Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Thế giới này không hoàn hảo, nên thay vì nhìn vào công việc, rất nhiều người có xu hướng tuyển ứng viên có nhiều điểm giống mình, từ diện mạo đến trang phục.
Jeff Haden hiện là biên tập viên tạp chí Inc. Ông đã chia sẻ trên LinkedIn về sự ảnh hưởng của trang phục và diện mạo tới sự nghiệp của bạn.
Cách đây nhiều năm, tôi còn làm việc tại khu lắp ráp hàng hóa của một nhà máy. Trước đó, để có tiền học đại học, tôi đã có quãng thời gian khá dài lao động ở một nhà máy khác, bởi vậy trông tôi đậm chất một công nhân làm việc theo giờ. Dù tất cả mọi người đều gọi tôi là "cậu bé đại học".
Một hôm, người quản lý cửa hàng ghé qua chỗ tôi. Trong lúc trò chuyện, anh ta hỏi tôi đủ thứ, từ gia cảnh, học vấn đến định hướng nghề nghiệp. Tôi trả lời: "Tôi muốn làm giám sát viên. Và một ngày nào đó ở vị trí của anh bây giờ".
Anh ta mỉm cười và đáp: "Rất tốt. Tôi rất thích những người có ước mơ". Rồi anh ta ngừng một lát, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Nhưng nếu đó là điều cậu thực sự muốn, thì cậu cần phải xem lại diện mạo của mình trước đã".
Tôi thừa hiểu ý anh ta nhưng vẫn cố giả vờ: "Ý anh là sao?"
Anh ta đáp: "Hãy nhìn xung quanh cậu xem? Những giám sát viên họ mặc gì, để tóc ra sao, họ đi đứng và hành động như thế nào? Nên nhớ sẽ chẳng ai nghĩ sẽ cất nhắc cậu lên giám sát viên cho tới khi họ nhìn thấy điều đó ngay từ diện mạo và trang phục của cậu. Hiện tại trông cậu chẳng giống giám sát viên chút nào".
Anh ta nói đúng. Lúc đó tôi mặc quần bò rách, thủng vài lỗ. Nhưng sao có thể không như vậy khi cả ngày tôi lấm lem với đủ loại dầu mỡ? Đồng bộ với quần rách là chiếc áo phông cộc tay. Vì trời thì nóng như đổ lửa, còn chỗ tôi làm lại cách xa điều hòa. Lúc này tóc tôi cũng khá dài nữa.
Dù vậy tôi vẫn cố vặn lại: “Chẳng phải hiệu quả công việc còn quan trọng hơn diện mạo hay sao?”
Anh ta đáp: “Trong một thế giới hoàn hảo thì đúng là thế. Nhưng chúng ta đang sống ở nơi không hoàn hảo. Vì vậy, tin tôi đi. Nếu muốn được thăng chức, hãy điều chỉnh diện mạo của cậu cho giống những người đang ở vị trí đó”.
Tôi đã suy nghĩ về cuộc trò chuyện đó suốt nhiều năm liền. Về sau này, tôi cũng từng tuyển dụng và thăng cấp cho những người biết để ý đến ngoại hình và trang phục. Nhưng hóa ra họ chỉ đẹp mã chứ chẳng làm được trò trống gì. Trong khi những người không mấy để ý đến diện mạo mà tôi tuyển hóa ra lại là nhân tài. Từ ấy, tôi rút ra kết luận là, ngoại hình hay trang phục chẳng liên quan gì đến năng lực và khả năng làm việc của bạn.
Tuy nhiên, người quản lý ấy đúng ở chỗ thế giới này không hoàn hảo. Người ta vẫn đưa ra phỏng đoán, nhận xét dựa trên những thứ chẳng liên quan như quần áo, chiều cao, cân nặng, tuổi tác, giới tính, chủng tộc, và cả tỷ thứ khác nữa. Những thứ ấy rõ ràng chẳng ảnh hưởng gì đến hiệu quả làm việc của một người.
Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên cố gắng thích nghi. Nhân viên tuyển dụng cũng là người bình thường, họ cũng có thành kiến nghiêng về những thứ mà họ thấy quen thuộc và thoải mái. Bởi vậy, họ thường tuyển những người có nhiều điểm giống họ, từ diện mạo đến trang phục.
Đừng quên rằng, việc tuyển dụng hay thăng chức cho những người giống mình, dù chỉ dựa trên trang phục và ứng xử, sẽ khiến người tuyển dụng cảm thấy ít rủi ro hơn. Tôi thừa nhận quyết định của mình cũng bị ảnh hưởng bởi điều này.
Câu hỏi đặt ra là bạn có nên là chính mình và tin tưởng rằng người ta sẽ đánh giá bạn dựa trên năng lực, kinh nghiệm, tài năng cũng như sự độc đáo hay không? Tôi cho rằng nếu mục tiêu của bạn là được tuyển dụng và sau đó thăng chức, việc "khoe cá tính" có thể khiến nó trở nên xa vời và khó thành hiện thực.
Tôi không dám chắc, nhưng việc thay đổi hoàn toàn cách ăn mặc, kiểm soát phần nào thái độ có lẽ đã giúp tôi được thăng cấp nhanh hơn. Suốt một thời gian dài trước đây, tôi không để ý đến diện mạo và cử chỉ của mình. Điều đó chắc chắn đã biến tôi trở thành một ứng viên kém hấp dẫn.
Tin nổi bật Nghề nghiệp