congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Phía sau nghi can X

Đã xem: 1,033
Cập nhât: 12 năm trước
Phải chăng nỗi kinh ngạc đối với các vụ án hình sự và với các tội hình sự nói chung đã trở nên một trong những ấn tượng hàng ngày thời nay, một trong những cảm xúc đời thường của một kỷ nguyên đã thành công trong việc biến các chứng bệnh tâm thần thành một đặc trưng văn hóa rộng rãi đến thế? Tuy nhiên vẫn luôn có những người biết

Phải chăng nỗi kinh ngạc đối với các vụ án hình sự và với các tội hình sự nói chung đã trở nên một trong những ấn tượng hàng ngày thời nay, một trong những cảm xúc đời thường của một kỷ nguyên đã thành công trong việc biến các chứng bệnh tâm thần thành một đặc trưng văn hóa rộng rãi đến thế?
 
Tuy nhiên vẫn luôn có những người biết cách kể mới các loại ấn tượng tầm thường đó, đi theo con đường không phải chuyện trinh thám điều tra hình sự mà là con đường Shakespeare đã mở ra khi sân khấu ở thời của ông chào đón những màn diễn đầy máu và xác chết: khám phá tính bi kịch thật sự trong tội ác.
 
Ở đây, trong Phía sau nghi can X, một tội ác thậm chí còn không mang gương mặt tội phạm; hay đúng hơn, gương mặt tội phạm trùng hợp với bộ mặt của đam mê và hầu như bị xóa nhòa sau những nét chân dung của định mệnh.
 
“Ishigami giơ hay tay ôm đầu. Anh hét lên như một con thú dữ. Một tiếng thét đau buồn, xen lẫn nỗi tuyệt vọng và hoang mang... như thể Ishigami đang dốc cạn linh hồn của chính mình” (tr. 342).
 
Có thể bạn sẽ đồng ý với tôi rằng người ta thường không mô tả như trên về một tên sát thủ có trái tim đóng băng vĩnh cửu.
 
Tất nhiên một khẩu vị tinh tế cũng có thể cho rằng mô tả đó có vẻ kịch quá (!); đúng thôi, trừ một điều rằng kịch thường giúp ta hiểu nếu cuộc đời ta được nén lại trong vòng ba tiếng đồng hồ thì nó sẽ diễn ra như thế nào.


 Phía sau nghi can X


Cuộc đời của nhân vật Ishigami, cái tay “Nghi Can X” đó, cũng là một cuộc đời bỗng nhiên bị nén lại từ một trường hợp thuộc loại thường bị gọi là trùng hợp ngẫu nhiên: đúng vào lúc anh ta sửa soạn xong dây thừng thắt thòng lọng, đã treo lên và kiểm tra để chắc chắn nó đủ vững giữ cho anh ta chết tốt trong căn hộ độc thân đầy ắp những tài liệu toán học mà anh ta vẫn mải miết nghiên cứu bao năm qua, thì hai mẹ con người hàng xóm mới dọn đến sang gõ cửa chào...
 
“Anh thấy chẳng có gì hối tiếc. Anh chẳng có lý do gì để chết.
 
Chỉ là anh không có lý do gì để sống thôi” (tr. 383).
 
Nhưng thế là tất cả đổi thay trong thoáng chốc khi Ishigami ra mở cửa và lần đầu tiên trong đời nhận ra một vẻ đẹp khác ngoài cái đẹp duy nhất anh ta tôn thờ trong việc giải quyết những bài toán khó: “Hai người họ có đôi mắt rất đẹp” (tr. 384).
 
Dù có mang tiếng sáo mòn thì vẫn có thể gọi đó là một cuộc gặp gỡ của định mệnh. Nhưng bạn chỉ biết điều đó rõ hơn về sau. Câu chuyện ở đây bắt đầu với vụ án mạng mà hai mẹ con có đôi mắt rất đẹp ấy gây ra trong căn hộ của họ, sát vách căn hộ của Ishigami.
 
Vụ án được mô tả đầy đủ ngay từ đầu, là một vụ ngộ sát trong cố gắng tự vệ của hai người phụ nữ chống lại tay chồng cũ, gã bố dượng khả ố. Xuất kỳ bất ý họ đã giết gã này trong một tình thế khủng hoảng bùng nổ bất ngờ, biến cái ngày đó thành cái ngày định mệnh của cả hai mẹ con: trong chốc lát, họ đã thành ra sát nhân mất rồi!
 
Tuy nhiên, vụ ngộ sát đó chưa đủ trình ra một bi kịch theo đúng nghĩa của một bi kịch. Thời khắc định mệnh đôi khi chỉ là một tai nạn, hoặc một thảm họa đi nữa, không hơn. Bi kịch chỉ xuất hiện trên chiến trường giữa lương tri với bổn phận, xáo trộn đến những phần cốt lõi của sinh tồn con người trong một vài cá thể, mà vượt ra ngoài phạm vi cá thể và sinh mạng của cá thể, chạm đến không gian các giá trị tinh thần.
 
Nhưng Higashino Keigo đã chuẩn bị các tiền tố bi kịch cho tình huống mở đầu này: Hai mẹ con có đôi mắt rất đẹp kia hoàn toàn lương thiện cam chịu trước cuộc viếng thăm đểu giả và bòn rút của gã chồng cũ cho tới lúc gã này xúc phạm cô con gái...; họ bị đẩy đến giới hạn phải tự vệ một cách chính đáng, và khi hậu quả là một xác chết, người mẹ sợ hãi và tuyệt vọng nghĩ cách làm sao để nhận được hết tội về mình, để con gái hoàn toàn vô can - một bài toán bất khả giải với chị, nhưng cái hướng giải quyết đáng sợ thì hiện ra ngay: làm sao phi tang cái xác? Vậy là nữ nhân vật chính Hanaoka Yasuko đã bị đẩy đến trước một lựa chọn hiểm nghèo chống lại bổn phận công dân để bảo vệ đứa con một lần nữa.
 
Thực chất cái lựa chọn trong mong muốn của Yasuko là làm sao xóa sạch sự kiện đen tối vừa bất ngờ xảy ra dưới tay hai mẹ con cô. Vụ việc chỉ diễn biến trong ít phút, nhưng đó là một khoảng thời-gian-đã-bị-đánh-dấu bằng một mạng người.
 
Các hoạt động điều tra của cảnh sát sau đó cũng chủ yếu xoay quanh việc sử dụng thời gian của hai mẹ con Yasuko - cái được gọi là những chứng cứ ngoại phạm - vào cái ngày mà người ta tin là đã xảy ra án mạng.
 
Đôi khi trong các truyện hình sự-trinh thám ta gặp cụm từ “chạy đua với thời gian”. Và chúng cố đem lại cảm giác đó khi mô tả song song hoạt động điều tra với hoạt động tội phạm; dưới những bàn tay kể chuyện giỏi ta thấy hai bên chạy đua để cướp thời gian của nhau.
 
Cái môn điền kinh của những biến cố và sự kiện bình thường và bất thường đó đúng là “chạy đua với thời gian” đem lại cảm giác căng thẳng, tước đoạt cơ hội của nhân vật này hay nhân vật kia bằng những tình cờ may mắn hay suy luận thông minh hành động đột phá hơn của phía đối lập, để rồi kết thúc cuộc chạy đua bằng một vụ thắng cuộc.
 
Bạn sẽ không thấy hầu hết những điều đó ở Phía sau nghi can X. Trong chừng mực nhất định thì đây là một câu chuyện về chứng tự kỷ, một phân tích (qua con đường văn học, sic!) ảm đạm về một case đặc thù: Người tự kỷ có tài năng xuất chúng - anh giáo dạy toán cấp III Ishigami Tetsuya, người từ khi còn học đại học đã được một giáo sư gọi là “một tài năng thuộc loại năm mươi năm hay một trăm năm mới xuất hiện một lần” (tr. 99) - chính là anh hàng xóm sát vách mẹ con Yasuko.
 
“Anh luôn nghĩ chính mình mới là người bị cho là không bình thường” (tr. 113) - từ khi còn là sinh viên Ishigami đã tin như vậy. Anh ta không quan tâm gì khác ngoài một số bài toán khó nổi tiếng trong lịch sử môn toán và quyết định sẽ hiến đời mình cho việc nghiên cứu toán học thuần túy - thứ toán học chỉ cần tờ giấy với cây bút chì (hay thậm chí trong đầu óc, như khi anh ta nằm trong phòng giam), không viện đến các thứ máy tính đồ sộ.
 
Niềm say mê đó như một thứ “black hole” bên trong Ishigami khiến anh ta không thiết gì những văn học, nghệ thuật (tr. 113-114), chỉ xây dựng cuộc sống trên logic sắt đá và tính hợp lý tối ưu của các mô hình toán học... Cho đến cái ngày định mệnh đã nói ở trên, nhìn vào và nhận ra hai đôi mắt rất đẹp kia và chợt hiểu toàn bộ vẻ đẹp của đời sống.
 
Vụ dự tính treo cổ tự sát bị bỏ dở ở khoảnh khắc đó chính là một phân tích phê phán rất sâu vào loại hình nhân cách tự kỷ này.
 
Nói như nhân vật Yugawa Manabu, giảng viên đại học ngành vật lý, vốn cũng là sinh viên xuất chúng đồng môn với Ishigami, thì Ishigami không chịu tin rằng mình chỉ là một giáo viên toán bậc phổ thông cấp III (tr. 212), cho dù có vẻ số phận đã đưa đẩy anh phải lựa chọn vai trò này.
 
Ở đây, thấp thoáng thôi, nhưng rất rõ ràng, ý tưởng về tinh thần khe khắt phục tùng nghĩa vụ, tuân thủ bổn phận xã hội và tập đoàn - một tư tưởng đặc thù trong truyền thống Nhật Bản.
 
Ý thức rõ tài năng và đam mê toán học của mình, vậy mà lại thấy “không có lý do gì để sống” (tr. 383) - dường như Ishigami từ trong thâm tâm coi mình tựa như một kẻ vô gia cư, không có chỗ đứng nào trong xã hội. Anh ta cũng không có các quan hệ xã hội thông thường. Một kẻ cô độc đến thế, rồi chợt rơi vào cơn choáng không thể phục hồi vì một đôi mắt đẹp.
 
Đó là sự trùng hợp của định mệnh, không phải loại trùng hợp về hiện tượng mà các nhân viên điều tra án mạng luôn ra sức tìm tòi để xây dựng lý thuyết cho mỗi vụ án.
 
Điều thú vị độc đáo của câu chuyện này chính là ở chỗ Nghi Can X hiểu rõ cung cách điều tra của cảnh sát - bằng tài năng toán học kỳ lạ của mình, anh ta mô hình hóa thực tại một cách chính xác gần như tuyệt đối, tính toán trước nhiều bước đi của điều tra, và quan trọng hơn, đặt ra đúng bài toán cùng lời giải và đáp số mà những người điều tra sẽ phải làm: Anh ta phác ra mô hình một sự trùng hợp phỏng theo nguyên tắc của mê cung - ai đã vào đó thì sẽ càng đi càng xa nơi phải đến.
 
Ishigami đã lập tức sang nhà mẹ con Yasuko ngay sau khi xảy ra vụ ngộ sát và tình nguyện giúp hai mẹ con thoát khỏi tai họa của án mạng này; chỉ có điều, làm thế nào để xóa sạch mọi dấu vết phía cảnh sát có thể lần ra thì anh ta không giải thích.
 
Không cảnh sát viên nào, chứ đừng nói là hai mẹ con Yasuko, có thể hình dung đến ý tưởng mà “thiên tài” môn toán (tr. 99) nghĩ đến: xóa toàn bộ sự kiện bi thảm này, tức là phải xóa bỏ mọi mối liên hệ liên quan thực tế của nó, có nghĩa là xóa bỏ chính cái ngày xảy ra sự kiện đó trong dòng chảy thời gian.
 
Như vậy ta có thể hiểu niềm tin toán học ở nhân vật Ishigami lớn đến mức nào: thế giới chỉ là những mô hình toán học cùng các mối liên hệ giữa chúng.
 
Nhân vật tự kỷ lý tưởng này liệu có nhầm lẫn về bản chất của sự kiện và của thời gian không?
 
Bạn sẽ thấy là: Không; anh ta sáng suốt đến mức vô cảm; anh ta hoàn toàn không nhầm lẫn, mà hiểu rõ rằng trong thế giới này bản chất của sự kiện và của thời gian không có gì khác ngoài sinh mạng con người; thời gian chỉ có thể giành được bằng mạng sống.
 
Tính bi kịch ở đây đã đột ngột hiện ra, như thế, tất định, mâu thuẫn, thảm thương và không thể lay chuyển.
 
Những phần kết của ba số phận chủ yếu trong câu chuyện này rất có thể sẽ lay động bạn bằng một nỗi kinh ngạc sâu xa, mà tôi nghĩ rằng nó phảng phất những hình bóng Vua Lia hay Lão Gôriô gì đó.
 
Và một trong những điều kinh ngạc nhất hẳn sẽ là cái gợi ý trả lời cho câu hỏi vì sao con người có thể ác và vì sao đôi khi ta không thể nhận ra cái ác giữa bao sự trùng hợp của cõi nhân gian.
 

 


Chuyên mục: Giải trí Giáo dục

Tin nổi bật Giải trí Giáo dục