Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Câu chuyện thứ nhất
Có hai con ngựa kéo xe hàng hóa. Một con ngựa thì đi nhanh, một con thì đi rất chậm. Vì vậy, người chủ đã chuyển tất cả các hàng hóa của con ngựa đi chậm cho con ngựa đi nhanh kéo. Con ngựa đi chậm cười lớn: "Xì! Càng làm việc chăm chỉ thì chỉ càng tự chuốc lấy đau khổ mà thôi!"
Nào ngờ sau này người chủ lại nghĩ: "Chỉ cần một con ngựa là đã kéo được tất cả hàng hóa rồi, vậy tại sao phải nuôi hai con?" Cuối cùng con ngựa lười đã bị giết lấy thịt.
Đây là hiệu ứng "con ngựa lười" trong kinh tế học.
Bài học: Để cho người khác cảm thấy có hay không có bạn cũng chẳng sao, thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị đào thải.
Câu chuyện thứ hai
Có người hỏi người nông dân: "Ông đã trồng lúa mì chưa?"
Người nông dân: "Chưa, tôi lo trời sẽ không mưa."
Người kia lại hỏi: "Vậy ông có trồng cây bông vải không?"
Người nông dân: "Không, tôi lo sâu sẽ ăn bông."
Người kia lại hỏi: "Thế thì anh đã trồng cây gì?"
Người nông dân: "Không trồng gì cả, tôi muốn an toàn tuyệt đối."
Bài học: Đối với một người không muốn hy sinh và chấp nhận rủi ro, thì việc anh ta không đạt được gì là điều đương nhiên.
Câu chuyện thứ ba
Một thiền sư nhìn thấy một con bọ cạp rơi xuống nước, ông quyết định cứu nó. Nhưng không ngờ, con bọ cạp đã đốt ngón tay của ông khi ông vừa chạm vào nó. Vị thiền sư không sợ hãi, lại vươn tay ra một lần nữa, nhưng ông vẫn bị bọ cạp đốt thêm một vết.
Có người bên cạnh nói: "Nó đốt thầy, sao thầy lại cứu nó?"
Thiền sư đáp: "Bọ cạp đốt người là bản tính của nó, thiện lương là bản tính của tôi, vậy tại sao tôi lại phải từ bỏ bản tính của mình chứ?"
Bài học: Sai lầm của chúng ta là thay đổi bản thân quá nhiều một cách mù quáng vì những tác nhân ngoại cảnh.
Câu chuyện thứ tư
Mandela bị giam cầm trong 27 năm và bị tra tấn. Khi trở thành tổng thống, ông đã mời đến ba lính canh đã tra tấn mình. Khi Mandela đứng lên và kính cẩn chào 3 người cai ngục đó, tất cả những người có mặt tại hiện trường và cả thế giới đều im lặng.
Ông nói: "Khi tôi bước ra khỏi phòng giam và bước qua cánh cổng nhà tù để đến với tự do, tôi biết rằng nếu tôi không thể để lại nỗi đau và sự uất hận phía sau thì tôi vẫn còn ở trong tù."
Bài học: Tha thứ cho người khác thực chất là giải thoát cho bản thân.
Câu chuyện thứ năm
Trong một thị trấn nhỏ, một thương nhân mở một cây xăng, kinh doanh rất tốt. Người thứ hai đến mở một nhà hàng, người thứ ba mở siêu thị, khiến trấn nhỏ ngày càng trở nên thịnh vượng.
Nhưng ở một thị trấn khác, một doanh nhân mở một cây xăng và công việc kinh doanh rất tốt, người thứ hai đến cũng mở cây xăng thứ hai. Người thứ ba và thứ tư cũng vậy, khiến cho cuộc cạnh tranh này trở thành một đống đổ nát.
Bài học: Bắt chước người khác một cách mù quáng sẽ cản đường chính bạn.
Câu chuyện thứ sáu
Một con quạ bắt gặp một con chim bồ câu đang trên đường về nhà.
Bồ câu hỏi: "Bạn đi đâu vậy?"
Quạ nói: "Thực ra tôi không muốn rời đi, nhưng mọi người cho rằng giọng tôi không hay nên muốn tôi đi nơi khác."
Chim bồ câu nói với quạ rằng: "Đừng tự lãng phí sức lực của bạn! Nếu bạn không thay đổi được giọng nói của mình, thì dù đi đến đâu cũng sẽ không được chào đón."
Bài học: Nếu bạn muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, hãy bắt đầu bằng việc thay đổi bản thân.
Câu chuyện thứ bảy
Một tiểu hòa thượng chịu trách nhiệm quét sân thiền viện, cậu phải mất nhiều thời gian để quét dọn mỗi ngày.
Có người nói với cậu: "Trước khi quét, cậu hãy lắc mạnh cây, giũ hết lá rụng, thế thì mai sẽ không phải quét nữa."
Tiểu hòa thượng nghĩ đúng nên vui vẻ làm theo, nhưng hôm sau sân viện lại đầy lá như thường lệ.
Ngày hôm nay, cho dù bạn làm việc chăm chỉ như thế nào , thì lá của ngày mai vẫn sẽ rơi.
Bài học: Hãy sống trong hiện tại.
Câu chuyện thứ tám
Lợn rừng và ngựa ăn cỏ cùng nhau, lợn rừng ngày thường làm nhiều điều xấu, hoặc là giẫm cỏ hoặc làm vẩn đục nước. Ngựa rất tức giận và muốn trả thù nên đã nhờ người thợ săn giúp đỡ. Người thợ săn nói trừ khi con ngựa chịu thắt dây cương và để anh ta cưỡi. Ngựa vì mong muốn trả thù, nên đã đồng ý yêu cầu của người thợ săn.
Người thợ săn cưỡi ngựa hạ gục con lợn rừng, rồi đem ngựa trói vào máng cỏ, từ đó con ngựa mất đi sự tự do vốn có.
Bài học: Nếu bạn không thể bao dung với người khác, bạn sẽ tự mang lại bất hạnh cho chính mình.
Trần Anh - Theo Trí Thức Trẻ
Tin nổi bật Suy ngẫm