congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Cảnh giác với trò 'Treo đầu dê bán thịt chó' khi đi tìm việc

Đã xem: 1,357
Cập nhât: 11 năm trước
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty còn phải giảm biên chế thì tìm được việc làm ổn định, thu nhập kha khá là niềm ao ước của rất nhiều người, nhất là đối với các bạn sinh viên vừa mới ra trường. Lợi dụng tâm lý muốn có việc làm ngay mà không cần kinh nghiệm nhiều của các ứng viên, bọn lừa đảo đã bày ra những thủ đoạn hết sức tinh vi

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, nhiều công ty còn phải giảm biên chế thì tìm được việc làm ổn định, thu nhập kha khá là niềm ao ước của rất nhiều người, nhất là đối với các bạn sinh viên vừa mới ra trường. Lợi dụng tâm lý muốn có việc làm ngay mà không cần kinh nghiệm nhiều của các ứng viên, bọn lừa đảo đã bày ra những thủ đoạn hết sức tinh vi hòng chiếm đoạt tài sản của người xin việc.

Trong bài viết này, CongSo.com sẽ tổng hợp những chiêu trò mà bọn lừa đảo thường sử dụng để giăng bẫy những người nhẹ dạ cả tin hoặc những ai nôn nóng tìm việc mà mất cảnh giác.

Công ty đào tạo giả mạo nhà tuyển dụng

Thủ đoạn mà các công ty này sử dụng hết sức đơn giản: đăng tin tuyển dụng việc làm rồi bắt ứng viên đóng tiền học nghiệp vụ và hứa sẽ giới thiệu việc làm.

Bị lừa đảoLà một nạn nhân của trường hợp này, Trang (cựu sinh viên trường Cao Đẳng Kinh Tế Đối ngoại) cho biết: "Lúc đầu tưởng công ty tuyển nhân viên, tôi gọi điện hỏi thì người ta bảo cứ mang hồ sơ đến công ty. Vì tôi học kế toán mà làm trái ngành mấy năm rồi nên công ty yêu cầu học một khóa thực hành kế toán với mức học phí 2.490.000 đồng/khóa. Họ còn nói học xong ra là đảm bảo có việc làm.

Mới nghe qua thì nghĩ "vừa tìm được việc đúng chuyên ngành mà còn được củng cố lại kiến thức" nên tôi đăng ký ngay. Ai dè đâu, học xong cũng được giới thiệu đi nộp HS nhưng chưa bao giờ được gọi phỏng vấn. Sau đó, tôi có gọi điện tới công ty hỏi thì cứ bị chửi với hứa. Thế là đành bỏ luôn!"

Không chỉ Trang mà còn có nhiều người khác cũng mắc bẫy như vậy. Cô cho biết thêm: "Mà vào đó học mới biết đâu phải chỉ có mình mà rất nhiều người bị. Mà tội nhất là các bạn sinh viên mới ra trường ngồi nghe cô nói ai cũng ham hết đó mà có ai học xong được cô xin việc đâu!"

Còn tệ hơn, các nạn nhân dù đã bỏ một số tiền lớn để học nhưng chất lượng đào tạo thì trời ơi. Trang kể rằng: "Có ai được học gì đâu toàn là tự học viên chỉ nhau thôi."

"Giờ thì mình đâu dám đâm đầu vào nữa đâu cứ phải xách xe chạy vòng vòng coi công ty nào dán giấy thì vào thôi", Trang tâm sự.

Trung tâm dạy kỹ năng đội lốt công ty

Thời buổi khó khăn, nạn thất nghiệp tràn lan.Nhiều bạn muốn có việc làm nhanh chóng nên đã không ngại đăng tin tuyển dụng lên các website. Lợi dụng cơ hội đó các công ty lừa đảo đã lấy thông tin của các ứng viên để phục vụ cho mục đích thu lợi của họ. Trường hợp dưới đây là của một bạn trẻ và những người bạn khác đã gặp phải:

Tình cờ 1 ngày bạn đang ngồi thẩn thờ thì nhận được 1 cú điện thoại: "Chào em, anh thấy thông tin tuyển dụng của em trên mạng, không biết em đã có việc làm chưa? Nếu chưa thì anh xin được trao đổi với em một số vấn đề về công việc ở công ty anh, em có quan tâm không?"

Nếu bạn gật đầu quan tâm thì coi như họ đã có 30% chiến thắng.

"Anh sẽ phỏng vấn em qua điện thoại luôn để khỏi mất thời gian đi lại và tiết kiệm xăng cho em"

Câu hỏi như sau: "Em có biết vi tính văn phòng không? Có biết sử dụng mạng xã hội không?, có biết các trang website rao vặt không?, Có tự tin thuyết trình trước 10 người không?, Có biết sử dụng Powerponit không?"

Nếu bạn trả lời biết hết những thứ đó thì họ sẽ nói: "Chúc mừng em, em đã vượt qua vòng phỏng vấn và lên công ty gặp anh để bàn về công việc anh sẽ giao cho em làm vị trí quản lý kinh doanh và họ không quên cho mình số điện thoại của họ, địa chỉ".

Lừa đảo tuyển dụng

Nếu bạn đồng ý tới gặp họ thì kế hoạch của họ sẽ thành công một bước nữa. Khi đến công ty họ sẽ mời bạn vào một cái phòng làm việc rất lịch sự và bắt đầu trao đổi.

"Công việc của em sẽ là quản lý đội ngũ sale bán hàng online của công ty, vì thế công ty sẽ có 1 khóa huấn luyện cho em trong vòng 6 ngày. Sau 6 ngày đó thì em sẽ chính thức nhận việc và mức lương của em sẽ là 6-8tr cộng thêm hoa hồng thưởng, và các quyền lợi khác".

Nghe đến đây thì chắc bạn nào cũng ham và thích thú lắm, hi vọng nhiều.

Họ nói tiếp: "Vì công ty phải thuê giáo viên, chỗ học, nước uống tài liêu học nên công ty sẽ thu các bạn một khoảng phí nhỏ là 70.000/ ngày nó không đáng là bao sô với số lương bạn nhận được". Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và mức lương hấp dẫn một số bạn đã dính bẫy và đóng trọn tiền cho khóa học.

Sau 6 ngày huấn luyện với kiến thức ai cũng biết và nói chung là linh tinh chẳng vào đâu. Có bạn trong quá trình học thấy chán nghĩ, đòi lại học phí nhưng tiền đã đưa làm sao được trả thế làm bấm bụng chịu. Có bạn theo đến cuối cùng, học xong họ cũng cho làm quản lý 1 dự án. Họ đưa cho bạn 1 dư án không thể làm được và yêu cầu bạn tìm thêm người để làm chung.

Nếu cảm thấy làm không nổi thì bạn tự động rút lui bỏ lại số tiền kia. Nói chung là họ sẽ tìm mọi cách để bạn tự xin nghĩ chứ không có dự án gì cả. Thực chất đây là một trung tâm dạy kỹ năng đội lốt công ty.

Với chiêu thức như thế hàng ngày có hàng trăm bạn tới phỏng vấn và một nữa số đó nhẹ dạ cả tin đã đóng tiền học.

Lừa đảo bằng công việc dán bì thư

Hà Anh - một sinh viên nữ tạm trú tại quận Cầu Giấy - Hà Nội cho biết: Do học kỳ này học khá nhàn nên em đã lên mạng để tìm việc làm thêm. Tham khảo qua các thông tin tuyển dụng đăng tải trên mạng, cuối cùng em quyết định chọn dịch vụ làm "nhân viên gấp dán phong bì". Công việc này phù hợp với sinh viên ở chỗ là có thể nhận về chỗ trọ để làm thêm vào các thời gian rảnh rỗi, đặc biệt là vào buổi tối. Đặc biệt là lương trả ngay sau khi có sản phẩm. Sau khi đọc được thông tin, liên hệ đến số điện thoại 04222453.... thì có một phụ nữ giọng nhỏ nhẹ tư vấn hồi lâu và không quên nhắc là qua văn phòng của công ty ở phường Mai Dịch - Cầu Giấy để tìm hiểu rõ hơn và ký hợp đồng.

Đóng tiền mới được làm
Hôm sau, khi Hà Anh mang CMND đến và được giới thiệu công việc là gấp phong bì giá 500 đồng/cái. Sau một thời gian làm việc sẽ được gấp loại phong bì chất lượng tốt hơn với giá tiền công là 1.000 đồng/cái rồi kế đó là 1.500 đồng/cái. Người nhận việc có thể chọn 2 hình thức là khoán 150 cái/ngày với mức lương 2 triệu đồng/tháng hoặc làm theo sản phẩm có thể đăng ký bao nhiêu tùy ý với giá 500 đồng/cái.

Để được nhận vào làm, người tìm việc được yêu cầu phải đặt cọc 300 ngàn đồng, sau 3 tháng sẽ được trả lại tiền đặt cọc. Nghe khá bùi tai, em quyết định ký hợp đồng và nộp 300 ngàn đồng. Trong hợp đồng ghi rõ khoản phí đặt cọc sẽ được hoàn trả cho mình sau 3 tháng làm việc, nếu vì lý do gì đó không làm nữa thì sẽ mất 50% đặt cọc.

Sau khi xong xuôi, nhân viên quản lý dặn chiều quay lại ký hợp đồng. Đúng hẹn 14h30 em quay lại thì được nhân viên ở đây giới thiệu đến số nhà 90 phố Hoàng Sâm (Cầu Giấy) để nhận phong bì và dụng cụ. Tại địa chỉ trên, em tiếp tục được một nhân viên cho biết: Yêu cầu là mỗi ngày phải làm được ít nhất 100 chiếc phong bì đồng thời nộp 150 ngàn đồng phí đào tạo, thử việc 3 ngày.

Khi thắc mắc vì sao đã nộp 300 ngàn đồng rồi mà vẫn phải nộp thêm 150 ngàn đồng nữa thì được trả lời: "Do em chưa có kinh nghiệm nên chị hướng dẫn lại. Đây là phí đào tạo". Đặc biệt, nhân viên này còn cho biết nếu bây giờ không làm nữa thì tức là tự ý hủy hợp đồng và mất 300 ngàn đồng. Khi đem chuyện này kể lại với nhiều bạn học thì Hà Anh mới biết: Có rất nhiều trường hợp đã bị mất tiền oan bởi kiểu lừa "tuyển nhân viên gấp dán phong bì" như trên.

Đi phỏng vấn gặp phải dê cụ

Sáng hôm sau, trên đường đến điểm hẹn, Vân được "nhà tuyển dụng" (tự giới thiệu tên Phương) gọi điện, hẹn gặp ở một địa điểm khác, mời vào nhà "phỏng vấn". Phương hỏi Vân về công việc của một thư ký văn phòng, rồi giảng giải: "Một thư ký văn phòng hiện đại là phải làm tất cả các công việc mà sếp yêu cầu, có khi còn phải ủi đồ cho sếp". Anh ta hứa hẹn sẽ trả lương 2 triệu đ/tháng, dù mức lương đề nghị của Vân chỉ 1,2-1,5 triệu đ/tháng.

Sau đó, anh ta lại kêu Vân ủi đồ để anh ta đi công chuyện gấp. Rồi anh ta đi... tắm và gọi cô mang quần áo (vừa ủi) vào cho anh ta và lộ nguyên hình... dê cụ. Khi anh ta dở trò, Vân dọa tri hô, "dê cụ" bèn lịch sự xin lỗi: "Tại anh sống một mình quá cô đơn. Để anh mở cửa cho. Hy vọng chúng ta vẫn hợp tác" (?).

Phỏng vấn gặp phải dê cụ
Việc làm chưa thấy đã thấy mất xe

Ngày 10/8/2005, chị Nguyễn Thị Kim Loan (ngụ 136/4 Vạn Kiếp, P.3, Bình Thạnh) đến một văn phòng dịch vụ việc làm (DVVL) trên đường Phan Văn Trị, P.14, Bình Thạnh thì được văn phòng này giới thiệu đến công ty Ánh Dương (78 Nguyễn Văn Thủ, Q.1) gặp ông Hoàng để được phỏng vấn nhận vào bán hàng, lương 900.000đ/tháng.

Sáng 11/8, chị Loan đến địa chỉ trên thì được Hoàng đón ngay trước cổng, mời qua quán nước bên cạnh để "xem hồ sơ". Viện cớ xe hư, Hoàng quá giang xe chị Loan đến "chi nhánh công ty trên đường Nguyễn Thị Minh Khai".

Dọc đường Hoàng bảo chị ghé tiệm photo một số giấy tờ để bổ sung hồ sơ. Lợi dụng lúc chị Loan sơ hở, Hoàng nhảy lên xe máy của chị Loan chạy mất. Hoá ra, công ty Ánh Dương không hề có nhu cầu tuyển người và "ông Hoàng" kia cũng không phải là nhân viên của công ty.

"Điện thoại anh hết pin, cho anh mượn điện thoại một tí"

Tuấn đã ra trường và đi làm 7 năm nhưng vẫn muốn tìm một công việc có thu nhập khá hơn. Anh đăng tìm Người tìm việc trên báo.

Sáng hôm đó, tờ báo đăng tin Tìm việc làm thêm ngoài giờ của anh vừa lên mặt báo thì đã có người gọi điện thoại đến. Vừa mừng thầm vì nghĩ mình may mắn hơn những lần trước. Vì thường hay đăng tìm, và đó là số điện thoại bàn nên anh tin tưởng hơn. Sau khi đến điểm hẹn trên đường Bãi Sậy ở khu gần chợ. Gã nhân viên đón ngay tại đầu hẻm của địa chỉ nhà hắn chỉ, kế bên là quán nước nhỏ. Hắn mời anh Tuấn uống nước và bảo đang vội để chuẩn bị xuống xưởng sản xuất ở Bình Dương thôi thì ngồi đây trao đổi thêm cho tiện.

Mượn điện thoại rồi lấy luôn
"Qua tiếp xúc thì thấy hắn khá am hiểu về nghiệp vụ, nhưng hắn biết tôi có kinh nghiệm nên cũng nói nhưng tránh nói sâu vào chuyên môn. Và trong quá trình nói chuyện, tôi thấy "con ngươi- cặp mắt" của hắn hay đảo lẹ, có 1 cảm giác gì đó trong tôi nhưng quả thật lúc đó quá vui mừng vì được có thêm thu nhập nên tôi đã không đề phòng", anh Tuấn cho biết.

Tên lừa đảo mang theo một túi hồ sơ, hắn bảo rằng hóa đơn, chứng từ và đĩa lưu chứng từ hắn đưa cho anh về nghiên cứu, kiểm tra rồi làm nên đã lấy được lòng tin của anh. Thế rồi hắn vẽ vời thêm 1 tí về bà GĐ đang có sạp kinh doanh trong chợ và bà ta đang ở đó, tôi sang đó gặp bà ta thêm 1 tí nữa. Đến ngõ chợ, hắn nói điện thoại hắn hết pin, thế nên hắn mượn điện thoại để lắp sim vào. Chưa kịp định thần thì hắn bảo đợi tí và hắn đi một lèo vào chợ và mất hút.

"Phần tôi, đợi hắn 15 phút sau không thấy hắn quay lại tôi đã nghi ngờ nhưng vì lỡ rồi cũng không biết tính sao nên cố đợi thêm tí nữa. Khi nhìn kỹ lại bộ hồ sơ thì tôi thấy bên trong có vấn đề và tôi mở ra: 01 tờ báo lấy thông tin để lừa tôi, 01 đĩa CD rỗng và 01 tờ hóa đơn không rõ xuất xứ", anh bàng hoàng kể lại.

Để xác nhận lại điều mình nghĩ, anh Tuấn liền quay lại quán nước, hỏi thăm thì mới biết hắn ta chỉ là khách qua đường và mới xuất hiện sáng nay.

Nhận diện bọn lừa đảo

Cần lưu ý: không có nhà tuyển dụng đàng hoàng nào lại hẹn phỏng vấn ở bên ngoài cơ quan (quán nước, ngoài cổng công ty, nhà riêng...). Khi được hẹn đến phỏng vấn ở một cơ quan, cần lưu ý xem cơ quan đó có bảng hiệu, bàn ghế, thiết bị, nhân viên gì không (vì đã có trường hợp thuê mặt bằng tạm bợ để làm "trụ sở" lừa).

Một điểm nữa là phải "thận trọng với những lời hứa": những kẻ lừa đảo thường vẽ ra những vị trí tốt, thu nhập vượt quá khả năng của người dự tuyển, đưa ra thật nhiều hứa hẹn tốt lành trong buổi đầu gặp gỡ. Đó là điều bất thường mà người tìm việc cần bình tĩnh xem xét. Đồng thời đang xuất hiện những "nhà tuyển dụng" mượn các trung tâm DVVL để làm điểm giao dịch trực tiếp với người tìm việc, cho địa chỉ nào đó để "phỏng vấn".

Bà Đinh Kim Hoàng - Phó GĐ Sở LĐ - TBXH TPHCM khẳng định: "Các TT DVVL phải có trách nhiệm kiểm chứng thông tin tuyển dụng và phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho người lao động nếu giới thiệu người lao động đến những nhà tuyển dụng lừa".

Lừa đảo tuyển dụng
Kinh nghiệm đề phòng

Sau khi nhận điện thoại tuyển dụng bằng điện thoại bàn: bạn hãy thử lại bằng cách gọi lại vào số đó để xác minh: Số điện thoại này là ở đâu, có phải công ty X không?. Điều này rất quan trọng, giúp cho bạn ngừa được rủi ro 90% vì xác nhận được, nếu không phải là Công ty thì bạn hãy từ chối tuyệt đối. Còn nếu bạn cao tay hơn thì hãy nhận lời hẹn gặp và lên kế hoạch tóm kẻ lừa đảo bằng cách: rủ 2 người đi cùng, giám sát và hành động.

Nếu là di động và bạn không xác minh được công ty thì đến điểm hẹn nếu là hắn mời vào quán nước thì hãy quan sát hắn ngay lập tức. Thường những kẻ lừa đảo này rất dễ nhận diện: ăn mặc đơn giản và có vẻ nghèo nàn, điểm này bạn để ý lắm thì mới biết (Vì thường những kẻ lừa đảo này là nghiện hoặc bài bạc, tệ nạn khác...), dĩ nhiên không chắc chắn 100%.

Tuyệt đối không đi theo hắn. Cần trao đổi gì thì quyết định ngay và từ chối cho mượn tài sản để bảo vệ chính mình.

Khi đi tìm việc thì bạn cần phải nhớ: Nhà tuyển dụng chân chính luôn trả chi phí để có ứng viên phù hợp và chi phí đào tạo cần thiết cho doanh nghiệp. Bạn không phải trả bất kỳ khoản phí nào hay phải mất tiền tổng đài, tin nhắn… để tìm được việc làm.

https://www.vieclamvui.edu.vn/







Chuyên mục: Nghề nghiệp

Tin nổi bật Nghề nghiệp