Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Nếu ai còn nhớ đến “thần đồng" Đỗ Nhật Nam ngày nào, chắc hẳn sẽ biết người mẹ đứng sau những thành công của cậu - cô Phan Hồ Điệp. Với kinh nghiệm của một người mẹ yêu thương con và một chuyên gia giáo dục, cô Điệp nhận thấy, một số hành động sau của ba mẹ tưởng chừng vô hại nhưng lại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
1. Không kiên định
Ba mẹ không đồng ý cho con ăn kẹo. Con khóc giãy lên. Ba mẹ lại đồng ý đưa kẹo.
Khi trẻ không chịu thỏa hiệp, hay ăn vạ, nhiều ba mẹ lại dễ mềm lòng trước nước mắt và tiếng khóc thét của con. Hoặc nếu ba mẹ cứng rắn thì xung quanh không thiếu người “xót" con như ông bà, anh chị... chịu đáp ứng đòi hỏi của trẻ.
Và thế là hình thành trong trẻ một thông điệp: Muốn đạt được kết quả cần phải khóc, con cũng hiểu rằng, những gì bố mẹ nói không quan trọng vì bố mẹ có thể thay đổi.
Ảnh minh họa: Internet
Điều nên làm: Thiết lập quy tắc rõ ràng và nhất quán về những điều con được phép làm và không được phép làm, ba mẹ sẽ đáp ứng điều con muốn khi nào. Ba mẹ cần kiên định trước những đòi hỏi vô lý của con hoặc trừng phạt không dừng ở lời nói suông.
Ví dụ, ba mẹ không cho phép nhưng con ăn vạ đòi hỏi, hãy tạm thời tước đi một quyền lợi của con như: Con nhất quyết muốn ăn kẹo trước khi đi ngủ thì con sẽ không được xem TV trong 1 tuần tới hoặc không được đến khu vui chơi vào cuối tuần này (không phải lời đe dọa trống rỗng).
2. Những lời đe dọa trống rỗng
“Nếu con làm như thế, mẹ sẽ không cho con xem ti vi tối nay”; “Nếu con còn nghịch thế, mẹ sẽ không cho con đi chơi công viên”;... Và mặc dù con không thực hiện theo, ba mẹ vẫn cho con xem tivi, vẫn đưa đi công viên. Qua nhiều lần như vậy, trẻ sẽ biết ba mẹ chỉ doạ mà không làm thật. Trẻ sẽ tiếp tục có hành vi xấu vì chúng không thấy có hậu quả.
Điều nên làm: Hãy cho bé thấy hậu quả của việc mình làm chứ không phải đưa ra một lời đe doạ trống rỗng. Nếu ba mẹ đã trót nói vậy thì hãy đảm bảo thực hiện đúng để bé biết điều mình muốn không được chấp nhận. Tất nhiên, đừng gạt phăng ý muốn của con mà không có lời giải thích cho con biết vì sao con sai hay điều con muốn không được chấp nhận.
Ảnh minh hoạ: Internet
3. Đóng vai bào chữa
Nhiều bậc phụ huynh dễ dàng buông lời bào chữa như “Con mệt/ Con buồn ngủ” - khi con lười ăn; “Con còn nhỏ” - khi con làm sai; “Con đói bụng" - khi con đòi ăn gì đó trong hoàn cảnh không cho phép. Thậm chí, khi đứa trẻ làm sai và bị người khác nhắc nhở, có ba mẹ lại bảo vệ con bằng cách đổ lỗi cho “con nhỏ chưa hiểu chuyện".
Chắc chắn không thể mong trẻ sẽ có trạng thái tốt nhất ở tất cả mọi lúc: Trẻ sẽ hay đói, hay mệt mỏi và cáu kỉnh hay chưa nhận thức được hậu quả từ hành vi của mình. Nhưng nếu ba mẹ luôn bao biện cho con thì đứa trẻ đó cũng sẽ luôn đổ lỗi.
Điều nên làm: Đừng thờ ơ hay xem nhẹ khi con mắc sai lầm. Nhắc nhở ngay khi con làm điều không đúng. Điều đó giúp trẻ hình thành đức tính tốt ngay từ khi còn nhỏ.
4. Mắng
Ba mẹ nghĩ la hét, mắng mỏ con sẽ khiến con nghe lời. Song thực sự, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn và có thể gây hại cho mối quan hệ của ba mẹ với con cái.
Mắng cũng là một kiểu “bạo hành” tâm lý trẻ. Khi mắng con, ba mẹ thường ở trong trạng thái nóng giận và dễ thốt ra những lời khó nghe, làm tổn thương tâm hồn trẻ. Tệ hơn là trẻ thường xuyên bị mắng sẽ hình thành tính cách ương bướng, cọc cằn, tự thu hẹp mình và kỹ năng xã hội ngày càng kém.
Điều nên làm: Hãy nói chuyện với con bằng sự “tử tế" và “kiên quyết" để trẻ từ từ nhận thức được việc mình làm sai và cũng biết sợ trước sự nghiêm khắc của ba mẹ.
5. Đe dọa
Không ít ba mẹ trong lúc nóng giận đã nói những lời mang tính chất “đe doạ" con.
Đừng nhầm đe dọa với cảnh báo! Ví dụ khi con nói dối, ba mẹ “cảnh báo”: Con không được xem tivi vào cuối tuần. Còn “đe dọa” là: Mẹ sẽ giết con vì nói dối/ Mẹ sẽ đem con nộp cho cảnh sát/ Mẹ không nuôi con nữa, mẹ đuổi con vào rừng cho chó sói ăn thịt.
Việc đe dọa mà không có hậu quả thực tế (vì làm gì có chó sói ăn thịt chẳng hạn) sẽ làm cho trẻ càng không thực hiện những gì bạn yêu cầu. Ngoài ra đe dọa thiếu thực tế (với những đứa trẻ thông minh có thể nhận ra) khiến trẻ không sợ và càng thêm nói dối vì biết bố mẹ không thể làm như đã nói.
Điều nên làm: Thay vì đe doạ thì hãy ba mẹ hãy thực hiện một hình phạt thực tế, có tính răn đe nhưng cũng không ảnh hưởng tâm lý trẻ để con nhận thức được tính nghiêm trọng trong hành vi của mình.
Ảnh minh họa: Internet
6. Đánh
Trừng phạt thân thể dẫn đến việc trẻ thêm hung hăng, thiếu đồng cảm, bị tước mất lòng tự trọng. Trẻ bị đánh sẽ chỉ khiến chúng nghĩ cách làm thế nào tránh bị đau chứ không phải làm thế nào để học điều tốt hơn. Đánh là giải pháp KHÔNG hiệu quả cho bất cứ vấn đề nào về hành vi của trẻ.
Điều nên làm: Vũ khí có lực răn đe trẻ tốt hơn đòn roi là sự khuyên nhủ dịu dàng và ấm áp. Nhiều ông bố bà mẹ tâm lý không cần dùng đến đòn roi nhưng vẫn nuôi dạy được những đứa trẻ ngoan ngoãn, trưởng thành. Đó là bởi vì họ quan tâm đến cảm xúc của trẻ và điều khiển chúng đi đúng hướng.
7. Cười hoặc mỉm cười trước hành vi xấu của con
Đôi khi, ba mẹ cảm thấy vui khi đứa con 3 tuổi của mình nhảy lên nhảy xuống trên ghế trong nhà hàng rồi hát ầm ĩ, rồi bốc mì vứt lung tung. Nhưng cách cư xử này không vui với mọi người, nó thể hiện con không được học về quy tắc nơi công cộng.
Và khi chưa dừng được hành vi xấu, đừng cho rằng đó là điều buồn cười. Vì con sẽ tiếp tục làm thứ con thích thậm chí cố hát to hơn và phá hơn để có được nhiều tiếng cười hơn.
Điều nên làm: Ba mẹ cần phân biệt rõ ràng đâu là hành động hồn nhiên của trẻ và đâu là hành động thiếu lễ phép, quy tắc cần phải trấn chỉnh. Nếu trẻ làm sai thì đừng mỉm cười cho qua hay bào chữa hộ trẻ.
Chìa khoá của việc giáo dục trẻ đúng cách nằm ở 2 từ TỬ TẾ và KIÊN QUYẾT. Chỉ cần ghi nhớ điều này, ba mẹ sẽ là người đồng hành đáng tin cậy của con trên chặng đường trưởng thành. Trẻ sẽ trở thành em bé hạnh phúc khi có những ông bố bà mẹ thấu hiểu con cái.
Theo Chuyên gia Phan Hồ Điệp - Thu Minh
Tin nổi bật