Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa của ngày 8 tháng 3 theo cách của mình. Ngày đặc biệt này để mỗi người đàn ông nhớ về những người phụ nữ trong cuộc đời của mình.
Cách đây gần bốn mươi năm, lúc tôi được sinh ra trong gia đình khá. Ba làm may vá, mẹ là tiểu thư con nhà khá giả ở Thị Trấn Phú Phong thuộc tỉnh Bình Định. Mẹ theo ba về miền núi hẻo lánh và sống trong mái nhà nhỏ hạnh phúc.Cuộc sống dần trôi, tôi là đứa con trai đầu lòng đi qua những năm tháng yên bình.Thế nhưng chỉ vài tháng sau khi sinh đứa em gái Thanh Tâm, hai người chia tay để lại anh em tôi thiếu vắng tình thương yêu của cả ba mẹ như bao đứa trẻ quê quanh mình. Mẹ về với bà ngoại, ba thân gà trống nuôi con cùng bà nội và các cô và cảnh nghèo bắt đầu ập đến gia đình. Ba buồn đời bỏ đi nhậu nhẹt sáng chiều, nhà thiếu ăn thiếu mặt trầm trọng.
Một thời gian sau, tôi không nhớ rõ là mấy năm, ba có thêm mẹ mới mà anh em tôi gọi là má. Má cũng từng là tiểu thư con nhà khá giả trước giải phóng ở Quy Nhơn, má cũng trải qua một lần lỡ gánh do chiến tranh và cả gia đình trốn về vùng nông thôn hẻo lánh này cùng đứa con gái tuyệt đẹp tên bé Ngọc. Bé Ngọc cùng tuổi với tôi, khi ba má về ở với nhau, bé ở với ông bà ngoại và cũng là bạn của tôi.
Đứa con đầu tiên của ba má bị mất, rồi chẳng bao lâu bé Ngọc cũng mất vì bệnh. Tôi không nhớ được hình ảnh đau thương của má, chỉ nhớ là người ở quê hay mỉa mai mẹ ghẻ con chồng, nhưng anh em tôi lại thương má lắm.
Má cũng lao vào làm nhưng nghèo vẫn cứ nghèo, đói vẫn cứ đói. Bé Tâm tội nghiệp thiếu ăn thiếu sữa, ốm o, lạnh lẽo. Đêm đêm em gái nằm chung với tôi cứ ị trên giường má phải dọn dẹp. Tôi thì lì lắm, rất to gan nên má cũng nhẫn nhịn và lo cho tôi. Dần dần tình cảm anh em tôi dành cho má nhiều lắm. Đêm đêm trời lạnh, không có chăn, má lấy rơm để dưới giường, anh em tôi lấy chiếu cuốn người lại cho đỡ lạnh và dĩ nhiên má cũng vậy.
Đời má nhọc nhằn mưu sinh lo lắng co các con
Má sinh thêm các em, bé Tâm vừa đi học vừa phụ má chăm các em. Nhà nghèo đến nỗi phải ăn khoai mì để sống qua ngày. Má đẹp lắm, đẹp như cô tiên vậy nên đẻ đứa em Nguyễn Chí Trung đẹp trai như con lai vậy.
Tôi được bà nội ở gần nhà cho ăn ngon hơn một chút, nhưng bù lại tôi đi chăn bò cho bà. Cái nấm nhỏ nhắn với giọng hát hay đã làm bao người rung động giữa đồng lúa nơi tôi vừa chăn bò vừa hát. Một buổi tôi học, một buổi chăn bò cho bà nội. Nhờ thế tôi được ăn ngon hơn em gái tôi.
Rồi những ngày ấy, tôi cùng má quảy chuối đi gần 15 cây số ra thị trấn Phú Phong để bán. Tôi cũng tranh thủ lại thăm mẹ tôi. Mẹ bị điên loạn rất nặng, chỉ cười và không biết tôi.
Vào nhà ngoại rất giàu, cậu là y tá thời Ngụy nên rất nổi tiếng. Mẹ tôi sau 1 sự cố đã đổ bệnh tâm thần lang thang khắp nơi, bị kẻ xấu lợi dụng có thai mấy lần. Và lần sau cùng phải giữ lại và sinh ra được đứa em gái, bé Kiếm. Bé sống trong tình thương của Ngoại. Ngoại vừa chăm bé Kiếm, vừa trông nom mẹ tôi.
Mỗi khi ra chợ, mẹ tôi đeo nhiều rác lên mình, cười lớn và lang thang giữa đường và ai cũng gọi mẹ là bà điên hay bà Mười Khùng. Tôi không dám gần mẹ dù trong long rất đau.
Năm tháng trôi mau, bé Tâm nghỉ học sớm để phụ gia đình, còn tôi vẫn tiếp tục đi học. Lớp 10, tôi học gần mẹ nhưng ít thăm mẹ lắm vì mẹ hay đi khắp nơi, và không còn nhận ra tôi nữa. Vì xe đạp phải nhường lại cho đứa em trai Nguyễn Chí Trung đi học ở xã, tôi xin ở lại nhà Ngoại để đi học.
Ở nhà Ngoại là nhà của cậu Bảy, ba giờ sáng tôi phải dậy để đẩy hàng ra chợ cho đến sáng, rồi tôi lấy nước từ giếng đem lên lầu sân thượng để cậu tưới hoa, và dọn dẹp nhà cửa và ăn cơm nguội đi học. Cơm nhà cậu ngon lắm, nhà cậu giàu nên cái gì cũng ngon và đẹp.Tôi đi học về là leo lên lầu học. Ngoại đem lên nước trái cây do mợ Bảy (vợ cậu ) làm cho mỗi người một ly. Ngoại thương tôi lắm, cứ lo từng chút một và sợ cậu bắt làm nhiều nên cứ nói cố lên nha cháu.
Tôi ở chung, tối treo mùng cho mẹ nhưng không nói chuyện được. Đi học cùng nhóm bạn, có khi vô tình thấy mẹ lang thang tay đầy bịch bong bóng, giẻ rách mà tủi thân làm sao.
Tôi được lệnh về phụ ba làm than, ngoại không ủng hộ vì sợ tôi không có thời gian học. Về phụ ba má để có tiền đóng học phí. Chiếc xe đạp anh em tôi lại chia nhau. Nó hư nát lắm rồi! Cô bạn Tiếp đi theo trò chuyện thì tôi tránh, chạy nhanh để không nói chuyện. Những ngày mưa, tôi chỉ còn cái khăn bàn thờ của bàn gia tiên để mặc đi che mưa. Gặp bạn Dung hỏi sao không mua áo mưa mà tôi ngại lắm.
Được tin tôi vào đại học, Dung là người đầu tiên ôm tôi trong mừng rỡ muốn khóc. Má bán chiếc nhẫn duy nhất ba dành dụm để tặng, món quà duy nhất từ ngày cưới cho đến 5 mụn con. Bà con trong xóm nghèo nhưng mỗi người gom góp chắt chiu cho tôi một ít tiền. Bà Năm, dì ruột của má cũng đem nhiều tiền cho tôi để đi xe vào Sài Thành ăn học.
Bà nội tôi năm nay đã già lắm rồi (Tác giả trong 1 chuyến về thăm quê)
Vào Sài Gòn, tôi bị tai nạn gãy hết răng. Bạn Hiền, cô bạn cùng quê vào làm công nhân may thấy tội nghiệp viết thư về xin tiền ba má để làm răng nhưng không có tiền. Tôi được xã Bình Tường gửi tiền cho để làm răng. Hiền hay mua đồ ăn cho tôi mỗi khi tôi ghé thăm các anh em cùng quê.
Thời gian đại học, tôi quen chị Điệp ở Suối Tiên và một số chị nữa. Ai cũng thương tôi lắm lắm. Chị Điệp mời tôi về dạy kèm cho các con cháu ở Quận 2, và được cô ba, chị ruột của chị Điệp nhận làm con nuôi. Cô Năm, lúc đó là Luật Gia, từng là Đảng Viên trẻ và là hiệu trưởng trường Thanh Niên Xung Phong trẻ nhất sau giải phóng, vì chán nên Cô Năm ra làm cho Sai Gon Waterpark. Tôi lại dạy tiếng Anh cho Cô Năm. Xem như tôi dạy mọi người trong một đại gia đình. Mẹ nuôi tôi thì chồng chết để lại hai con trai, cô năm thì độc thân, dì Điệp cũng ly thân. Trong một đại gia đình rất nhiều phụ nữ ấy, ai cũng thương tôi và muốn tôi là anh cả làm gương cho bầy con cháu của họ.
Tôi được giới thiệu vào dạy cho con một cán bộ trong trường Giáo Dục Phụ Nữ thủ Đức, rồi khắp nơi …và đi đâu cũng được các cô các mẹ lo cho tôi nhiều hơn là tôi đáng được có.
Em gái tôi, bé Tâm vào Sài gòn may vá, em phụ tôi tiền học phí năm cuối và gửi về cho các em ăn học. Nhiều lúc vui trong giảng đường, tôi thương em vì nó không như các bạn đang vui vẻ trong mái trường, nó không biết chiếc áo dài, tình yêu của thời sinh viên…còn tôi sao mà may mắn thế.
Một ngày tôi về nhà mẹ nuôi Hóc Môn, rồi quen cô gái học ngành Công nghệ thông tin đang nhờ tôi xin việc. Cô ấy không dám đưa tôi vào nhà mà chỉ hẹn ngoài quán. Cô kể cho tôi nghe về gia đình, rằng bà ngoại sống một mình nuôi bầy con, mẹ của cô ấy cũng một mình nuôi con vì ba cô mất sớm…rồi tôi cũng kể chuyện của mình.
Hình như có sự đồng cảm! Rồi mến nhau, và đưa về nhau về thăm gia đình. Bà ngoại và mẹ của cô ấy ai cũng hiếu khách, cho tôi ăn mâm cao cỗ đầy và ai cũng vui vẻ. Tôi động lòng bởi từ nhỏ tới lớn chưa ai dành cho mình sự quan tâm nhiều như thế. Và cô gái ấy giờ là vợ tôi.
Ngày vợ tôi có bầu, tôi đã thường xuyên trò chuyện với đứa con bé nhỏ trong bụng. Hạnh phúc biết bao khi có 1 mầm sống cọ quậy trong bụng mẹ. Tôi chuẩn bị mọi thứ một cách tốt nhất để đón bé. Ngày bé chào đời tôi hạnh phúc tột cùng.Tôi đã cảm ơn vợ tôi đã sinh ra bé. Nhìn vợ tôi nằm đó trong kiệt sức, tôi cảm nhận được thế nào là công sinh công dưỡng của người mẹ.
Con gái ngày càng lớn, thương ba vô cùng. Tôi chưa thể kể cho con những gì mình suy nghĩ, rằng ba có nhiều mẹ lắm. Ba có nhiều cô, chị của ba trong cuộc sống đã giúp đỡ để ba có như ngày hôm nay.
Trong bài viết nhanh này, tôi chỉ kể 1/3 những người phụ nữ có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời tôi. Như chị ba dâu của Cậu Bảy hiện đang ở Mỹ, Cô Năm mua cho tôi cái quần khi còn là sinh viên, chị Xuân Tư, Công ty SPT, chị Hương Suối Tiên….nhiều vô kể đã cho tôi bao nhiêu ơn sâu nghĩa nặng.
Nhân ngày này, ngày tôi có thể viết được thành câu trong cảm xúc, để cảm ơn những người phụ nữ quan trọng ảnh hưởng lớn vô cùng cuộc đời tôi. Xin cảm ơn các bà, các cô, các chị, mẹ và vợ con tôi đã cho tôi một cuộc đời!
Nguyễn Chí Thành
---------------
Mời độc giả chia sẻ cảm xúc đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ:tamsu@congso.com
Tin nổi bật Tâm sự