congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

7 xu hướng chính trong ngành CNTT Viễn thông, dân công nghệ không được bỏ qua: Đứng đầu là Mobile Money và Mạng 5G

Đã xem: 52
Cập nhât: 3 năm trước
Mobile Money nếu được cấp phép triển khai trên diện rộng sẽ là một cú hích lớn đối với người sử dụng và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Báo cáo Vietnam Digital 2021, tính đến tháng 1/2021 có 154,4 triệu kết nối di động tại Việt Nam, đây được xem như thời cơ rất lớn để triển khai Mobile Money trong tương lai gần.

"Các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đạt đến mức bão hòa, khó có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao", CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết.

Khảo sát và phỏng vấn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành của Vietnam Report cho thấy, sự bão hòa của thị trường sản phẩm dịch vụ truyền thống đang mở ra những cơ hội mới đối với các xu hướng mới nổi trên thị trường.

Nhận định chung trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia công nghệ tham gia phỏng vấn của Vietnam Report cho rằng ngành công nghệ thông tin – viễn thông (ICT) sẽ nổi lên một số xu hướng trong giai đoạn bình thường tiếp theo.

Mobile Money và mạng viễn thông 5G

Đây được xem là xu hướng quan trọng ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của doanh nghiệp ICT. Mobile Money nếu được cấp phép triển khai trên diện rộng sẽ là một cú hích lớn đối với người sử dụng và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Báo cáo Vietnam Digital 2021, tính đến tháng 1/2021 có 154,4 triệu kết nối di động tại Việt Nam, đây được xem như thời cơ rất lớn để triển khai Mobile Money trong tương lai gần.

Khi đó mọi vấn đề liên quan đến chuyển khoản, mua bán và cho vay thậm chí soát xét hồ sơ tín dụng cũng sẽ được rút ngắn thời gian đáng kể khi triển khai Mobile Money, tuy nhiên cần phải có những quy chế toàn diện để tránh vai trò chồng chéo giữa các ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money trong tương lai.

Trong khi đó, sự phát triển của mạng 5G được đánh giá là động lực phát triển mới cho CNTT-VT. Mạng 5G là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả trên diện rộng. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu.

Theo GSMA Intelligence, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ chiếm khoảng 5% tổng số lượng thuê bao di động trong năm 2025. Mặt khác, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm từ năm 2025. Hiện Viettel, VNPT và MobiFone là các nhà mạng đang thử nghiệm 5G, dự kiến trong năm 2021 sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Dữ liệu khảo sát và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report đều cho thấy rằng, một trong những điều mà AI làm tốt nhất trong hiện tại và tương lai vài năm tới đó chính là giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong thế giới phẳng, gần như những rào cản và khoảng cách về chất lượng sản phẩm giữa các đơn vị cung cấp không còn quá cách biệt. Khi đó, chính trải nghiệm khách hàng là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh và danh sách khách hàng trung thành của một doanh nghiệp. AI là công cụ đắc lực nhất để làm được điều này, AI sẽ giúp doanh nghiệp biết khách hàng của mình, hiểu họ là ai và họ muốn gì đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Điện toán đám mây (Cloud computing)

Trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi và có sự liên kết giữa các bên, tại đó dữ liệu cần được phân tích và xử lý nhanh chóng, chính xác thì những chuẩn mực doanh nghiệp cũ đã trở nên lỗi thời. Việc chuyển dịch và nâng cấp lên điện toán đám mây (Cloud Transformation) bản chất là chuyển đổi các hệ thống lỗi thời (các nền tảng cũ như IBM Lotus Note) thành điện toán đám mây (như Office 365), hay thay thế tài nguyên xử lý từ trung tâm dữ liệu hiện có, bằng tài nguyên trên các nền tảng điện toán đám mây (Amazon Web Services, hay Microsoft Azure…), sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, tăng tiềm năng phát triển, và tìm kiếm được những nguồn vốn mới. Nhận dạng và sử dụng một cách tối ưu các cơ hội như điện toán đám mây để có thể dẫn trước đối thủ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới.

Xu hướng công nghệ trên Mobile Web

Xu hướng mobile được đánh giá là sẽ thống trị ngành công nghệ trong vài năm tới, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho những hệ thống thương mại điện tử phải nhanh chóng cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất nhằm tăng cường trải nghiệm cho người dùng trên mobile, đặc biệt là mobile web. Theo số liệu thống kê của Google, 80% người dùng smartphone có khả năng chốt đơn cao từ các công ty có ứng dụng dành cho thiết bị di động. Đây chính là cơ hội cho các hệ thống thương mại điện tử lớn tăng trải nghiệm người dùng khi tiến hành đặt hàng hay thanh toán trực tuyến trên mobile web.

Thị trường Internet băng thông rộng cố định

Thị trường Internet băng thông rộng cố định (cáp quang) tại Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Số lượng thuê bao Internet băng rộng cố định đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, tính đến hết tháng 11/2020 tổng số thuê bao đã lên tới hơn 16,5 triệu. Tính bình quân trong giai đoạn 2016-2020, thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng 15%/năm, thuê bao băng rộng di động tăng 22%/năm. Tiềm năng, dư địa để Internet băng rộng cố định phát triển được đánh giá là vẫn còn lớn khi mà tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định của Việt Nam hiện khoảng 17,2 thuê bao/100 dân, tương đối thấp so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khoảng 23 thuê bao/100 dân.

Việc ban hành "Chương trình chuyển đổi số quốc gia" của Chính phủ với nhiều mục tiêu phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, trong đó, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu "Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang" đến toàn dân là tiền đề rất tốt để phát triển thị trường Internet băng thông rộng ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thoại, tin nhắn liên tục suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận thì Internet băng rộng cố định được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm tựa vững chắc cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.

Làm việc ở mọi nơi (Anywhere Operations)

Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong đại dịch COVID-19. Về cốt lõi, mô hình hoạt động này cho phép doanh nghiệp được truy cập, phân phối và làm việc ở bất kỳ đâu - bất cứ nơi nào khách hàng, nhà tuyển dụng và đối tác kinh doanh hoạt động trong môi trường thực tế từ xa. Nó không chỉ đơn giản là làm việc tại nhà hoặc tương tác với khách hàng ảo - nó còn mang lại trải nghiệm gia tăng giá trị độc đáo trên 5 lĩnh vực cốt lõi: cộng tác và năng suất, truy cập từ xa an toàn, cơ sở hạ tầng đám mây, định lượng trải nghiệm kỹ thuật số và tự động hóa để hỗ trợ từ xa các hoạt động.

Thuê ngoài (Outsourcing)

Outsourcing từ trước đến nay vẫn luôn là một nguồn thu ổn định cho các doanh nghiệp IT, tạo được sự ổn định về nhân lực cũng như giúp công ty có thể nhanh chóng có được một đội ngũ kỹ sư phần mềm với tay nghề giỏi. Các chuyên gia tham gia phỏng vấn với Vietnam Report đều chung nhận định trong bối cảnh nguồn cung tại các thủ phủ Outsourcing thế giới như Ấn Độ đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch, nên Outsourcing trong ngắn hạn được dự đoán sẽ bùng nổ.

Bình An - Kinh Doanh & Tiếp Thị

Đăng bởi Hải Lý 23-07-2021 52

Chuyên mục:
Các bài viết liên qua đến 7 xu hướng chính trong ngành CNTT Viễn thông, dân công nghệ không được bỏ qua: Đứng đầu là Mobile Money và Mạng 5G

Tin nổi bật