ anh ta xuất hiện.
Từ khóa chính trong mạch phim về quãng đời của Kang Do trước khi người mẹ kia xuất hiện là “sự cứu rỗi”.
Poster về hai nhân vật chính
Kang Do (Lee Jung Jin đóng) là một nhân vật gần như bị mắc chứng bệnh rối loạn nhân cách. Hắn là một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê. Trước khi cho con nợ vay tiền, hắn tạo một khoản thanh toán bảo hiểm về thương tích đối với con nợ. Nếu như họ không thể trả hết số tiền đã vay, hắn sẽ khiến họ bị thương tật để nhận được số tiền. Hắn làm cho con nợ rơi xuống từ một tòa nhà, hoặc đục lỗ trên mu bàn tay họ. Những lúc như thế cũng khó tìm thấy một chút cảm giác tội lỗi hay sự hoảng sợ nào trên gương mặt hắn.
Bộ phim mở màn bằng cảnh Kang Do tiến vào một xưởng cơ khí bẩn thỉu, lạnh lùng ra tay với những con nợ là những công nhân đang sống trong một lán trại tồi tàn ở ngoại ô Seoul. Trong cơn tuyệt vọng, một con nợ khẩn khoản xin Kang Do được khất nợ. Hình ảnh người vợ vật vã cầu xin “Nếu chồng tôi lâm bệnh, gia đình chúng tôi sẽ chết mất”, và một bên là hình ảnh Kang Do lạnh lùng siết những mũi khâu đục lên mu bàn tay của người chồng, thật quá tàn nhẫn và gây sốc.
Từ nhỏ, Kang Do đã một đứa trẻ bị bỏ rơi, không biết đến tiếng gọi “mẹ”. Hắn sống trong sự cô đơn và lạnh lùng, tàn nhẫn như một kẻ vô nhân tính. Đến một ngày, một người phụ nữ bí ẩn xuất hiện, phá vỡ thế giới của hắn, tự nhận là người mẹ đã bỏ rơi hắn và cầu xin tha thứ.
Ẩn giấu bên trong "con quái vật" không tình người của
Kang Do là một tâm hồn yếu ớt và thèm khát sự yêu thương
Đương nhiên, một con người như hắn sẽ không dễ dàng thừa nhận. Nhưng người phụ nữ bí ẩn vẫn bỏ ngoài tai mọi câu chửi rủa, mọi sự hắt hủi của hắn để làm những việc nhỏ nhặt nhất giúp cho cuộc sống của hắn. Đối diện với thực tế đó, Kang Do trải qua sự biến đổi kỳ lạ, khiến hắn trở nên có tình người hơn nhưng cũng dễ bị tổn thương hơn.
Từ khoảnh khắc thừa nhận sự tồn tại của người mẹ đó, Kang Do dần xa rời khỏi cuộc sống “bán linh hồn” trước đây. Hắn không còn đối xử với những con nợ nghiệt ngã như trước, cũng không khiến họ trở nên thương tật, thậm chí hoàn trả lại giấy tờ bảo hiểm cho họ.
Giữa cuộc sống của Kang Do, một kẻ đã từng chỉ biết tiền là tất cả, có một cuộc đời bán linh hồn cho tội ác, người cứu rỗi hắn chính là “người mẹ”.
Và cảm giác tội lỗi
Nếu như đạo diễn Kim Ki Duk cứ đơn thuần chỉ miêu tả một sự cứu rỗi tâm hồn đối với Kang Do thì Pieta chắc chắn không phải là đứa con tinh thần của ông. Một vị đạo diễn đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật như Xuân, Hạ, Thu Đông rồi lại Xuân, The Isle, Address Unknow, 3-Iron… thì khó lòng để bộ phim của mình diễn biến lặng lẽ như thế.
Nếu nhìn vào phương diện cấu trúc gia đình, Pieta là một bộ phim đặc biệt. Kim Ki Duk đặt nhân vật Kang Do giằng xé giữa những suy nghĩ, đó không phải là mẹ của mình, bằng việc thử thách người phụ nữ bằng một cuộc hành xác tình dục, để rồi sao đó là tiếng khóc nấc nghẹn ngào.
Những cảnh làm tình trong phim gây sốc đối với người xem khi Kim Ki Duk đặt tôn giáo và tình dục bên cạnh nhau, trong một nơi tôn nghiêm của nhà thờ thiên chúa giáo Seoul.
Nhưng trên tất cả là ý nghĩa của sự cứu rỗi linh hồn.
Nhìn vào hành động của người vợ chấp nhận đánh đổi thân xác để mong hoãn ngày trả nợ cho chồng mới thấy ý nghĩa của sự hy sinh lớn lao ấy. Đứng trước một tên đòi nợ thuê máu lạnh như Kang Do, người vợ với manh áo lót trên người, đầy mạnh mẽ nói “Hãy làm gì anh muốn, chỉ xin gia hạn thêm 1 tuần để chồng tôi trả nợ”. Thật đắng tim!
Cảnh trong phim
Nhưng dù cho Kang Do đã thay đổi bản chất, hắn phải phải chịu cảm giác của tội lỗi vì những hành vi ác độc mà hắn gây ra. Người cứu rỗi cứu được kẻ ác không có nghĩa phải đảm trách cả vai trò gánh tội lỗi của kẻ ác. Được cứu rỗi nhưng cảm giác tội lỗi thì nhất định phải gánh chịu. Đó là điều mà Kim Ki Duk khiến “con quái vật” như Kang Do phải nếm trải cảm giác đau đớn vì những hành vi mình gây ra.
Bóng tối và sự tàn ác
Từ năm 1997, Kim bắt đầu cho thấy rõ xu hướng làm phim của mình như một liều thuốc cân đo nồng độ phản ứng của xã hội Hàn Quốc thông qua lăng kính cuộc đời của những người nghèo hèn, sống bên lề xã hội. Bóng tối và sự tàn ác là trung tâm của phần lớn tác phẩm và thường gây tranh cãi.
Phim của ông lúc nào cũng dính đến tự sát, cảnh phim bị cắt liên tục, nhịp điệu cũng thay đổi, chiến thuật gây sốc có chủ ý. Kim dường như không cần tới sự tinh tế. Cái mà ông thể hiện trong các tác phẩm của mình thật “nhẫn tâm” nhưng là sự thật, rằng sự tàn ác là một phần của bản chất con người và mọi hành động đều để lại hậu quả.
Tất cả những bộ phim thời kỳ này của Kim như The Isle, Real Fiction, Address Unknown hay Bad Guy, The Coast Guard (có sự tham gia của Jang Dong-Gun, ngôi sao điện ảnh hàng đầu của Hàn Quốc duy nhất xuất hiện trong phim của Kim) thể hiện rất rõ tư tưởng đó. Mặc dù trình độ cấp hai nhưng nhờ đi nhiều, nhạy cảm trước những điều mắt thấy tai nghe nên Kim Ki Duk có khả năng cảm nhận cuộc sống sâu sắc hơn người bình thường. Bốn năm làm việc trong nhà thờ còn giúp ông nhìn sự việc xung quanh mình bằng cặp mắt hiếu kỳ, luôn muốn khám phá. Tất cả đã được gom góp lại trong những trang kịch bản.
Quan niệm làm phim của Kim Ki Duk dù thường không được giới phê bình công nhận nhưng lại “đánh động” vào khán giả. Có thể những ý tưởng của ông bị xem là “tâm thần”, song người ta vẫn cố xếp hàng vào rạp xem cho bằng được. Đó là nguyên nhân khiến phim ông luôn ăn khách. Và điều đặc biệt là những tác phẩm mang tên Kim Ki Duk có nhiều cơ hội trong những giải thưởng điện ảnh quốc tế do nó “khác người”. Và Pieta là một điển hình cho sự "khác người" thành công tạiLHP Venice 2012.
“Khi tôi làm Pietà, tôi nghĩ rằng tất cả những ai sống trong thế giới hiện đại này đều là những người cần phải chờ đợi lòng khoan dung của Chúa. Thế giới hiện đại hoàn toàn hỗn loạn vì các mối quan hệ của con người đã trở nên rối tung vì tiền bạc. Ở quy mô lớn, có những cuộc chiến tranh, và ở quy mô nhỏ chúng ta có những cuộc xung đột lẻ tẻ về tiền bạc và quyền lực. Tất cả những tình huống đó đều xảy ra vì tiền. NhưngPietà không chỉ nói về các vấn đề thời sự. Nó còn nói về gia đình và thù hận, về tiền bạc và các mối quan hệ. Khía cạnh quan trọng nhất của Pietà là khi mọi người được kết nối với nhau như một mạng nhện trong xã hội hiện đại, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng lõa trong chuyện này. Đó là một dấu hiệu cảnh báo, một sự tự miêu tả về bản thân chúng ta khi chúng ta càng ngày càng lún sâu vào một xã hội thiên về tiền bạc, hết sức xem trọng lợi nhuận. Chúng ta đang trở nên tàn ác hơn và niềm tin giữa mọi người với nhau đang biến mất nhanh chóng. Điều này khiến Pietà nghe có vẻ là một câu chuyện rất phức tạp nhưng tôi chỉ muốn đặt vào bộ phim vào ý tưởng “Lạy Chúa, xin người hãy khoan dung cho chúng con” - Kim Ki-Duk.
Tháng ba vừa qua, ngay sau khi hoàn thành bộ phim Pieta, Kim Ki Duk bắt tay ngay thực hiện bộ phim thứ 19 mang tên Diễn viên là diễn viên. Đây là tác phẩm nối tiếp thành công của Điện ảnh là điện ảnh được ông làm năm 2008. Nếu không có gì thay đổi, nam diễn viên So Ji Sub sẽ đảm nhận vai chính trong dự án mới này.
Tin nổi bật Giải trí