Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Nghìn khuôn mặt của đêm, tiểu thuyết vào năm 1993 được trao giải tiểu thuyết đầu tay hay nhất dành cho các nhà văn của Khối Thịnh Vượng Chung, kể về ba người phụ nữ thuộc ba thế hệ kế tiếp nhau, mang tên ba nữ thần được người Ấn Độ tôn thờ Devi, Sita, và Maya. Devi, người phụ nữ thuộc thế hệ thứ ba, với tâm hồn được chăm bồi bằng những câu chuyện tưởng tượng mà bà cô kể cho nghe suốt những năm thơ ấu, mơ ước một cuộc sống gia đình hạnh phúc, khao khát được làm một người đàn bà theo đuổi lý tưởng và đam mê của mình chứ không phải chỉ là giới thứ hai đối với đàn ông. Cô được học hành tử tế, thậm chí được cho đi du học ở Mỹ. Nhưng mơ ước cùng sự giáo dục kĩ lưỡng mà cô tiếp nhận chẳng giúp gì được cô khi cô trở về Ấn Độ để rồi sau đó gật đầu trước một lời cầu hôn làm hài lòng mẹ cô hơn là chính bản thân cô. Khi cô hỏi chồng cô rằng tại sao anh lại cưới cô, người chồng đã trả lời rằng anh cưới cô vì bất cứ lý do nào khiến người ta cưới nhau nhưng anh nói thêm: “Ơn trời, người Ấn Độ chúng ta không bị ám ảnh bởi tình yêu”.
Sita, mẹ của Devi, đã tự mình dứt dây của cây đàn veena bà đã gắn bó suốt nhiều năm, tự mình nhổ rễ đam mê của mình trong quyết tâm trở thành một người vợ không chê vào đâu được. Nhưng trong kết quả của những nỗ lực và sự hy sinh của bà chẳng thấy có bóng dáng hạnh phúc. Cách Sita một thế hệ, Maya, một người phụ nữ lấy chồng từ năm mười hai tuổi, phải sống những năm tôi đòi, bị chồng, mẹ chồng, và chính con trai hành hạ, lủi thủi đi đến cuối đời chờ đợi cái chết. Nhìn vào cuộc đời của ba người phụ nữ này chúng ta thấy những dấu ấn đẹp đẽ nhưng cũng thấy cả những vết trói mà những phong tục và truyền thống của người Ấn Độ hằn in lên những mảnh đời phụ nữ.
Nữ tác giả Githa Hariharan có lối viết lạ, đủ hấp dẫn để đưa người đọc đi đến hết câu chuyện bà kể. Bà viết về nỗi buồn của người đàn bà trong cuộc hôn nhân tẻ lạnh: “Nỗi sầu khổ bám nhằng nhẵng như những cái móc nhỏ móc vào từng lỗ chân lông trên da tôi. Những cái móc ấy yêu tôi say đắm. Tôi đợi chúng nuốt tôi đi, đợi bị nghẹt trong cái ghì xiết của chúng. Hoặc đợi chúng teo đi, chết rơi chết rụng, để tôi được tự do mà thở.” Bà viết về nỗi đau đớn của người mẹ bị đứa con mình dứt ruột đẻ ra lãng quên: “Quên tên bà ấy, quên tất cả những đêm mẹ mình ôm mình, ôm đứa con thơ trong vòng tay âu yếm. Thôi tôi xin! Đừng có nói với tôi về những đứa con trai dũng mãnh trong lá số tử vi của tôi.” Và bà tổng kết cuộc đời của một người phụ nữ bất hạnh: “Mayamma đã bị ném xuống dòng xoáy của đời đàn bà trước khi bà học bơi. Bà đã biết thế nào là thói dâm ô, là khả năng tiềm tàng của sự độc ác đầy thú tính ẩn náu bên trong một con người, biết một cách trực tiếp. Bà thực sự không có những lựa chọn. Bà khao khát sinh nở, chịu đựng cuộc sống, ấp ủ cái chết. Và bà đã dành được thắng lợi nho nhỏ - nếu bạn có thể gọi nó bằng một cái tên hoành tráng như thế - nhờ niềm tin xác xơ mà bà mang theo trong mình”. Bằng cách dẫn dắt và cách kể chuyện tài tình của mình Githa đã khắc họa được gương mặt của hạnh phúc ở những nơi thiếu vắng nó và khiến người đọc xúc động đến tận đáy lòng trước những cuộc thử nghiệm đầy tổn thương vì nó!
Nghìn khuôn mặt của đêm còn là một mạch văn gần như chảy xuyên suốt những câu chuyện thần thoại huyền bí và đầy cuốn hút của đất nước Ấn Độ. Nó là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc và đáng nhớ.
Tin nổi bật Giải trí Giáo dục