Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Cách đây không lâu, có một topic bất ngờ gây sự chú ý trên MXH: "Hỡi những người đã bước qua tuổi 30, đâu là thứ bạn muốn nhắn nhủ với mình năm 20 tuổi nhất?".
Câu hỏi của topic này khá đơn giản, thế mà lại thu hút đến hơn 10k lượt tương tác và hàng ngàn những bình luận:
- T.A (33 tuổi, nữ, design): Mình sẽ nhắn với bản thân là đừng theo đuổi những thứ viển vông, tập trung vào học hành đi. Bản thân giờ công việc không ổn định, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào vì không cạnh tranh lại với lớp trẻ vừa giỏi vừa đủ bằng đủ cấp.
- N.M (29 tuổi, nữ, nội trợ): Đừng tin vào câu nói chồng nuôi, cũng đừng vì trót làm sai mà đẩy cuộc đời mình vào bi kịch. Phụ nữ tốt nhất vẫn nên có sự nghiệp.
- A.T (31 tuổi, nam, nhân viên IT): Mua nhà càng sớm càng tốt, khi xưa cứ nghĩ từ từ rồi mua, giờ lương không đủ lo cho cuộc sống tiền đâu mua nhà. Thế nhưng đến năm 30 tuổi, lương cao hơn cũng chẳng mua nổi ½ căn nhà cơ.
- T.T (35 tuổi, nam, giáo viên): Đầu tư chứng khoán, mua bất động sản để dành. Hồi trước cứ nghĩ bản thân còn trẻ, không dư dả mấy đầu tư mất trắng thì sao nên chọn cuộc sống ổn định, ít mạo hiểm. Giờ chỉ có ngó bạn bè giàu mà thèm thôi chứ không làm gì được.
Đọc xong những comment này, bạn có thắc mắc vì sao những người 30 tuổi lại có nhiều tiếc nuối đến vậy không?
Xưa nay, 30 tuổi được xem như một trong những cột mốc quan trọng nhất đời người. Bởi lẽ ai nấy đều quan niệm đây là độ tuổi đủ chín muồi cho những việc lập gia đình, ổn định công việc, mua nhà, mua xe... Thế nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Ở tuổi 30 vẫn có những người thấy mình chênh vênh, chưa có nổi một thứ gì trong tay. Muốn nghỉ việc vì áp lực thì lại lo không có tiền sống còn, sợ không cạnh tranh xin việc lại với lớp Gen Z nhanh nhạy. Muốn mua nhà, mua xe thì lại không đủ tiền vì đi làm bao nhiêu năm chẳng dư dả mấy, tiền tiết kiệm gần như bằng 0. Muốn lập gia đình thì lại sợ hãi vì những gánh nặng tài chính, áp lực cuộc sống… Sự bất ổn ấy còn nặng nề hơn khi họ phải chứng kiến những người tuổi 30 khác đã ổn định cuộc sống từ khi nào, còn những lớp đàn em, Gen Z lại ngày càng vượt trội.
Có thể nhiều người mới 20 tuổi - đang là Gen Z nghĩ rằng đấy là chuyện của 10 năm sau nữa, lo chi cho xa. Song, những người 30 ấy cũng đã từng 20, từng tràn đầy năng lượng sống nhưng vẫn bị nhấn chìm vì các sai lầm tuổi trẻ của mình. Muốn tránh xa khỏi mớ hỗn độn, có tuổi 30 ổn định và không ngập trong nuối tiếc, đây là những điều người trẻ cần làm ngay từ năm 20 tuổi.
1. Nắm lấy cơ hội, chấp nhận rủi ro
Tỷ phú Jeff Bezos - CEO của Amazon từng nói một câu như thế này: "Nếu cơ hội chỉ là 10% trong khi rủi ro đến 90%, bạn vẫn nên đặt cược vào chúng".
Thật vậy, nếu bạn có điều gì đó muốn làm ở những năm 20 tuổi, đừng để sợ hãi ngăn cản bạn không thực hiện nó, dù cho điều đó có điên rồ cỡ nào. Đặc biệt trong đầu tư kinh doanh, hãy luôn mạnh dạn nắm lấy những cơ hội, chấp nhận cả những rủi ro đi kèm. Bởi chỉ khi bạn bắt tay vào thực hiện, bạn mới có thể biết được kết quả ra sao. Chưa hết, kể cả khi thất bại, bạn vẫn không hoàn toàn trắng tay nhờ những kinh nghiệm và bài học mình nhận được khi đón nhận rủi ro ấy.
2. Đừng ngại thay đổi hướng đi
Cựu nhân viên Google - Jenny Blake, tác giả của cuốn sách Pivot nổi đình đám từng nói rằng việc thay đổi hướng đi trên con đường có sẵn, mạo hiểm rẽ hướng không có gì quá đáng sợ. Bạn chỉ cần đặt bước chân của mình trên con đường mới từng bước một thật cẩn thận cho đến khi đủ trải nghiệm và kinh nghiệm để tăng tốc và bắt đầu chạy.
Tuổi 20 vẫn là giai đoạn khá sớm của cuộc đời, nếu bạn chưa ưng ý gì đó trong cuộc sống như muốn một công việc mới mẻ, đi đến vùng đất xa lạ để học hỏi hay đơn giản là đổi ngành học, hãy cứ làm đi. Nếu không một ngày nào đó của tuổi 30, khi phải "chết gục" trên bàn làm việc với thứ mình không yêu thích, chắc chắn bạn sẽ hối hận và tiếc nuối rất nhiều.
3. Ngưng so sánh mình với người khác
Áp lực đồng trang lứa là thứ có thể bóp chết bất cứ ai ở độ tuổi 20. Với những Gen Z ở thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển của MXH, áp lực ấy len lỏi trong từng ngóc ngách của cuộc sống, ép buộc họ phải nhìn, phải thấy cho bằng được những thành tựu của người khác. Và tất nhiên, không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để vượt qua thứ áp lực chỉ chực chờ dìm họ xuống như thế.
Song, so sánh bản thân với người khác là điều vô nghĩa nhất. Mỗi người sẽ có một giai đoạn "chín muồi" khác nhau, bạn không thể nào ép nó đến sớm nếu chỉ ngó sang những người xung quanh. Thay vào đó, tốt nhất bạn nên trau dồi kiến thức và trải nghiệm của bản thân để sẵn sàng tìm kiếm lấy thành tựu cho chính mình.
4. Hãy đầu tư, đừng tiêu hoang
Khi chúng ta còn trẻ, ai nấy đều muốn có một tuổi xuân vui vẻ, hừng hực sức sống trong những cuộc vui thâu đêm, suốt sáng với bạn bè. Những người 20 nghĩ rằng tiết kiệm là điều gì đó quá xa vời ở độ tuổi này. Thay vào đó họ chọn "nướng" hết tiền bạc cho quần áo theo trend, những lần ăn tiệm sang chảnh, những chiếc điện thoại đời mới… Thậm chí có người còn không ngần ngại vay nợ để sắm sanh, tiêu xài cho sướng tay.
Chắc chắn bản thân bạn không muốn năm 30 tuổi phải chật vật vì không có tiền mua nhà, không có tiền kết hôn hay áp lực, stress công việc mà không dám nghỉ vì sợ nghèo rồi đúng không? Thế nên từ bây giờ, bạn nên bắt đầu tập lên kế hoạch, mục tiêu tài chính và tiết kiệm cho chúng. "Sướng trước khổ sau", những nỗ lực cải thiện tài chính của bạn ở tuổi 20 chắc chắn sẽ đem lại trái ngọt cho cuộc sống sau này.
5. Đừng xem 30 tuổi như một đích đến đầy rủi ro
30 tuổi thực chất cũng chỉ là 365 ngày bình thường trong cuộc đời bạn. Thế nên đừng xem nặng đây phải là cột mốc để đạt được những thứ quan trọng hay ổn định cuộc sống rồi tự tạo áp lực cho bản thân.
Hãy thả lỏng, đừng cố gồng lên để chạy thật nhanh cho kịp với những đích đến mà của tuổi 30 được người ta dựng lên. Thay vào đó, bạn nên hạn chế thức khuya, sống còn với deadline, quan tâm sức khỏe nhiều hơn, dành thời gian cho những thứ mình yêu thích, xem trọng tiền bạc. Nếu có điều gì đó bạn chưa làm được, hãy nghĩ mình chỉ đang đi chậm mà chắc, xem rủi ro là trải nghiệm, xem thất bại là bài học và tiếp tục nỗ lực, cố gắng. Có như thế, năm 30 tuổi dù chưa ổn định được, bạn mới không tiếc nuối, dằn vặt.
Ảnh: Tổng hợp
NE - Kinh Doanh & Tiếp Thị
Tin nổi bật