Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Tâm lý học: Trong công sở, người quá nhạy cảm sẽ khó đi xa, người có phản ứng càng chậm sẽ càng thăng tiến
Tôi có quen biết một cô gái tên là Mỹ, cô ấy tốt nghiệp đại học được 2 năm, nhưng số lần cô nhảy việc đã không ít hơn 6, 7 lần, mà lý do từ chức thì lại chẳng có gì to tát cả.
Có một lần, cô vô tình nghe được sếp đánh giá về mình như thế này: "Cô Mỹ trông có hơi khù khờ...", nhưng chưa đợi sếp nói xong thì cô đã buồn bã bỏ đi, từ đó canh cánh mãi trong lòng.
Một lần khác, sếp đang buồn bực trong người. Đúng lúc, Mỹ bị gọi vào văn phòng lấy văn kiện. Vì cảm xúc của sếp còn chưa được bình ổn lại nên đã vô tình làm rơi tài liệu xuống đất do dùng lực quá mạnh. Mỹ nhạy cảm nghĩ rằng đó là do sếp không hài lòng với cô, nên cảm thấy rất khó chịu trong lòng, vì vậy cô ấy đã dứt khoát xin từ chức ngay sau đó.
Tương tự đối với một số công việc tiếp theo. Cũng vì do cô ấy quá nhạy cảm nên đã từ chức hết lần này đến lần khác.
Thông qua câu chuyện này, có lẽ bạn cũng đã thấy cô Mỹ nhạy cảm đến mức nào, chỉ cần vài lời đánh giá từ sếp thôi đã có thể kéo cảm xúc của cô ấy xuống vực. Đồng thời, tư tưởng của cô ấy cũng khá là tiêu cực, cố chấp nghĩ rằng hành vi của sếp như thế là vì không thích mình.
Những người nhạy cảm như thế thường có một trái tim rất mỏng manh và dễ vỡ như thủy tinh, họ không thể chịu được những lời chỉ trích hay buộc tội, thậm chí là một lời đánh giá đơn thuần. Những người nhạy cảm thường có ba đặc điểm sau:
1. Nhạy cảm, tiêu cực
Sự nhạy cảm không hoàn toàn xuất phát từ thế giới bên ngoài, mà còn liên quan đến tính cách và nội tâm của chính mình. Nhà tâm lý học người Mỹ Arthur Aaron cho biết: "Những người nhạy cảm cao đối với những thay đổi tinh tế của môi trường xung quanh đều sẽ có phản ứng, đồng thời họ rất thích suy nghĩ sâu".
Có nghĩa là những người có trái tim nhạy cảm sẽ rất nhạy bén với những thay đổi xung quanh, đồng thời phản ứng với chúng, và nếu phản ứng này là tiêu cực, họ sẽ dễ rơi vào tình trạng buồn phiền.
Vì thế, ở chốn công sở, họ dễ dàng đơn phương nghĩ sếp đang chỉ trích mình hoặc tự phê bình trước khi người khác phê bình và nhận hết lỗi về mình...
2. Các phản ứng cảm xúc luôn dao động và dai dẳng
Những người có trái tim thủy tinh rất nhanh về mặt cảm xúc và dễ bị ảnh hưởng bởi người khác và môi trường xung quanh. Một khi có kích thích hoặc thay đổi, họ sẽ sản sinh cảm xúc ngay lập tức, có thể rất vui trong một giây, sau đó lại vô cùng buồn bã, rơi vào cảm xúc tiêu cực và không thể bình tĩnh trong một thời gian dài.
Ở chốn công sở, họ dễ trở mặt hoặc khóc ngay tại chỗ chỉ vì một câu nói nào đó.
3. Thiếu tự tin vào bản thân, cũng như khó lòng xây dựng được sự tự tin
"Tự tin vào năng lực bản thân" (Self efficacy) được đưa ra bởi nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Bandura, đề cập đến sự tự tin của một cá nhân về việc liệu họ có thể sử dụng các kỹ năng của chính mình để hoàn thành một công việc nhất định hay không.
Những người có trái tim thủy tinh thường dễ bị tổn thương, có lẽ bởi vì họ đã bị từ chối rất nhiều trong thời thơ ấu, dẫn đến họ dần bị thuyết phục rằng mình không đủ năng lực.
Ngoài ra, một hoặc hai lần thành công cũng không thể thuyết phục họ tin tưởng vào khả năng của chính mình, mà họ sẽ quy ra nhiều lý do khác nhau cho các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như may mắn hoặc tình cờ.
Trong công sở, người nhạy cảm thường không tin rằng mình có thể hoàn thành một dự án nào đó, vì vậy họ thường không chủ động phụ trách dự án, dẫn đến việc thăng tiến ở nơi làm việc có thể bị trì trệ.
Ngược lại với nhạy cảm chính là kém nhạy bén. Cụm "sức mạnh của sự kém nhạy bén" được nhà văn nổi tiếng Nhật Bản Junichi Watanabe đặt ra. Nó đối lập với nhạy cảm, nhưng cũng không có nghĩa là đần độn. Nó nhấn mạnh một loại khả năng chịu đựng khó khăn, một thái độ, sự khôn ngoan trong cuộc sống và sự bình tĩnh khi đối mặt với những thất bại và đau đớn trong cuộc sống, vững bước tiến về phía trước theo hướng của riêng mình. Đó là "phương tiện và trí tuệ để giành lấy một cuộc sống tốt đẹp".
So với những người nhạy cảm, những người kém nhạy cảm có nhiều khả năng tồn tại hơn trong môi trường công sở cạnh tranh khốc liệt và phức tạp, đồng thời đạt được sự cân bằng nội tâm và chung sống hài hòa với người khác.
Thế thì làm cách nào để chúng ta có thể nâng cao loại "năng lực kém nhạy cảm" này cho bản thân?
1. Bạn không cần phải tự mình chịu mọi trách nhiệm
Chất lượng của một dự án không được xác định bởi một người. Nếu bạn phạm phải một số lỗi, nhưng lúc đó những người khác cũng không phát hiện ra, vậy tức là họ cũng có một phần trách nhiệm cho lỗi sai đó.
Chúng ta cần phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo, nhưng không có nghĩa là chúng ta tuyệt đối không thể mắc sai lầm. Các thành viên trong dự án cũng nên giám sát và tích cực trao đổi với nhau để đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
2. Chọn lọc chính xác những lời đánh giá của đồng nghiệp và cấp trên, tùy việc mà xét
Chúng ta không cần phải phân tích quá mức lời nói của người khác, cường điệu lời phê bình của họ để phủ định bản thân. Chúng ta cần cởi mở với những lời phê bình, đối mặt với bản thân và tận dụng cơ hội này để nhận xét lại bản thân.
3. Giữ chánh niệm
Thuật ngữ "chánh niệm" bắt nguồn từ Phật Giáo và sau đó được phát triển thành một liệu pháp trị liệu tâm lý có hệ thống. Chánh niệm là biết rõ những gì phát sinh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra, nhưng không đưa ra bất kỳ phán đoán, phân tích hay phản ứng nào đối với nó, mà chỉ đơn giản là quan sát và chú ý đến nó.
Khi đối mặt với những lời chỉ trích của người khác, chúng ta hãy cố gắng không phản ứng theo cảm xúc, nhưng hãy cẩn thận lắng nghe. Nếu người kia là một người cục cằn, có thái độ không tốt với chúng ta, nhưng không thực sự gây hại gì cho chúng ta, thì chúng ta cũng nên cố gắng giữ chánh niệm và không phán xét, phản ứng với nó. Có như vậy, cảm xúc của chúng ta mới không dễ bị người khác ảnh hưởng và có những biến động xấu.
Đôi khi, nếu để đối phương cảm nhận được phản ứng kích động của chúng ta, rất có thể họ sẽ cảm thấy hưng phấn hơn và càng thêm chỉ trích. Nếu chúng ta không phản ứng cảm xúc lại, mà chỉ yên lặng lắng nghe, khi họ không nhận được thứ họ muốn thì tự động họ cũng sẽ bớt dần hành vi công kích, điều này trong tâm lý học gọi là "sự dập tắt" (extinction).
Trần Anh - Theo Trí thức trẻ
Tin nổi bật Công sở