Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Có thể bạn đã biết đến Jeanne Calment, người phụ nữ Pháp sống thọ nhất thế giới. Bà Calment sinh năm 1875 và mất vào năm 1997, thọ 122 tuổi 164 ngày. Một điều thú vị trong cuộc đời Calment là bà đã sống qua cả hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1850-1914) và lần thứ ba (1969-1997).
Đây là giai đoạn lịch sử mà con người chứng kiến nhiều thành tựu công nghệ nhất. Ở thời điểm mà Calment được sinh ra, thế giới còn chưa phát minh ra đài radio. Nhưng 122 năm sau, đã có khoảng 70 triệu người dùng internet biết tin khi bà mất.
Jeanne Calment, người phụ nữ "trúng số" trong gen chỉ cai thuốc lá vào năm 117 tuổi. Sau đó, bà sống thêm 5 năm nữa và trở thành người thọ nhất thế giới cho tới thời điểm hiện tại.
Kể từ đó tới nay đã gần một phần tư thế kỷ trôi qua, con người đã đạt được thêm nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực y học. Chúng ta cũng đã bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng để tìm ra một người có thể đánh bại kỷ lục tuổi thọ của Jeanne Calment thì vẫn chưa có.
Người lớn tuổi nhất thế giới còn sống đến thời điểm hiện tại là Kane Tanaka, một phụ nữ ở Nhật Bản đã 118 tuổi 273 ngày. Nhưng các thống kê trong tập hợp những người sống siêu thọ cho thấy ở độ tuổi 118, bà Tanaka chỉ có 0,001% cơ hội vượt qua được kỷ lục của Calment.
Vậy còn cơ hội của chính bạn thì sao? Đã bao giờ bạn nghĩ mình cũng có thể gia nhập vào câu lạc bộ những người sống siêu thọ, và thậm chí trở thành người cao tuổi nhất thế giới?
Câu lạc bộ những người sống siêu thọ
Những người sống siêu thọ được định nghĩa là những người đã sống trên 110 tuổi. Cứ 1.000 người sống trên 100 tuổi thì mới có 1 người tiếp tục sống được đến độ tuổi siêu thọ này.
Một đặc điểm chung của những người siêu thọ là họ không bị mắc các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như bệnh tim mạch, ung thư hay tiểu đường. Trong trường hợp của Jeanne Calment, bà ấy đã hút thuốc lá cho đến tận năm 117 tuổi mà không bị ung thư phổi.
Những người sống siêu thọ vì vậy đều được cho là đã thắng trò chơi xổ số trong gen kể từ khi sinh ra. Đa số họ sẽ không chết vì bệnh tật, mà chỉ tử vong tự nhiên khi đã chạm đến ngưỡng tối đa của tuổi thọ con người.
Tuổi thọ tối đa được định nghĩa là tuổi thọ trung bình của 10% dân số sống thọ nhất thế giới. Trên khía cạnh sinh học, nó được cho là dấu mốc mà các tế bào trong cơ thể đã đạt tới số lần phân bào tối đa, không thể nhân lên thay thế các tế bào đã chết đi vì lão hóa được nữa.
Lúc này, các cơ quan nội tạng của bạn sẽ xuống cấp trầm trọng. Mức độ hấp thụ oxy tối đa (VO2 max) cũng đã giảm xuống dưới ngưỡng tạo ra được quá trình trao đổi chất cơ bản để duy trì sự sống. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải nói lời từ biệt thế giới.
Bà Kane Tanaka ở Nhật Bản hiện đã 118 tuổi. Thống kê cho thấy bà có 0,001% cơ hội vượt qua được tuổi thọ kỷ lục của bà Calment trong 4 năm tới.
Có hay không giới hạn tuổi thọ con người?
Theo một nghiên cứu năm 2018, có một cột mốc giới hạn tuổi thọ tối đa của con người. Con số đó ngày nay là 115 tuổi. Các nhà khoa học đến từ Đại học Y Albert Einstein, Hoa Kỳ đã phân tích dữ liệu nhân khẩu học từ 41 quốc gia trên thế giới và thấy mặc dù tuổi thọ trung bình của thế giới liên tục tăng trong những năm qua, nhưng số lượng người sống đến hơn 110 tuổi thì gần như không hề thay đổi.
Kể từ năm 1995 tới nay, lúc nào thế giới cũng chỉ có từ 300-450 người sống siêu thọ. Trong số đó chỉ có dưới 10 người vượt qua được cột mốc 115 tuổi. Đây được cho là những người đột phá hi hữu, giống như trường hợp của bà Calment.
Sử dụng mô hình tính toán, các tác giả nghiên cứu cho rằng phải hơn 10.000 năm nữa, chúng ta mới có thể tìm được một người hi hữu sống tới 125 tuổi.
Nhưng một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Royal Society Open Science ngày 29 tháng 9 lại cho thấy không hề có một cột mốc nào giới hạn tuổi thọ của chúng ta. Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ. Trong đó, họ đã phân tích hai tập dữ liệu gồm hơn 5.000 người sống siêu thọ đến từ 13 quốc gia trên khắp thế giới.
Kết quả cho thấy dấu mốc 115 không phải là tuổi thọ giới hạn của con người. Thay vào đó, bất kỳ ai cũng có thể sống tới 130 tuổi, và thậm chí còn lâu hơn nữa nếu ngoại suy các kết quả thống kê có được cho tới thời điểm này.
"Nghiên cứu của chúng tôi là sự kết hợp các thống kê giá trị cực đoan, phân tích tỷ lệ sống sót với các phương pháp sử dụng máy tính chuyên sâu", các nhà khoa học viết. "Bất kỳ nghiên cứu nào về tuổi thọ cực hiếm, dù là trên phương diện thống kê hay sinh học, đều sẽ liên quan đến phép ngoại suy".
Các dữ liệu hiện có không hề cho thấy có một giới hạn tuổi thọ ở ngưỡng dưới 130. "Nếu nó thực sự tồn tại, chúng tôi đã có thể phát hiện ra nó bằng các dữ liệu hiện có", giáo sư thống kê học Anthony Davison, tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Người đàn ông thọ nhất thế giới, Jiroemon Kimura (Nhật Bản), sinh năm 1897 mất năm 2013, thọ 116 tuổi 54 ngày.
Mỗi người chúng ta có bao nhiêu % cơ hội sống đến năm 130 tuổi?
Một phần thú vị trong nghiên cứu của giáo sư Davison là ông đã sử dụng mô hình ước tính tỷ lệ tử vong Gompertz, đặt theo tên nhà toán học người Anh Benjamin Gompertz, người đã phát hiện ra một hàm tính tỷ lệ tử vong rất chính xác trong độ tuổi từ 30-80.
Theo hàm của Gompertz, tỷ lệ tử vong của tất cả chúng ta sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 8 năm. Nhưng điều này chỉ đúng đến năm bạn 80 tuổi. Các thống kê sau này cho thấy càng lớn tuổi, mức tăng tỷ lệ tử vong càng giảm và nó sẽ chững lại khi bạn đạt tới cột mốc siêu thọ.
Điều này được cho là vì ở tuổi 80-90, tỷ lệ tử vong của người già đã đạt tới cực điểm. Đây là độ tuổi lọc ra những người có sức khỏe kém, những người có nguy cơ cao mắc các bệnh phổi, ung thư và đột quỵ.
Vượt qua mốc tuổi đó và bước lên cột mốc siêu thọ, sẽ chỉ còn lại những người có gen tốt nhất và tỷ lệ tử vong của họ bắt đầu chững lại. Trong nghiên cứu của giáo sư Davison, ông phát hiện ra những người sống qua cột mốc 108 tuổi sẽ có tỷ lệ tử vong trong mỗi năm tiếp theo là 50%.
Theo hàm của Gompertz, tỷ lệ tử vong của tất cả chúng ta sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 8 năm từ năm 30-80 tuổi. Nhưng tới năm 108 tuổi, con số sẽ chỉ còn là một hằng số.
"Ngoài 110 tuổi, người ta có thể nghĩ sống thêm được một năm nữa giống như tung một đồng xu đồng chất hoàn hảo. Nếu nó ngửa, bạn sẽ sống cho tới tận sinh nhật tiếp theo của mình. Nếu nó sấp, bạn sẽ chết vào một thời điểm nào đó trong năm tới", giáo sư Davison nói.
Xác suất 50/50 này cũng từng được tìm thấy trong một nghiên cứu trước đây trên 4.000 người Ý sống qua tuổi 105, hay còn gọi là cột mốc bán siêu thọ. Các nhà khoa học cho biết càng cao tuổi, xác suất sống sót của những người sống bán siêu thọ càng tăng, và nó cũng sẽ chững lại ở 0,5/năm khi họ đạt cột mốc siêu thọ.
Bây giờ, chúng ta có một phép tính đơn giản. Giả sử bạn đã sống tới tuổi 110 và muốn biết mình có bao nhiêu % khả năng sống tới năm 130 tuổi, hãy lấy 0,5 nhân với chính nó 20 lần. Chúng ta có 0,5^20= 0,00000095.
Đó là xác suất 1/1.000.000, giáo sư Davison cho biết. "Không phải là không thể, nhưng vẫn rất khó xảy ra", ông nói.
Để hoàn thiện phép tính cuối cùng, chúng ta còn phải biết mình có bao nhiêu cơ hội sống tới năm 110 tuổi? Theo các thống kê cứ 100.000 phụ nữ thì có 2 người sống tới tuổi 110. Điều đó có nghĩa là xác suất một phụ nữ sống tới tuổi 130 là 0,00002*0,000001= 0,00000000002 (2 phần 100 tỷ).
Con số tương ứng ở nam giới thậm chí còn nhỏ hơn gấp 10 lần (2 phần 1.000 tỷ), bởi cứ 1.000.000 người đàn ông mới có 2 người sống tới độ tuổi siêu thọ. Điều này cũng phản ánh đúng danh sách những người sống siêu thọ hiện tại có tới 9/10 là phụ nữ.
Thống kê cho thấy ngày càng có nhiều người sống hơn 100 tuổi. Điều đó có nghĩa là cơ hội để có ai đó đạt tới cột mốc siêu thọ và phá vỡ kỷ lục của bà Calment ngày càng tăng.
Tuy nhiên, xác suất nhỏ không phải là không thể xảy ra. Giáo sư Davison hi vọng trong vòng 80 năm tới, chúng ta sẽ có được những tiến bộ lớn về mặt y tế và chăm sóc xã hội để tăng số lượng người lọt được vào câu lạc bộ sống siêu thọ.
Càng có nhiều người vượt qua cột mốc 110 tuổi, sẽ càng có nhiều cơ hội cho một trong số họ đạt tới cột mốc 130, dẫu cơ hội chỉ là 1 phần triệu. Giáo sư Davison đặt cược rằng một người sống tới 130 tuổi rất có thể sẽ xuất hiện trong thế kỷ 21 này, người sẽ phá vỡ kỷ lục của bà Calment thiết lập trong thế kỷ trước.
Thanh Long
Tin nổi bật