congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Bức tranh toàn cảnh về bán hàng đa cấp ở Việt Nam

Đã xem: 2,111
Cập nhât: 12 năm trước
Kinh doanh đa cấp là gì?Kinh doanh đa cấp (Multi-level Marketing - Tiếp thị đa cấp) hoặc Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một

Kinh doanh đa cấp là gì?

Kinh doanh đa cấp (Multi-level Marketing - Tiếp thị đa cấp) hoặc Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) hay Bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm.

Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty (hoặc qua một nhà phân phối duy nhất) mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.

Nhà phân phối có vai trò như những đại lý. Họ dùng mối quan hệ của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng. Ngoài ra các nhà phân phối còn có thể tìm kiếm những đối tác khác, trở thành nhà phân phối cùng làm việc với mình.

Trong Nghị định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp do Chính phủ ban hành, tại Điều 2 định nghĩa: Bán hàng đa cấp là một phương thức tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nhiều cấp khác nhau.

Trong đó, người tham gia sẽ được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của người khác trong mạng lưới do người đó tổ chức ra và được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.

Mô hình đa cấp
Ra đời và phát triển tại Việt Nam ra sao?

Đầu thế kỉ 21, kinh doanh đa cấp bắt đầu bước chân vào thị Việt Nam và đạt tổng doanh thu không ngờ trong hai, ba năm đầu.

Năm 2003, Oriflame, công ty kinh doanh mỹ phẩm đa cấp quốc tế vào Việt Nam. Sau đó, Nghị định 110 được ban hành (2005) để hợp thức hóa loại hình kinh doanh này thì những cái tên quốc tế khác đã nối tiếp nhau nhảy vào như Amway, Avon và 3 năm gần đây là Herbalife, Sophie Paris, À La Mode Paris.

Đến thời điểm cuối năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 20 Công ty bán hàng đa cấp phân phối sản phẩm chủ yếu về ngành chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.

Ngày 01-07-2005, luật Cạnh tranh có hiệu lực thi hành trong đó có những điều khoản quy định về bán hàng đa cấp

Ngày 24-08-2005, Nghị định 110/2005/NĐ-CP của chính phủ về Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được ban hành phần nào đã tạo ra một hành lang pháp lý để bảo vệ các công ty và nhà phân phối chân chính. Tuy nhiên, nghị định vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho một số công ty lợi dụng.

Ngày 08-11-2005, Bộ thương mại ban hành thông tư hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý bán hàng đa cấp.

Năm 2006, 2007 được xem là giai đoạn phục hồi của kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, khi mà hàng loạt các công ty tăng dần doanh số sau giai đoạn bị báo chí và dư luận đánh tơi tả.

Năm 2008, trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, đại gia làng công nghệ là FPT cũng đã nhảy vào BHĐC với sự ra đời của FPT Network (FN), thành viên của FPT Telecom với kỳ vọng hình thức kinh doanh này sẽ giúp FPT Telecom tiết giảm những chi phí quản lý, chi phí quảng cáo, giảm thiểu những rủi ro và tạo ra sự đột phá trong việc kinh doanh.

Đầu tháng 10, năm 2009, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam được thành lập. Hiệp hội được thành lập và bổ nhiệm bà Trương Thị Nhi (Tổng giám đốc công ty TNHH TM Lô Hội, nhà đại diện tại Việt Nam của tập đoàn Forever Living Products Hoa Kỳ) là chủ tịch nhiệm kỳ 2009-2014.

Ngày 31 tháng 03 năm 2010, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (Vietnam MLMA) chính thức ra mắt tại Hà Nội. Đến dự có nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Năm 2010, Bán hàng đa cấp đạt lợi nhuận 2.799 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với 614 tỷ đồng của 4 năm trước đó.

Năm 2011, với nhiều lý do, kinh doanh đa cấp bùng nổ mạnh mẽ và tạo thành một làn sóng tại Việt Nam, trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm chính thức, bên cạnh các phương thức phân phối khác như: bán hàng qua đại lý, bán hàng theo catalog, bán hàng qua truyền hình...

Mô hình đa cấp
Tại sao bán hàng đa cấp bị cho là lừa đảo?

Bán hàng đa cấp xuất hiện lần đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh năm 1998, do một nhóm người từ Đài Loan sang liên doanh với Công ty Incomex. Sản phẩm mà họ rao bán đơn giản chỉ là chiếc nệm mút bình thường, nhưng qua các buổi tập huấn bán hàng, chiếc nệm này được biết đến như một sản phẩm thần kỳ, có tác dụng chữa “bách bệnh”. Vì thế, giá trị của món hàng được đẩy lên đến vài chục triệu đồng/tấm.

Tháng 12-2000, Công ty Sinh Lợi xuất hiện, rao tuyển nhân viên rầm rộ, với những lời hứa hẹn hoa mỹ: “Làm chức càng cao sẽ được cấp nhà, xe và sẽ có trong tay 5 tỉ đồng chỉ sau 1 năm làm hội viên”. Sinh Lợi ra quân với dòng sản phẩm “đa dạng” hơn như hàng  điện tử do các tổ hợp nhỏ ở TP.HCM sản xuất, được “lên đời” bởi nhãn mác ngoại mang cái tên chẳng ai biết tới: Peehuang, rồi rao bán với giá ngất trời. Chẳng hạn, mặt hàng đầu đĩa Peehuang giá 2 triệu đồng, bán ra 4,5 triệu đồng (tổng cộng, Sinh Lợi đã bán được 957 cái, thu về hơn 4 tỉ đồng); một chiếc áo ngực giá 3 USD, qua tay Sinh Lợi lên đến 1,5 triệu đồng/cái; đèn pin Trung Quốc mua giá 0,5 USD, bán 60.000 đồng; máy may mini Trung Quốc mua 2 USD, bán 420.000 đồng; máy tạo khí ozon Đài Loan mua 80 USD, bán 3 triệu đồng...

Thấy Sinh Lợi ngon ăn, nhiều công ty khác cũng nhảy vào kinh doanh đa cấp như: Lô Hội, NONI, Vision, Tân Hy Vọng, Tân Thành Phát, Thường Xuân, Lợi Ích, Phan Hưng Long, Toplife, Khang Hồng Thịnh, Vivalife, Harvet, AMWAY, Khải Việt,  Trùng Thảo Vương, Thế giới Hoàn Mỹ, Sáng Thế Kỷ Mới, Questnet (bán hàng đa cấp trên mạng)… Mỗi nơi bán một loại hàng hóa, nhưng cùng một chiêu thức là bỏ ra một số tiền nhất định để mua sản phẩm, rồi sau đó chỉ cần ngồi mát hưởng hoa hồng từ việc dẫn dắt người khác vào mạng lưới.

Quảng cáo sai sự thật
Vì sao không quản nổi bán hàng đa cấp?

Thứ nhất, tất cả phân phối viên khi đã bước vào kinh doanh đa cấp đều hiểu rằng mình đang bị lừa, nhưng vì lợi nhuận nên họ nhắm mắt làm ngơ, trở thành kẻ tiếp tay, dụ thêm nhiều người khác, thậm chí cả người thân và bạn bè vào mạng lưới để được hưởng hoa hồng nhiều hơn. Cứ như thế, chuỗi lừa nhau âm thầm hoạt động và kéo dài đến vô tận.

Thứ hai, cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lúng túng trong cách quản lý hoạt động này. Kinh doanh đa cấp vào Việt Nam từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2005, Chính phủ mới ban hành Nghị định 110 thừa nhận tính hợp pháp. Đến nay, đã có 8 đơn vị được cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Trần Vinh Nhung - Phó Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM, thừa nhận: Nhiều đơn vị tổ chức bán hàng đa cấp, chưa được cấp phép, nhưng hoạt động lén lút, nên cũng không dễ phát hiện. Đối với những đơn vị có phép, cơ quan chức năng cũng vấp phải nhiều khó khăn vì khó phân biệt giữa “vô tình” hay “cố ý” vi phạm. Chẳng hạn, dạng vi phạm “ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm, mới được trở thành phân phối viên”, rồi công ty “đổ thừa” do mạng lưới phân phối viên tự ép nhau, chứ không phải do chủ trương của công ty. Chưa kể, Sở Thương mại không có thẩm quyền chế tài với các công ty đa cấp vi phạm.

Thêm nữa, “vì mạng lưới đa cấp lôi kéo hàng chục ngàn người tham gia, nên khi “đụng vào” tức là đụng đến những con người cụ thể. Vì vậy, khi đoàn kiểm tra đến là họ phản ứng ngay. Chưa kể những người trực tiếp đi kiểm tra luôn đứng trước những băn khoăn, nếu xử lý những sai phạm của công ty này rồi, số phận những con người kia sẽ ra sao?” -  ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội 4A Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.

Ngày 23-6-2006, Sinh Lợi - con bạch tuộc to nhất trong các con bạch tuộc đã bị Đoàn Thanh tra của Sở Thương mại TP.HCM tạm giữ giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp, do có nhiều hành vi gian dối trong kinh doanh và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tương tự, Trường Ngoại ngữ SITC, với chiêu bài dụ học viên kiểu đa cấp, sau 2 năm quảng cáo rầm rộ ở Việt Nam đã “bốc hơi” không để lại dấu vết.

Bẵng đi một thời gian thì sự cố Agel Việt Nam (tháng 7/2011) và muaban24 (2012) đã như làm sống lại làn sóng công kích mạnh mẽ từ báo giới về kinh doanh đa cấp biến tướng. Khách hàng khi tham gia thường lôi kéo bạn bè, người thân… để rồi khi đỗ vỡ đã gây mất niềm tin trong xã hội.

Người dân nhẹ dạ, ham tiền nên bị lừa. Nhưng, đáng trách hơn là các cơ quan chức năng còn quá chậm chạp, buông lỏng, lúng túng trong việc quản lý, gây ra tình trạng “dở khóc, dở cười” cho biết bao nhiêu người, vì họ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm tiếp tay cho các hoạt động kinh doanh lừa đảo.

Kinh doanh đa cấp
Làm sao biết đâu là công ty đa cấp chân chính?

1. Dựa vào bản chất của hình thức bán hàng trực tiếp là người tiêu dùng trực tiếp tham gia quảng bá, bán sản phẩm do đó sản phẩm phải có chất lượng tốt thì người tiêu dùng sau khi sử dụng mới tham gia vào mạng lưới đa cấp. Vì vậy vấn đề cốt lõi là chất lượng sản phẩm của công ty kinh doanh đa cấp phải tốt. Trước khi bạn dự định tham gia vào một công ty nào đó thì hãy tự hỏi chính mình câu hỏi " nếu không tham gia vào mạng lưới đa cấp mà chỉ là người tiêu dùng bình thường thì bạn có mua, sử dụng sản phẩm này vì chất lượng và giá cả của nó hay không?" Nếu câu trả lời là có thì bạn có thể gia nhập vào mạng lưới của công ty.

2. Vì tự tin vào sản phẩm nên các công ty kinh doanh đa cấp chân chính không ép buộc bạn phải mua hàng khi bạn tham gia mạng lưới, cũng không bắt buộc bạn phải ký quý, hoặc đóng bất kỳ khoản lệ phí nào trừ các chi phí cho giấy tờ, thủ tục gia nhập, tài liệu hướng dẫn kinh doanh khoảng 200.000 VNĐ.

3. Vì bán hàng trực tiếp là người tiêu dùng sau khi sử dụng lại giới thiệu người tiêu dùng nên giá cả phải hợp lý, do đó hoa hồng chia cho mạng lưới giới thiệu cũng phải hợp lý. Nếu một công ty nào đưa ra mức hoa hồng rất cao cho bạn thì nó sẽ không bình thường, vì tất cả chi phí đều được tính vào giá sản phẩm và người tiêu dùng sẽ là người mua giá sau cùng. Nếu hoa hồng chia cho bạn cao thì giá sản phẩm sẽ không hợp lý, nên bạn đừng kỳ vọng vào mức hoa hồng rất cao.

4. Khi mạng lưới phát triển nhiều cấp, nhiều thành viên thì việc tính toán hoa hồng sẽ khó kiểm soát nên bạn phải nắm chắc là công ty kinh doanh đa cấp đó không cắt xén bớt hoa hồng của bạn. Ngoài ra hoa hồng có tính kế thừa, nghĩa là bạn làm rồi bạn có thể chuyển nhượng mạng lưới cho con của bạn để con bạn được hưởng thành quả do bạn làm ra và tiếp tục phát triển. Tính kế thừa có thể kéo dài vài chục năm, qua nhiều thế hệ vì vậy bạn phải chọn công ty có uy tín cao thì mới có thể đảm bảo được sự bền vững và minh bạch trong việc chia hoa hồng. Rất khó một công ty chỉ mới thành lập vài ba năm mà lại có thể cam kết cho bạn là sẽ chia hoa hồng đến đời con cháu của bạn trong suốt vài chục năm tới, cho dù công ty nước ngoài hay Việt Nam cũng vậy.

5. Tâm lý người Việt Nam thấy công ty ngoại thì yên tâm, nhưng đôi khi có rất nhiều công ty mở ở nước ngoài chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài là công ty đa quốc gia, văn phòng ở nước ngoài, nhưng cái văn phòng đó còn nhỏ hơn cái bếp nhà bạn, nhưng bạn không biết mà tưởng rằng đó là một công ty rất lớn và uy tín ở nước ngoài. Cách nhận diện là ở bất kỳ nước nào cũng có các hiệp hội đánh giá mức độ uy tín và quy mô của các công ty, do đó bạn cần kiểm tra công ty kia có là thành viên hay được tổ chức hiệp hội uy tín nào đánh giá, bình chọn hay không. Bạn có thể hỏi điều này với đại diện công ty, nếu họ là tốt thì chắc chắn họ sẽ khoe ra ngay, nhưng nếu có vấn đề thì họ sẽ lấp lửng, không rõ ràng và tìm cách chuyển sang chủ đề khác.

https://www.vieclamvui.edu.vn/


Chuyên mục: Nghề nghiệp

Tin nổi bật Nghề nghiệp