Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Trước những diễn biến phức tạp tại Bắc Giang, Bắc Ninh khiến nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, các Hiệp hội và nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động nóng lòng đề xuất xin được tự chủ chi phí mua vaccine tiêm cho người lao động.
Ngày 17/5, Hiệp hội Dệt may (Vitas) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ DN dệt may mua/tiêm Vacxin Covid-19.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện nay ngành dệt may có gần 3 triệu lao động. Một doanh nghiệp chỉ cần bị dãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.
"Hiện nay các DN đã ký kết đơn hàng, nhiều DN đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam", công văn ghi rõ.
Vì vậy, VITAS đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ DN dệt may mua/tiêm Vacxin Covid-19, theo đó, xin ưu tiên tiêm vắc xin cho các DN đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; Ưu tiên cho các DN được mua Vacxin tiêm cho người lao động (theo chủ trương xã hội hoá mà chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm Vacxin; Tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắc xin về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Ngay hôm sau, Chủ tịch Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp da giầy được ưu tiên tiêm Vacxin Covid-19 tại các vùng tâm dịch.
Theo Lefaso, mặc dù phải cắt giảm 30%-50% tổng đơn hàng toàn cầu, song do nhiều nhãn hiệu nước ngoài đã dịch chuyển đơn hàng từ Myanma, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc… sang sản xuất tại Việt Nam, nên năm 2020 Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu da giầy 19,8 tỷ USD, chỉ giảm 10% trong khi toàn cầu suy giảm tới 22%.
Bước sang năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của ngành tăng đều hàng tháng 10% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên, thực tế diễn biến tình hình dịch bệnh Covid thời gian qua cho thấy rủi ro lây lan dịch bệnh rất cao trong các khu công nghiệp.
Trong đó, ngành da giầy với tổng số khoảng 1,5 triệu lao động, mỗi nhà máy có từ vài nghìn đến hàng chục nghìn lao động, đang đứng trước rủi ro cao dịch Covid-19 lây lan nhanh, do đặc thù sử dụng nhiều lao động trong các nhà máy tại các khu công nghiệp tập trung.
Với mật độ người lao động đông như vậy, việc đảm bảo an toàn phòng chống đại dịch Covid là cực kỳ khó khăn.
"Nếu doanh nghiệp phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly không làm việc trong 14 - 21 ngày thì khách hàng nước ngoài sẽ hủy hết đơn hàng, dẫn đến doanh nghiệp sẽ bị phá sản, số lượng lớn lao động trong ngành mất việc làm.
Nếu dịch lan rộng trong các khu công nghiệp, Nhà nước cũng phải chịu gánh nặng về chi phí cho việc dập dịch, dẫn đến thiệt hại vô cùng lớn cho toàn xã hội", Lefaso kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp ngành da giầy cùng với các đối tác nhập khẩu và nhãn hàng nước ngoài được đóng góp tài chính để mua vắc xin tiêm chủng cho người lao động tại các doanh nghiệp, theo chủ trương xã hội hóa mua vắc xin của Chính phủ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cũng đã gửi công văn đề nghị cho doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19
Hiện nay, ngành gỗ, hiện có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước; đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất để cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỉ USD vào năm 2025.
Hiệp hội kiến nghị ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và TP Hà Nội là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1000 người.
Ông Đỗ Xuân Lập- Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ "Nễu mỗi doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra mua vắc xin tiêm phòng cho người lao động của mình thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà Covid 19 gây ra. Ý thức được được đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ".
Qua các đợt dịch cho thấy, ở các thời điểm phải cách ly xã hội hoặc cách ly cục bộ, hàng trăm nghìn chuyến xe hàng, chuyến container, hàng loạt các dịch vụ phải đóng cửa, rất nhiều ngành trong nền kinh tế trì trệ, đồng nghĩa với thiệt hại của cả nền kinh tế là vô cùng lớn, so với chi phí tiêm vaccine.
Khảo sát cho thấy, không chỉ các doanh nghiệp sử dụng lao động lớn, hầu hết các doanh nghiệp và nhiều người dân mong muốn được tự chủ chi phí tiêm vaccine.
Trả lời Kinh tế và Dự báo, ông Lee Jae Eun, Tổng giám đốc CTCP Everpia cho rằng Chính phủ nên hướng tới chủ trương xã hội hoá để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ có đủ vaccine.
"Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoàn toàn nhất trí và sẵn sàng chi trả để bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho cán bộ nhân viên của mình, cũng là bảo vệ cho hoạt động của chính doanh nghiệp.
Ngân sách nhà nước nên được ưu tiên cho người lao động thuộc các cơ quan nhà nước, cũng như hỗ trợ cho một bộ phận người dân gặp khó khăn, không thể tiếp cận được vaccine", ông Lee chia sẻ.
Một số ý kiến đánh giá về việc để doanh nghiệp tự chủ mua vaccine sẽ làm bất bình đẳng trong xã hội, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM đề xuất Chính phủ mở cơ chế cho doanh nghiệp được tự đàm phán mua vaccine.
Bộ Y tế cần kiểm soát danh mục các vaccine đủ chất lượng để doanh nghiệp mua theo danh mục này và Bộ Y tế lo việc tổ chức tiêm chủng cho nhân dân theo nguồn vaccine mua theo danh mục.
Việc mở cửa ở đây là cho doanh nghiệp được tự tìm nguồn hàng và tự chi tiền mua vaccine để bảo vệ mình. Điều này không làm bất bình đẳng bởi Nhà nước sẽ có nguồn lực lo cho những người không tự lo được.
Ý kiến của ông Hiếu vấp phải một số phản đối, một chuyên gia cho rằng việc mua vaccine vẫn phải do Chính phủ quản lý để thực hiện chương trình tiêm chủng trong nước công bằng, toàn diện và hiệu quả về chi phí.
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, bao gồm kinh phí mua vaccine, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng.
Về nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hằng năm tăng cao, kinh phí mua vaccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Ngày 26-5, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo chính thức bổ sung đối tượng công nhân tại các doanh nghiệp vào danh sách nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Ngày 27/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BTC về việc thành lập Ban Quản lý Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để triển khai Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
Theo quy định tại Khoản 1, Điểm 2-Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì đối với khoản chi ủng hộ quỹ vắc-xin này, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Châu Cao - Theo Doanh nghiệp tiếp thị
Tin nổi bật