congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Làm gì với 3 triệu đồng/tháng?

Đã xem: 1,594
Cập nhât: 12 năm trước
"Có 3 triệu mỗi tháng thì em sẽ làm gì?" là một câu hỏi mở của thành viên mạng lưới đa cấp đánh vào tâm lý chung của các tân sinh viên, những bạn trẻ đang cần tìm việc để có tiền ăn học. Những thành viên này thường núp bóng dưới danh nghĩa câu lạc bộ để lôi kéo sinh viên vào mạng lưới của

"Có 3 triệu mỗi tháng thì em sẽ làm gì?" là một câu hỏi mở của thành viên mạng lưới đa cấp đánh vào tâm lý chung của các tân sinh viên, những bạn trẻ đang cần tìm việc để có tiền ăn học. Những thành viên này thường núp bóng dưới danh nghĩa câu lạc bộ để lôi kéo sinh viên vào mạng lưới của mình.

Kinh doanh đa cấp là một xu hướng mới...

Kinh doanh theo mạng

Theo Wikipedia thì kinh doanh đa cấp (tiếng Anh: Multi-level Marketing Tiếp thị đa cấp) hoặc Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Nhờ vậy, hình thức này tiết kiệm rất nhiều chi phí từ tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa, khuyến mại, quảng cáo và các chương trình tiếp thị khác. Số tiền này thay vào đó, được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm (do đó chất lượng sản phẩm của các công ty tiếp thị đa cấp thường cao và liên tục được nâng cấp). Đây là phương thức tiếp thị tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng: khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Kinh doanh đa cấp đã và đang gây ra nhiều tranh cãi trong xã hội, và thường được quy kết với hình tháp ảo.

Nhà phân phối có vai trò như những đại lý. Họ dùng những kết quả sử dụng của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng. Qua việc làm đó họ đem về lượng khách hàng cho công ty và bản thân họ. Ngoài ra họ còn có thể tìm kiếm những đối tác khác để có thể trở thành nhà phân phối cùng làm việc với mình, việc này được quản lý bằng mã số. Khi đó, mã số của một nhà phân phối mới được kết nối với mã số của người bảo trợ (tiếng Anh: Sponsor) của anh ta.

Trong "Nghị định về quản lí hoạt động bán hàng đa cấp" do Chính phủ Việt nam ban hành, tại Điều 2 đã định nghĩa: "Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau, trong đó người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng và/hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận".

... nhưng nó đang biến tướng ở Việt Nam

Bản chất KDĐC vốn không xấu, nhưng khi vào Việt Nam nó bị người ta bóp méo để trục lợi nên đã bị biến tướng và không còn vận hành đúng theo nguyên tắc bán hàng của phương thức kinh doanh này.

Bán hàng đa cấp
Trăm kiểu chào mời

Sau khi điền thông tin cá nhân vào phiếu thăm dò, nhiều SV Học viện Ngân hàng nhận được điện thoại: “Xin chúc mừng, bạn đã được tham gia vào CLB của SV thành đạt…”

Theo chỉ dẫn của người có nick name Hải Yến, nhiều bạn SV Học viện Ngân hàng đã tìm đến địa chỉ do Yến giới thiệu. Nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Láng (Hà Nội). Không gian nơi đây khá chật hẹp so với những gì được giới thiệu: “CLB lớn nhất Việt Nam…!”

Bước vào bên trong, họ được những thành viên trong CLB tiếp đón nhiệt tình bằng những câu hỏi đầy tính “khêu gợi” như: Em có cần tiền không? Với 3 triệu/tháng em sẽ làm gì? Liệu em có muốn trở thành 1 SV năng động theo đúng nghĩa?

Sau màn chào hỏi sẽ là lời hướng dẫn tận tình của nhân viên. Theo lời giải thích của họ thì có 2 công việc chính với mức thu nhập khác nhau, một người có thể cùng lúc đảm nhận 2 công việc: Bán hàng và giới thiệu khách hàng đăng kí làm thành viên.

Dù biết đây là công việc bán hàng đa cấp (BHĐC), nhưng với mức phí tham gia khá thấp, khoảng trên dưới 100.000 đồng, cộng với lời “dụ dỗ” siêu ngọt của nhân viên về mức lương hấp dẫn, không ít SV đã háo hức đăng kí để được đi làm ngay.

Không chỉ tìm đến các trường học, cộng tác viên BHĐC còn “chăm chỉ” dán tờ rơi tuyển nhân viên ở nhiều nơi. Đặc điểm tờ rơi thường mô tả công việc cụ thể là kinh doanh và quản lý nhân sự; mức lương cao và làm việc trong thời gian ngắn (2 đến 3h/ngày; thu nhập khoảng 3 triệu/tháng); không có địa chỉ làm việc cụ thể; Cuối tờ rơi thường đi kèm dòng chú thích “Ưu tiên U93, 94”.

Không dừng lại ở đó, công ty BHĐC này còn thường xuyên tổ chức buổi soi da miễn phí thu hút lượng người tham gia để quáng cáo về công việc. “Buổi soi da tổ chức ngay tại trường nên mình cũng tham dự. Nhưng đến nơi lại được tư vấn miễn phí về việc làm. Nhiều bạn hào hứng vì lợi nhuận và sự thành công của các anh chị nhân viên BHĐC mà đã đăng kí tham gia luôn” - Ngọc Anh – Trường CĐ SP Hà Tây chia sẻ.

Mời không được thì ép
Mời không thành thì… ép!

Nếu chỉ phải bỏ ra trên dưới 100.000 đồng mà có thể thu về một khoản hậu hĩnh thì có lẽ nhiều người cũng muốn “lao vào”. Tuy nhiên, ở một công ty BHĐC khác lại đòi hỏi ở nhân viên với số tiền đầu tư… gấp hơn 40 lần!

Cần số tiền đầu tư lớn (hơn 4 triệu đồng), công ty BHĐC này buộc phải dạy thêm nhiều kỹ năng mềm cho nhân viên để họ khéo léo hơn trong việc lôi kéo khách hàng. Chính vì thế, CTV của công ty này có trình độ giao tiếp, lôi kéo khách hàng vô cùng đẳng cấp.

Đứng ở bất kì đâu, họ cũng tỏ ra là người tự tin với khả năng giao tiếp tuyệt vời. Khi có người để ý, họ không ngại tới làm quen, hỏi chuyện và… dẫn dắt. Số tiền đầu tư không bao giờ được đề cập đến trong quá trình “lôi kéo”. Họ sẽ nói những đặc điểm có thể hút hồn “gà”: Được học miễn phí những kĩ năng mềm, được thể hiện bản thân, được kiếm tiền với mức thu nhập cao… Và nếu như chưa đủ để thuyết phục đối tượng, họ sẽ “chốt” lại: Cứ đến xem thử, không làm thì thôi, cũng không ai ép và không mất gì cả!

Tuy nhiên, trên thực tế, công ty này đến thì dễ mà đi thì khó. Tại một địa điểm BHĐC trên ngõ Định Công, Hoàng Mai, đối tượng sau khi được dẫn đến đây sẽ được tham gia vào phòng giới thiệu sản phẩm mà người ở đây gọi là “Dự hội thảo”. Sau khi trình bày giới thiệu sản phẩm, MC chương trình nhanh chóng “tranh thủ” giới thiệu luôn việc làm ở công ty. Công việc đơn thuần chỉ là đưa người đến… và lĩnh hoa hồng! Nếu chẳng may không đồng ý nhận việc, “gà” sẽ được cả một đội ngũ nhân viên vây quanh để tư vấn và dồn đến bàn đăng kí.

“Đánh” vào tâm lý của sinh viên năng động, thích trải nghiệm, thành viên BHĐC đến các trường ĐH, CĐ và “rủ” sinh viên tham gia một CLB nào đó do hội SV Hà Nội tổ chức. Nhiều “gà” đã đi theo chỉ qua vài câu chào mời.

Cẩn thận với hình tháp ảo
Nhận biết "Hình tháp ảo"

Trước tình trạng một số công ty BHĐC có hành vi vi phạm pháp luật gây bất bình trong xã hội, Chính phủ cũng đã ra hẳn một nghị định (Nghị định 110/2005/NĐ-CP) về quản lý hoạt động BHĐC. Theo đó, cấm DN BHĐC thực hiện những hành vi sau đây:

- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC.

- Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC.

- Yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC, trừ tiền mua tài liệu theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Nghị định.

- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC.

- Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa.

Tuy nhiên, việc phân biệt công ty minh bạch hay bất chính rất khó với đa số người dân, nhất là những người chưa hiểu rõ về kinh doanh đa cấp. Người ta thường hiểu kinh doanh đa cấp theo nhiều cách khác nhau và sai lệch, số ít người hiểu Kinh doanh theo mạng và Bán hàng đa cấp là hai hình thức khác nhau nhưng thực chất chúng chỉ là một.

Ngoài hình thức bán hàng đa cấp thì tại Việt Nam cũng đã xuất hiện hình thức khác tinh vi hơn mang tên "chợ thương mại điện tử". Bài học từ vụ BM24 tới nay vẫn là hồi chuông trấn tĩnh những ai có khát vọng làm giàu nhanh mà không chịu bỏ ra công sức.


Chuyên mục: Giáo dục Nghề nghiệp

Tin nổi bật Giáo dục Nghề nghiệp