congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Tư vấn hướng nghiệp: Nhóm ngành y tế, sức khỏe

Đã xem: 1,221
Cập nhât: 12 năm trước
A. Diễn tả chung Lĩnh vực y tế sức khỏe là lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về bệnh lý, từ đó chẩn đoán, xây dựng phác đồ phòng và điều trị bệnh lý, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Một bộ phận khác chuyên nghiên cứu, chế tạo ra các dược phẩm để chữa trị, phục hồi hay nâng cao sức đề kháng cũng như sức khỏe được gọi chung là Dược học. Y học hiện đại ứng dụng tiến bộ khoa học

A. Diễn tả chung

Lĩnh vực y tế sức khỏe là lĩnh vực khoa học chuyên nghiên cứu về bệnh lý, từ đó chẩn đoán, xây dựng phác đồ phòng và điều trị bệnh lý, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Một bộ phận khác chuyên nghiên cứu, chế tạo ra các dược phẩm để chữa trị, phục hồi hay nâng cao sức đề kháng cũng như sức khỏe được gọi chung là Dược học. Y học hiện đại ứng dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y sinh học, công nghệ y học, máy móc thiết bị hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán và chữa trị bằng thuốc, phẫu thuật hay các phương pháp trị liệu khác.

Hiện nay nhân lực ngành Y học đang thiếu trầm trọng, điều đó càng làm cho những người tham gia lĩnh vực này thêm bận rộn và vất vả vì áp lực công việc, thường phải trực đêm hay trực vào ngày nghỉ. Hơn thế, làm việc trong lĩnh vực này thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh tật, vi khuẩn. Do đây là một nghề đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người nên thời gian đào tạo kéo dài do khối lượng kiến thức lớn và yêu cầu học viên phải nắm thực sự chắc kiến thức.

Tuy vậy khi tham gia làm việc trong lĩnh vực này, bạn dễ xin việc và có cơ hội phát triển trong nghề nghiệp, mức thu nhập cao và đặc biệt nó mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Ngành y tế, sức khỏe

B. Phẩm chất và năng lực

- Lòng nhân hậu, thương người, khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông chia sẻ với bệnh nhân

- Có khả năng tự tổ chức công việc, tự học, tự nghiên cứu

-  Kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cẩn thận, tỉ mỉ

- Có đôi bàn tay khéo léo, có sức khỏe tốt, đặc biệt có thần kinh vững vàng

- Học tốt môn sinh học, hóa học

C. Ngành nghề đào tạo

1. Bác sỹ (nhi khoa, đa khoa, nha khoa, phẫu thuật/ chỉnh hình, tâm thần…):

Bác sĩ là những người có nhiệm vụ chuẩn đoán, chữa trị cho người bệnh. Tùy vào từng chuyên ngành sẽ được đào tạo khác nhau, ví dụ như:

Bác sĩ đa khoa

Bác sĩ Đa khoa được đào tạo toàn diện; có nhiệm vụ khám chữa bệnh tại các sơ sở y tế, điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân tại nhà, thực hiện công tác phòng bệnh, giáo dục sức khỏe, tổ chức và quản lý các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Phẫu thuật nội soi

Bác sĩ phẫu thuật

Sinh viên học ngành Bác sĩ Đa khoa được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B: Toán cao cấp, Xác suất - Thống kê, Vật lý đại cương, Sinh học, Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa sinh, Di truyền học… Các kiến thức cơ sở ngành: Giải phẫu học, Mô phôi, Sinh lý học, Hóa sinh, Vi sinh vật, Ký sinh trùng, Sinh lý bệnh, Miễn dịch, Dược lý học, Dịch tế học, Sức khỏe môi trường, Dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, Giáo dục sức khỏe, Kỹ năng giao tiếp, Tổ chức y tế, Chương trình y tế Quốc gia, Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sức khỏe sinh sản…

Trên nền những kiến thức cơ sở đó, sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức chuyên sâu về: Y học lâm sàng, Y học hiện đại, Y học cổ truyền, Nội da liễu, Ngoại nội tiết, Huyết học, Nhi tâm thần, Nhiễm lao - Bệnh phổi, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Tai - Mũi - Họng, Chấn thương Chỉnh hình mắt, Ung thư, Dược học cổ truyền, Dưỡng sinh, Châm cứu, Bệnh học, Chẩn đoán hình ảnh…

Khi ra trường có thể làm việc tại các bệnh viện các cấp, trạm y tế xã phường, bệnh viện hoặc phòng khám tư, các tổ chức y tế hay các tổ chức cứu nạn cứu hộ….

Bác sĩ Nha khoa

Bác sĩ Nha khoa được đào tạo chuyên sâu về răng miệng; có nhiệm vụ khám, chữa bệnh và nghiên cứu các công nghệ phục hồi chức năng răng miệng cho người bệnh.

Sinh viên học ngành Bác sĩ Nha khoa được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở ngành như đào tạo Bác sĩ Đa khoa. Ngoài ra, còn được nghiên cứu chuyên sâu các bệnh về răng, hàm, mặt… để có thể đảm nhiệm công tác phòng ngừa, chẩn đoán và chữa trị bênh, thương tật, dị tật ở răng, hàm, miệng. Nếu bạn có kinh nghiệm lâu năm thì sẽ được tham gia vào các khâu khó hơn như: Chữa tủy răng, phẫu thuật răng, hàm, ghép răng, trồng răng... cho bệnh nhân giúp họ phục hồi chức năng răng miệng.

Ngoài ra, các nha sĩ còn phải giúp bệnh nhân lấy lại được nụ cười thời thanh xuân bằng các phương pháp điều trị thẩm mỹ như: Phục hình răng sậm màu, răng thưa, giảm hô móm, lệch lạc hay phục hình trong trường hợp mất nhiều răng...

Cuối cùng, nếu bạn có thể làm việc trong phòng nghiên cứu nha khoa để nghiên cứu các phương thuốc, hóa chất, dược phẩm... nhằm hỗ trợ các nha sĩ trong quá trình khám và chữa trị bệnh. Bạn cũng có thể tham gia vào quy trình sản xuất ra những chiếc răng giả mang chất lượng và tính thẩm mỹ cao để giúp các bệnh nhân bị hỏng răng có thể sử dụng tốt trong sinh hoạt hằng ngày.

Dược sỹ

Dược sĩ

Nghề dược là nghề liên quan đến dược phẩm (thuốc), được phân ra nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu, sản xuất, lưu thông phân phối, đảm bảo chất lượng, quản lý dược, hướng dẫn sử dụng thuốc cho mọi người…Dược học dựa trên nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó cơ bản nhất là hoá học và sinh học – hai ngành quan trong nhất mà người ta dùng kiến thức của nó để bào chế ra các dược phẩm phục vụ cho sức khoẻ con người.

Sinh viên học ngành Dược được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở chuyên ngành tương tự các ngành Y khoa khác. Ngoài ra sinh viên còn được cung cấp các kiến thức chuyên sâu của ngành dược như: Hóa dược, Sinh hóa, Ký sinh, Thực vật, Nhận thức dược liệu, Dược liệu (Thực vật dược, Dược lâm sàng, Dược học cổ truyền, Chế biến dược liệu); Thủ thuật bào chế, Quản lý dược, phân tích kiểm nghiệm, Dược lý, Công nghiệp dược…

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có khả năng hướng dẫn sử dụng, bào chế, sản xuất, quản lý và cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế và cộng đồng; có khả năng tự học vươn lên đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và sau khi ra trường có thể làm tại các bệnh viện, các viện nghiên cứu thuốc, các cơ sở y tế cộng đồng hoặc các phòng khám hay bán thuốc tư nhân.

Y học cổ truyền

Bác sỹ y học cổ truyền được đào tạo chuyên sâu về sử dụng các phương pháp chữa bệnh cổ truyền ví dụ như sử dụng thuốc bắc, thuốc nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… để chữa bệnh và nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh.

Sinh viên theo học ngành bác sỹ y học cổ truyền sẽ được cung cấp các kiến thức đại cương chung của khối B và các kiến thức cơ sở của ngành y. Ngoài ra sinh viên còn được học các kiến thức chuyên sâu về y học cổ truyền: Dược học cổ truyền (Thực vật dược, Dược lâm sàng, Dược học cổ truyền, Chế biến dược liệu, Các phương pháp bào chế các dạng thuốc y học cổ truyền); Dưỡng sinh (Phương pháp xoa bóp, Phương pháp thực dưỡng); Châm cứu (Điện châm, Đầu châm, Châm tê, Thủy châm); Bệnh học (Bệnh học kết hợp nội khoa, Bệnh học kết hợp Ngoại, Nhi, Nhiễm, Phụ sản và Điều trị học dùng thuốc y học cổ truyền…)

Phẩm chất, kỹ năng cần đạt được sau khi tốt nghiệp: Sinh viên sau khi ra trường có khả năng khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, dự phòng bệnh tật, giáo dục tăng cường sức khỏe bằng y học cổ truyền; phát hiện và xử lý ban đầu một số bệnh cấp cứu; tổ chức quản lý các dịch vụ, các chương trình chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền tại cộng đồng; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tốt nghiệp chuyên ngành này, sinh viên có thể làm việc tại các bệnh viện hoặc các khoa y học cổ truyền, ngoài ra thì cũng có thể làm việc trong các viện nghiên cứu hay các phòng khám y học cổ truyền…

2. Y tá

Y tá

Y tá là một bộ phận nhân lực quan trọng trong lĩnh vực y tế, có nhiệm vụ chăm sóc, chữa trị, và bảo đảm an toàn cho người bệnh trong những hoàn cảnh khác nhau.

Đặc thù của nghề y tá là chăm sóc bệnh nhân, tư vấn hỗ trợ tâm lý gia đình bệnh nhân. Đồng thời chỉ dẫn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cách chữa bệnh hay chăm sóc vết thương, những chăm sóc cần thiết hậu điều trị tại cơ sở y tế, chế độ dinh dưỡng, chương trình tập luyện… để giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và không tái phát bệnh trở lại.

Không những vậy người y tá còn phải theo dõi, lưu hồ sơ bệnh án, triệu chứng bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ chuyên môn kiểm tra, chẩn đoán, phân tích kết quả, vận hành máy móc y khoa. Đồng thời ghi chép và cập nhật bệnh lý, giúp xét nghiệm, thử nghiệm, sử dụng máy móc công cụ y tế…

3. Điều dưỡng

Sinh viên học ngành Bác sĩ Điều dưỡng được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở ngành như đào tạo Bác sĩ Đa khoa. Đồng thời nhà trường còn đào tạo để sinh viên có khối kiến thức chuyên sâu như: Điều dưỡng cơ bản, Phục hồi chức năng, Điều dưỡng cấp cứu, hồi sức, Điều dưỡng nội, Điều dưỡng ngoại, Điều dưỡng nhi, Điều dưỡng phụ sản, Điều dưỡng truyền nhiễm, Điều dưỡng chuyên khoa hệ nội (Lão khoa, Thần kinh, Da liễu…); Điều dưỡng chuyên khoa hệ ngoại (Mắt; Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt …); Quản lý điều dưỡng, Điều dưỡng công cộng, Y học cổ truyền, Nội bệnh lý, Ngoại bệnh lý, Sản bệnh lý, Nhi bệnh lý…

4. Y tế công cộng

Bác sĩ y tế cộng đồng được đào tạo chuyên sâu về sức khỏe cộng đồng và các yếu tố tác động đến sức khỏe, nghiên cứu hoạch định các giải pháp hữu ích nhằm giảm thiểu thiệt hại tới sức khỏe cộng đồng.

Sinh viên học ngành Bác sĩ Y tế cộng đồng được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ bản dành cho ngành: Giải phẫu - Triệu chứng học cơ sở - Dịch tễ học cơ sở - Nhân chủng học - Thống kê y tế công cộng. Sức khỏe các lứa tuổi, Các bệnh thông thường ở cộng đồng, Nghiên cứu sức khỏe cộng động, Thảm họa và Sức khỏe các lứa tuổi, Dịch tễ học các bệnh truyền nhiễm, Dịch tễ học các bệnh không truyền nhiễm, Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp, Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Pháp y…

Phẩm chất và kỹ năng cần đạt được: Sinh viên sau khi ra trường sẽ có khả năng xác định các yếu tố của môi trường tự nhiên, xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe và những vấn đề sức khỏe ưu tiên của cộng đồng rồi đưa ra các chiến lược giải quyết; giáo dục sức khỏe và chăm sóc sức khỏe ban đầu; tham gia quản lý các chương trình và dịch vụ y tế; phát hiện và xử lý một số bệnh thông thường; giám sát, phát hiện sớm và tham gia phòng chống dịch; tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học…

Sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm trong các viện nghiên cứu hoặc các trung tâm y tế cộng đồng, các bệnh viện và các trung tâm y tế trên toàn quốc…

Y tế công cộng

5. Y tế học đường

Y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tuyến ban đầu cho học sinh, sinh viên - những thế hệ tương lai của đất nước.
Khám răng cho HS tiểu học trong chương trình Nha khoa học đường.

Nhân viên Y tế học đường được đào tạo đầy đủ với kiến thức và thực hành nghiệp vụ cần thiết từ các trường đại học y dược, cao đẳng hay trung học y tế; có khả năng khám chữa bệnh và xử trí các tình huống cấp cứu do bệnh tật, tai nạn, thương tích xảy ra trong nhà trường. Số lượng nhân viên y tế tuyển dụng phụ thuộc vào số lượng học sinh, sinh viên, giáo viên và nhân viên nhà trường để đáp ứng yêu cầu công việc.

Những năm gần đây, các chương trình cơ bản (nha khoa học đường, mắt học đường, vệ sinh y tế học đường, thấp tim học đường) đã được đưa vào thực hiện trong trường học. Phát động nhiều phong trào vệ sinh trường học, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường; duy trì và xây dựng nhiều mô hình điểm về phòng chống các bệnh thường gặp như cận thị, vẹo cột sống...

6. Y học dự phòng

Bác sĩ y học dự phòng được đào tạo chuyên sâu về vần đề phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng, được đào tạo theo kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở. Ngoài ra thì bác sỹ y học dự phòng được đào tạo với chuyên môn chính là chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, các vấn đề sức khỏe liên quan, các tác nhân ngoại sinh, nội sinh, kể cả di truyền và lối sống, dịch bệnh nhiễm trùng, không nhiễm trùng, dịch bệnh liên quan đến lứa tuổi, phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe.

Sau khi ra trường sinh viên có thể làm việc tại bộ y tế, trường đại học, các viện nghiên cứu, các cơ quan y tế dự phòng, các cục vệ sinh an toàn thực phẩm của bộ y tế…

7. Hộ sinh

Đào tạo sinh viên có kiến thức, kỹ năng cơ bản về y học và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặc biệt có kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để có khả năng cung cấp các dịch vụ bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình tại cơ sở y tế và cộng đồng, có phẩm chất đạo đức tốt, lương tâm nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trước sức khoẻ và tính mạng người bệnh, có đủ sức khoẻ, không ngừng học tập để nâng cao trình độ.

Kỹ thuật y học

8. Kỹ thuật Y học

Kỹ thuật y học là ngành nghiên cứu chẩn đoán phi lâm sàng, hỗ trợ cho Bác sĩ trong chẩn đoán và chữa bệnh, phục hồi chức năng sau phẫu thuật… Ngành kỹ thuật y học bao gồm các ngành: Kỹ thuật Y học, Kỹ thuật hình ảnh Y học, Gây mê hồi sức, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm đa khoa, Kỹ thuật Vật lý trị liệu/phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật Y học dự phòng

Sinh viên học ngành Kỹ thuật Y học được cung cấp kiến thức đại cương chung khối B và các kiến thức cơ sở ngành như đào tạo Bác sĩ Đa khoa. Ngoài ra được nghiên cứu chuyên sâu như: Giải phẫu bệnh, Huyết học cơ bản, Huyết học tế bào, Ký sinh trùng, Đông máu, Truyền máu, Hóa sinh, Vi sinh, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Vật lý trị liệu, X quang…

Sinh viên ngành Kỹ thuật Y học có khả năng thực hiện được các xét nghiệm thuộc các lĩnh vực: Vi sinh, Kí sinh trùng, Hóa sinh, Huyết máu, Miễn dịch, Giải phẫu bệnh…

Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các bệnh viện, trung tâm nghiên cứu thiết bị y tế, các phòng khám nhà nước và tư nhân …

Ngành học tương tự: Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng

Các ngành học khác thuộc lĩnh vực y tế sức khỏe: quản trị bệnh viện, dinh dưỡng học…

Theo Tuvanhuongnghiep


Chuyên mục: Nghề nghiệp

Tin nổi bật Nghề nghiệp