Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ
Làm thế nào để bạn được coi trọng và đánh giá cao? HR Insider sẽ bật mí với bạn những cụm từ nào nên tránh trong các cuộc trò chuyện với người quản lý trực tiếp của bạn
"Điều đó không thể thực hiện được"
Đây là một câu nói mà không nhà quản lý nào muốn nghe từ miệng nhân viên của mình.
Khi chúng ta thực sự muốn thực hiện một điều gì đó thì chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ ra cách để hoàn thành nó. Khi bắt tay vào thực hiện thì giải pháp mới thực sự xuất hiện, đó mới chính là chìa khóa cho sự đổi mới chứ không phải sự dập tắt nỗ lực từ ban đầu.
"Chúng ta đã luôn luôn làm theo cách này"
Các nhà quản lý thường muốn nhân viên của mình tham gia vào cuộc đối thoại cởi mở. Tuy nhiên, cụm từ "Chúng ta đã luôn luôn làm theo cách này" là một điều các sếp thực sự không thích nghe. Cụm từ này trái ngược với các giá trị của một nền văn hoá làm việc cộng tác và cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến để thay đổi cho tốt hơn.
"Nếu tôi không được tăng lương, tôi sẽ nghỉ việc"
Bạn không nên đe dọa người quản lý của bạn cho dù bạn có thể nghĩ rằng việc này sẽ thành công. Sếp bạn cũng có thể nghĩ rằng: Okay, nếu bạn muốn thì bạn cứ việc nghỉ việc. Rõ ràng bạn sẽ gặp bất lợi trong tình thế này, vì vậy hãy thận trọng và khôn khéo trong cách ứng xử để không phải hối hận khi hành động thiếu khôn ngoan.
"Tôi đã quyết định thay đổi một công việc mới vì tôi không hài lòng với công việc ở đây"
Nếu không tìm thấy niềm vui và tương lai trong công việc, đừng vội trách móc người quản lý của bạn vì có thể do chính bạn chưa nỗ lực và cởi mở với họ. Sẽ rất không công bằng nếu bạn không cho người quản lý cơ hội sửa chữa vấn đề hoặc giúp nhân viên tìm ra vai trò mới trong tổ chức.
Điều quan trọng là phải cho ông chủ của bạn có cơ hội làm mọi thứ để đáp ứng nhu cầu của bạn trước khi bạn quyết định từ bỏ công việc. Hầu hết các nhà quản lý cũng muốn nhân viên của mình chia sẻ những vấn đề của họ sớm hơn trước khi đi đến quyết định bỏ việc.
"Tôi bị quá tải trong công việc"
Dù bạn gắn bó với nơi làm việc và tỏ ra thân thiết với nhà quản lý của mình nhưng cũng đừng vì thể mà tỏ ra thiếu chuyên nghiệp trong cách ứng xử của mình, bởi vì họ vẫn là giám sát của bạn và nơi làm việc cũng cần có sự nghiêm túc. Nếu trễ deadline hay bị quá tải, hãy tự tìm cách sắp xếp để hoàn thành đúng trách nhiệm được giao thay vì phàn nàn với sếp.
"Tôi nên làm gì?"
Khi gặp bất cứ vấn đề nào cần hỏi người quản lý, bạn hãy tìm hiểu kỹ những gì cần hỏi hoặc tìm trước những giải pháp để trình bày với các sếp chứ không nên hỏi họ rằng bạn nên làm gì.
"Chúng ta đã không đạt được mục tiêu bởi vì …"
Biện hộ sẽ không giúp bạn có được bất cứ thứ gì mà bạn muốn. Câu này thường xuất phát từ các công ty hoặc nhân viên thất bại, và họ thường đổ lỗi cho sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, thời tiết, tính thời vụ và một danh sách các lý do khác. Hãy giải quyết các vấn đề ngay khi bạn nhận ra chúng, thay vì đợi đến khi thất bại mới viện lý do.
"Tôi chán!"
Một người quản lý có thể thấy sự ‘buồn chán’ của bạn trong công việc và họ sẵn sàng gửi một lá thư cảnh báo rằng bạn đang kéo tinh thần cả đội đi xuống. Nếu bạn đang gặp một vấn đề nào đó khiến bạn cảm thấy chán, hãy học cách tìm ra giải pháp và đưa ra ý kiến cải tiến công việc cho người quản lý để nhờ sự hỗ trợ từ họ. Biết đâu nó sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn và bạn sẽ nhận được sự đánh giá cao từ họ.
"Tôi không muốn làm việc cùng anh ấy/cô ấy"
Mâu thuẫn cá nhân là điều không tránh khỏi ở nơi làm việc, nhưng đừng nói với sếp của bạn rằng bạn không thể làm việc với ai đó trong tổ chức, mà điều quan trọng trước tiên bạn cần làm là giải quyết xung đột.
Nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng khi bị quấy rối ở nơi làm việc, hãy báo cáo với bộ phận nhân sự của công ty để được hỗ trợ. Nhưng nếu chỉ do cảm tính không thích đồng nghiệp của bạn, đừng dựa vào sếp để làm trọng tài và khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn.
Điều này làm cho các nhà lãnh đạo gặp khó khăn. Họ sẽ nghĩ bạn đang đưa ra yêu sách: Người đó và tôi, anh chọn ai? Nếu làm điều đó, bạn đã đặt mình vào nguy cơ bị mất việc. Thay vào đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu về những người bạn cùng làm việc – có thể là về cá nhân, sở thích của họ để tìm ra những điểm chung giúp làm việc tốt hơn, điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn. Bạn có thể làm việc với bất cứ ai nếu bạn học cách giao tiếp có hiệu quả.
"Ôi trời ơi, sẽ có nhiều việc để làm lắm đấy!"
Không ai muốn có những người nhân viên luôn than phiền. Các nhà quản lý mong đợi thái độ tích cực từ nhân viên của họ hơn là những lời than phiền, bởi vì đây là công việc của họ và họ được trả lương để làm công việc này.
"Đó không phải là công việc của tôi"
Tuyệt đối đừng nói điều này nếu bạn không muốn đặt sếp trong tình trạng khó xử khi yêu cầu bạn làm điều gì đó. Ngay cả khi nó không phải là công việc của bạn, nhà quản lý vẫn không muốn nghe bạn thẳng thắn từ chối. Bạn có thể bị kiệt sức vì làm quá nhiều công việc nhưng câu nói này là điều không thể chấp nhận được từ góc độ quản lý. Nghe có vẻ khó khăn, nhưng điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và tinh thần không hợp tác trong công việc.
Ngay cả khi một nhiệm vụ đó không phải là một phần công việc của bạn, hãy giữ một thái độ cởi mở. Điều quan trọng khi làm việc tập thể là sự cân bằng, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành một công ty mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Điều quan trọng là nhân viên có thể "xắn tay áo" sẵn sàng tham gia bất cứ việc gì, ngay cả khi việc đó có thể khác một chút so với công việc hàng ngày của họ.
(Theo Business Insider)
HR Insider
Tin nổi bật