Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Stress cấp thường xảy ra khi cá nhân phải đối mặt với những tình huống tác động mạnh đến tinh thần. Đó là những tình huống gây sang chấn tâm lý rất mạnh và có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề.
Ở những cơ thể vốn đã kiệt sức và có các bệnh lý mạn tính sẽ làm cho sức khỏe càng tồi tệ hơn. Mức độ của stress cấp còn phụ thuộc vào khả năng đối phó của từng cá nhân.
Vì sao bị stress cấp?
Có rất nhiều nguyên nhân, tình huống có thể gây stress cấp như: Sau một cú sốc nặng về tinh thần: đột ngột mất việc, bị người tình phản bội, người thân đột ngột qua đời… Nhiều người đang khỏe mạnh bỗng trở thành một cơ thể tàn tạ, mệt mỏi, rã rời, không còn ước mơ hy vọng vào cuộc sống. Trong số đó có những trường hợp bỗng nhiên rơi vào trạng thái không tiếp xúc, không nói được. Trí nhớ và chú ý giảm, vẻ mặt buồn rầu, lo âu, hốt hoảng, ý thức bị thu hẹp, đôi khi có cơn kích động, ăn kém, rối loạn giấc ngủ… Bệnh nhân được đưa đi khám và được chẩn đoán bị phản ứng với stress cấp.
Cảm xúc của người bệnh bị giảm sút, khó hoặc không thể vui vẻ trong các hoạt động vốn có trước đây mà người bệnh ưa thích và có cảm giác về tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày; khó tập trung chú ý; cảm giác tan rã các cơ quan trong cơ thể; cảm giác thế giới không thật hoặc giống như một giấc mơ hoặc rất khó khăn gợi lại các chi tiết của sự kiện chấn thương tâm lý như quên phân ly. Mặc dù chấn thương có thể giống nhau về mức độ, nhưng sự đáp ứng có thể khác nhau.
Ai dễ bị stress cấp?
Bất cứ đối tượng nào cũng có thể bị các cơn stress cấp tính nhưng thường gặp ở lứa tuổi trẻ (18 - 25 tuổi) và phụ nữ tuổi quanh mãn kinh và những người có cường độ công việc cao, doanh nhân, trí thức… Một em bé cũng có thể mắc stress nếu sống trong một môi trường với áp lực học hành lớn hoặc do bố mẹ mâu thuẫn… Tuy nhiên, thường gặp nhiều ở những người có quá nhiều áp lực nhưng sức chịu đựng kém, hơn nữa lại không biết tự giải phóng mình khỏi những căng thẳng, lo âu.
Ngay từ khi phát hiện bị các cơn stress cấp tính, người bệnh cần phối hợp với bác sĩ tâm lý, thần kinh để tìm ra nguyên nhân nhằm ngăn chặn cơn stress cấp tính, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc do stress mang lại.
Các biểu hiện của bệnh: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện trong nhiều phút khi có kích thích hay sự kiện gây stress và biến mất trong vòng 2-3 ngày.
Các thể bệnh hay gặp là: Thể bất động: Ngay sau chấn thương tâm lý, người bệnh bất động đột ngột ngay tại chỗ, không nói, không cử động. Mất khả năng phản ứng cảm xúc, mất khả năng đáp ứng với ngoại cảnh, mắt mở to nhìn vào một hướng, ý thức thu hẹp, rối loạn sự chú ý. Cơn kéo dài từ vài phút đến nửa giờ, xen kẽ với các vận động ngắn như: bỏ chạy, tay chân quờ quạng, lục lọi... sau đó lại lâm vào tình trạng bất động.
Tình trạng trên kéo dài từ vài giờ đến 2-3 ngày, sau đó là giai đoạn hồi phục để lại tình trạng suy nhược; Thể kích động (tăng động): Ngay sau chấn thương tâm lý, xuất hiện tình trạng hưng phấn vận động như vẫy tay, kêu la hoặc kích động mạnh, bỏ chạy, lao về phía nguy hiểm. Ý thức người bị bệnh bị thu hẹp, rối loạn định hướng và chú ý. Cơn kéo dài từ vài phút đến vài chục phút; Các rối loạn thần kinh thực vật và cơ vòng kèm theo: vã mồ hôi, mạch nhanh, mặt đỏ bừng hoặc tái, mất tự chủ đại tiểu tiện.
Không nên tự ý dùng thuốc
Để điều trị căn bệnh này, cần áp dụng bằng các liệu pháp tâm lý. Người bệnh rất cần được quan tâm đặc biệt, cần động viên tinh thần và giúp bệnh nhân thoát khỏi trạng thái cô đơn. Cần đưa bệnh nhân thoát khỏi môi trường, hoàn cảnh đã gây ra stress cấp. Động viên bệnh nhân tập luyện vừa sức giúp thư giãn, đem lại những hưng phấn về tinh thần. Có thể đưa người bệnh đến những nơi có môi trường trong lành, bình yên kết hợp với chế độ dinh dưỡng đảm bảo dưỡng chất, loại bỏ rượu bia, thuốc lá.
Cùng với liệu pháp tâm lý, có thể cần phải sử dụng thuốc an thần như benzodiazepin cho một giai đoạn ngắn. Các thuốc chống trầm cảm có thể giúp điều trị kết quả hơn. Các thuốc tăng cường tuần hoàn não, vitamin và khoáng chất cũng nên được sử dụng. Tuy nhiên, không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và điều trị triệt để.
BS. Ngô Đức Huy
Theo SKĐS
Tin nổi bật Sức khỏe