congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Từ vụ MB24: Đừng nghĩ 'Làm giàu không khó'

Đã xem: 1,727
Cập nhât: 12 năm trước
Từ những lá đơn tố cáo gian hàng online đa cấp ở Bình Dương Hàng chục lao động Bình Dương đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của công ty Đ.H.P, mời gọi nhiều người đóng phí mở gian hàng ảo trên mạng với điều kiện hấp dẫn, nhưng không thể rút lại tiền khi ngừng tham gia.Vào tháng 2, chị Trương Thị Hường (23 tuổi, quê ở Nghệ An) đã tìm đến xin làm

Từ những lá đơn tố cáo gian hàng online đa cấp ở Bình Dương

Hàng chục lao động Bình Dương đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của công ty Đ.H.P, mời gọi nhiều người đóng phí mở gian hàng ảo trên mạng với điều kiện hấp dẫn, nhưng không thể rút lại tiền khi ngừng tham gia.

Vào tháng 2, chị Trương Thị Hường (23 tuổi, quê ở Nghệ An) đã tìm đến xin làm sau khi xem thông tin công ty Đ.H.P tuyển dụng với điều kiện hấp dẫn như không bị gò bó thời gian, thu nhập 5 triệu đồng một tháng.

"Ngày đầu đến công ty phỏng vấn tôi bất ngờ khi được giám đốc giới thiệu về một đề án với số vốn điều lệ hơn chục tỷ đồng để phát triển hệ thống thương mại điện tử của công ty. Tôi tin tưởng đây sẽ là cơ hội kiếm được thu nhập ổn định cho mình", chị Hường nói.

Điều kiện để trở thành "nhân viên" cho công ty là phải đóng 2,8 triệu đồng. Công ty giải thích đó là lợi phí để trở thành hội viên, đồng thời được mở gian hàng trên mạng. Sau khi đóng 2,8 triệu đồng sẽ được công ty quy đổi cứ 10.000 đồng được 1T tiền điện tử, người mới gia nhập như Hường sẽ có 280T và được lập một gian hàng trên mạng.

Nhân viên phát triển thêm hội viên sẽ được trích lại hoa hồng 600.000 đồng, còn giới thiệu người mở trang web với chi phí 6 triệu đồng thì được hưởng 1,5 triệu đồng. Trong trường hợp nhân viên ngừng làm việc muốn rút tiền lại, công ty hứa thì chỉ tốn 100.000 đồng tiền làm thẻ. Ngoài ra, công ty còn đưa ra nhiều chính sách khuyến khích tương tự việc bán hàng đa cấp như phân loại nhân viên theo thứ bậc từ VIP một đến VIP 8 với nhiều ưu đãi; hay thẻ cấp thẻ đa năng, giảm giá khi mua hàng, du lịch miễn phí…

Một cựu nhân Đ.H.P đóng 2,8 triệu đồng mở gian hàng lần đầu và được công ty cấp chứng nhận ngày 15/2 . Kể từ khi vào làm nhân viên, chị chỉ có nhiệm vụ đi mời gọi những người khác tham gia mở sàn để hưởng hoa hồng, mà không có bất kỳ giao dịch mua bán nào khác. Còn chị Hường đến nay đã giới thiệu được 20 người tham gia, ngoài ra còn giới thiệu thêm 28 người khác cùng tham gia đóng tiền mở gian hàng "sàn giao dịch".

Nạn nhân MB24 kêu cứu
Anh Lâm Văn Hợp cũng tham gia và giới thiệu cho 14 người khác cùng "sa bẫy" như mình. Một trong những nhân viên được cho là có "năng lực" là anh Lê Văn Quý đã giúp Đ.H.P "tuyển dụng"
được 50 người tham gia sàn với số tiền lệ phí đóng vào theo quy định được 140 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều “nhân viên” cũng tích cực mở trang web đóng mức phí thêm 6 triệu đồng cho công ty.

Trong ngày 10/7, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã tiếp xúc với nhóm cựu nhân viên tố cáo bị công ty này tung “kịch bản” bán hàng đa cấp trên mạng dưới hình thức mở sàn, gian hàng ảo để chiếm đoạt tiền. Bằng chứng sau khi không làm việc nữa họ yêu cầu công ty trả lại phí nhưng không được giải quyết.

Trong khi đó, ông Đậu Văn Từ, nguyên giám đốc Chi nhánh Công ty Đ.H.P tại Bình Dương cho hay, do đã chuyển công tác sang trang thương mại điện tử khác cũng có mô hình kinh doanh tương tự như Đ.H.P nên việc nói về công ty cũ là không tiện.

"Thương mại điện tử thực chất là như cái chợ ai muốn mua thì vào mua. Ở đây chúng tôi bán hàng nghìn sản phẩm. Riêng những người đóng lợi phí là khoản tiền nằm trong hợp đồng với công ty. Công ty có trách nhiệm thiết kế gian hàng trên mạng cho họ là nhằm để bán hàng cho công ty hoặc sản phẩm của cá nhân", ông Từ nói.

Ông Từ giải thích thêm, việc nhân viên không muốn tham gia nữa nay xin rút lại không được giải quyết do làm chưa đủ thời gian. "Nếu làm đủ thì sẽ hoàn trả lại tiền, thậm chí còn hưởng nhiều ưu đãi khác", ông quả quyết.

Sau khi bài báo được đăng tin, có khá nhiều nạn nhân cũng đã chia sẻ mình từng bị lừa bởi các chợ thương mại điện tử. Và từ đó, vụ MB24 bắt đầu bị phanh phui.

Hàng loạt các nạn nhân của MB24 kêu cứu

Lên Hà Nội học liên thông đại học, Duy (Quảng Ninh) quen với một người bạn cùng lớp tên Chinh. Vốn thích tự lập, lại được Chinh giới thiệu với Công ty thương mại điện tử Tâm Mặt trời, nay đổi tên thành MB24, Duy tham gia ngay với ảo vọng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Lần đầu đến thăm công ty, Duy thấy rất nhiều người trẻ tuổi ăn mặc lịch sự. Họ giảng giải cho Duy về mô hình kinh doanh rồi kêu hãy nắm bắt cơ hội, còn rất nhiều người đang muốn tham gia. Họ bảo nhanh mà vào trước, Duy sẽ có cơ hội đứng trên người khác nên tiền hoa hồng sẽ rất lớn. Mua một gian hàng, Duy mất 5,2 triệu đồng, còn giới thiệu được một người, cậu được hưởng 1,5 triệu. Cứ như vậy, theo mô hình cây, Duy được hứa hẹn kiếm được cả trăm triệu mỗi tháng khi đã tạo được mạng lưới dưới mình.

Nghe lời họ, Duy mang chiếc máy tính xách tay mới mua đi cầm đồ rồi mở 3 gian hàng. Nhưng sau vài ngày thấy gian hàng “dậm chân tại chỗ”, không có ai mua thêm dưới mình, Duy hoang mang.

Đến hạn chuộc máy tính, Duy đành tích cực đi mời bạn bè tham gia để gỡ gạc tiền hoa hồng. Sau vài lần thất bại, Duy cũng rủ được cậu bạn cùng lớp. “Cậu bạn em cũng mất trên chục triệu đồng, mỗi lần gặp lại thấy ngại quá”, Duy tâm sự.

Cậu sinh viên chia sẻ, ngày đó, để có tiền chuộc laptop, phải bỏ học nửa tháng lên công trình thủy điện trên Sơn La làm phiên dịch tiếng Trung. Khi về, Duy suýt không được thi mà phải học lại. “Em không dám nói với bố mẹ vì chắc các cụ chết mất, nếu được cảnh báo sớm, em đã không mắc lừa như vậy”, Duy nói.

Một nạn nhân của BM24
Một nạn nhân khác là anh Hưng (Vĩnh Phúc) cho biết cũng đầu tư 60 triệu đồng vào gian hàng điện tử online của MB24. Đến nay, số tiền “mắc kẹt” tại đó, muốn rút ra không được, để kinh doanh cũng không ai mua. “Ai giúp tôi lấy lại, tôi xin làm từ thiện 20 triệu đồng”, anh Hưng chia sẻ.

Sau khi mất cả chục triệu đồng vào gian hàng điện tử đa cấp, anh Tiến ở TP HCM tìm hiểu mới biết nhiều người cũng rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” như mình. Anh Tiến đặt câu hỏi: vai trò của các cơ quan chức năng ở đây khi để nhiều người tiêu dùng sa bẫy như vậy?

“Hóa ra không phải mình tôi là nạn nhân, một mô hình kinh doanh online chẳng phải để buôn bán hàng hóa, mở ra chủ yếu để lôi kéo thành viên để thu phí, sao lại được phép hoạt động. Nhiều người bị lừa mà sao không có cơ quan chức năng nào vào cuộc”, anh Tiến băn khoăn.

Anh Đào Việt B., một thành viên tham gia hệ thống muaban24 từ khi thành lập chi nhánh tại Hải Phòng cho biết, chi nhánh được thành lập từ đầu tháng 5.2012, đến nay, số thành viên lên đến hơn 1.000 người.

Số lượng người tham gia ngày càng nhiều trước những lợi nhuận muaban24 hứa sẽ đem lại khi gia nhập hệ thống. Người tham gia gồm đủ các thành phần, trong đó có sinh viên và những người đã có công việc ổn định. Theo anh B, xác định Hải Phòng là thị trường tiềm năng, công ty đã phát triển thêm 2 chi nhánh tại An Lão và Thủy Nguyên để mở rộng mạng lưới hội viên.

Với việc hứa hẹn sẽ kiếm hơn trăm triệu đồng/tháng, nhiều người nhanh chóng mắc lừa để trở thành thành viên của hệ thống muaban24 tại Hải Phòng. Họ sẵn sàng đi vay lãi, cầm cố đồ vật, hay bỏ cả công việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp để tham gia không những 1 gian hàng, mà còn tham gia từ 5 đến 7 gian, thậm chí hàng chục gian với mong muốn nhanh chóng kiếm lời.

Một nạn nhân của muaban24, chị Lê Thị P. (phường Lộc Hạ, Tp. Nam Định) cho biết: chị mua một gian hàng ảo của muaban24 với giá 5,2 triệu đồng. Muốn có tiền thưởng, chị phải rủ rê, lôi kéo mời được người khác mua gian hàng.

Tuy nhiên, chị chưa rủ được ai, nên qua mấy tháng tham gia, chị không thu lời được đồng nào. Lãnh đạo chi nhánh cho chị biết nếu tự ý bỏ, sẽ không được hoàn tiền mua gian hàng. Như vậy, chị P. đã mất không 5,2 triệu đồng.

Phiếu thu của BM24
Chị Tuyền (28 tuổi, ngụ Tân Thuận Đông, Q.7) trước đây là nhân viên xử lý dữ liệu nhưng cũng đọc được tuyển dụng của Muaban24 với mức lương hấp dẫn nên nộp hồ sơ cùng đợt với Quỳnh. Tuyền cho biết, có khoảng 30 người nộp vào Muaban24 TP.HCM đợt với chị nhưng sau đó họ rơi rụng dần vì không chịu được cách kinh doanh mới mẻ và buôn bọt nước miếng, buôn dưa lê cả ngày này.

“Nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn cũng là tụi em. Nhiều khi nói cũng mệt lắm. Công ty thì keo kiệt đến mức mẫu giấy A4 cũng phải do nhân viên tự lo. Ăn uống, xăng cộ, điện thoại… cũng phải tự lo. Sếp đưa đi công tác tỉnh, không kéo được nhiều hội viên là đùng đùng bỏ về. Tụi em về đến TPHCM là 2h sáng…”. Tuyền kể. Cũng như Quỳnh, Tuyền bỏ tiền ra mua một gian hàng ảo. “Em xin tiền của ba mẹ đó. Họ vảo bỏ tiền mua nhiều gian hàng thì nhanh lên vip. May mà em không có điều kiện, chứ có thì em đã mua nhiều”, Tuyền kể.

Quỳnh, Tuyền là những người ít ỏi có phiếu thu khi đóng tiền mua gian hàng. Còn với những người khác, công ty không xuất phiếu thu vì “làm bằng niềm tin, cần gì phiếu thu”. Làm một thời gian ngắn, thấy công ty này “kỳ kỳ” nên cả hai đã “bỏ của chạy lấy người”.

Các sai phạm của Muaban24

Sau khi bị khai trừ khỏi Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và nhiều đối tượng liên quan đã bị bắt thì nhiều ý kiến thắc mắc ngoài tội danh “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” thì Muaban24 còn phải chịu trách nhiệm tội dnah nào khác? Theo luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) dưới góc nhìn pháp lý về vụ án này thì hành vi của những đối tượng trong đường dây Muaban24 còn có dấu hiệu tội phạm của “Tội kinh doanh trái phép” và “Tội trốn thuế” quy định tại các Điều 159, Điều 161 BLHS. Cụ thể:

MB24
Thứ nhất: Đối với “Tội kinh doanh trái phép”, hành vi khách quan được mô tả tại Khoản 1 Điều 159 như sau:

“Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm…”

Trường hợp kinh doanh của Muaban24 thuộc trường hợp kinh doanh không có giấy phép. Với những thông tin mà báo chí đăng tải tôi được biết Website Muaban24.vn của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến tự xưng là “Sàn giao dịch thương mại điện tử” nhưng chưa hề được cấp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này.

Việc Muaban24 không được cơ quan chức năng xác nhận đăng ký “Sàn giao dich thương mại điện tử” nhưng vẫn tiến hành kinh doanh, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng thì đây rõ ràng là việc kinh doanh không có giấy phép.

Thứ hai: Đối với “Tội trốn thuế” quy định tại Điều 161 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009):

Trong vụ án Muaban24, các cá nhân có liên quan có dấu hiệu dùng rất nhiều thủ đoạn để trốn thuế như: Bán gian hàng ảo cho hội viên thu tiền mặt nhưng không lập hóa đơn chứng từ, với việc không lập hóa đơn chứng từ khi bán hàng hóa thì có thể thấy những khoản thuế mà Muaban24 có dấu hiệu không nộp cho Nhà nước sẽ là: Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (Công ty có nghĩa vụ khấu trừ từ người có thu nhập chịu thuế để nộp cho Cơ quan thuế).

Rõ ràng, việc Muaban24 bán “hàng hóa” nhưng không lập hóa đơn, chứng từ, không nộp tờ khai thuế... là những dấu hiệu của hành vi trốn thuế được quy định tại điều luật đã viện dẫn.

Chân dung ban lãnh đạo của muaban24

Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (muaban24.vn) có trụ sở chính ở Lô 4 khu biệt thự C8 Mỹ Đình 1, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Dưới đây là chân dung của những lãnh đạo của công ty muaban24

1. Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24: Nguyễn Tuấn Minh (39 tuổi, tạm trú tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc)

Nguyễn Tuấn MinhẢnh ông Nguyễn Tuấn Minh chủ tịch HDQT công ty Muaban24

2. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24: Ngô Văn Huy (39 tuổi)

Ngô Văn HuyNgô Văn Huy tại trụ sở công an

3. Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc phụ trách CNTT: Nguyễn Mạnh Hà (SN 1980)

Nguyễn Mạnh HàNguyễn Mạnh Hà

4. Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24: Lê Văn Cường (37 tuổi)

Lê Văn CườngLãnh đạo Công ty CP Đào tạo Mua bán trực tuyến - Muaban24

Công an bắt giữ các đối tượng trên vào ngày 1/8/2012 và đang chuẩn bị khởi tố cho các tội danh liên quan.

Ảnh một số thành viên khác của muaban24:

Ban lãnh đạo mb24
Tại một buổi lễ

Ban lãnh đạo MB24
Lãnh đạo công ty thời kỳ "vàng son"

Nạn nhân sập bẫy do suy nghĩ "làm giàu không khó"

Chỉ một ngày sau khi Công an Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp 4 cán bộ đứng đầu Công ty Muaban24, gần 30 người đến tố cáo. Ngoài cán bộ, công chức còn có nhiều sinh viên, học sinh, người dân lao động. Họ thừa nhận lý do họ bị mắc lừa là vì cả nể và mong muốn giàu có một cách nhanh chóng.

Sáng 3/8, bà Nguyễn Thị Phúc (43 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) thuê xe ôm đến Phòng cảnh sát hình sự thành phố tố cáo, trong thời gian đến thăm nhà con gái ở thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm), bà được một thanh niên ở gần nhà giới thiệu về lĩnh vực thương mại điện tử. "Lúc đầu, tôi như vịt nghe sấm, hoàn toàn mơ hồ về các khái niệm như 'hội viên VIP', "gian hàng trực tuyến", bà Phúc cho biết.

Theo lời bà, thấy cậu ta ăn nói dễ nghe, cam đoan đầu tư sẽ sinh lời không mất thời gian nên đã lấy toàn bộ tiền tiết kiệm mang đi nộp. Sau khi nhờ tư vấn viên mở "gian hàng" có tên "Hoàng Hôn", bà chưa bao giờ truy cập vào hệ thống. Ngoài việc không nhớ mật khẩu tài khoản, không biết gì về Internet, bà Phúc cũng không có nhu cầu buôn bán, giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Bà lại giấu chồng con đầu tư "chui" nên càng không dám nhờ người quen kiểm tra điểm tích lũy.

Cũng tá hỏa khi vừa biết mình bị lừa, một người phụ nữ đề nghị giấu tên ở quận Thanh Xuân khóc sướt mướt khi kể lại toàn bộ sự việc với điều tra viên. Cách đây nửa năm, phụ nữ này được một "hội viên VIP" chủ động làm quen. Ngay trong lần đầu tiên gặp gỡ, nữ thành viên của Muaban24 đã tặng cho nạn nhân món quà có giá trị đang được quảng cáo trên website của công ty.

Theo "hội viên VIP" kia, chỉ cần bỏ ra 5,2 triệu đồng sẽ có cơ hội mua hàng hóa giá ưu đãi với số lượng không hạn chế. Để chứng minh cho lợi ích của việc tham gia vào "gian hàng điện tử" chị ta còn dẫn nạn nhân về nhà và cho vay tiền khám bệnh. "Hơn 30 triệu đồng của con trai đi xuất khẩu lao động gửi về, tôi nhờ chị ta mang đi đăng ký tài khoản và chắc mẩm số tiền phải 'đẻ' ra khá nhiều. Nhưng giờ thì một xu cũng khó đòi lại", người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ tiếc của.

Còn thê thảm hơn cả bà Phúc, nạn nhân này chưa từng được ghé thăm "gian hàng" của mình và tài khoản, mật khẩu truy cập cũng do "hội viên VIP" kia quản lý. Gần một tuần nay, ngôi nhà của nhân viên Muaban24 đó luôn đóng cửa im ỉm.

Vẻ hào nhoáng bên ngoàiÍt ai biết rằng sau vẻ hào nhoáng này là sự lừa đảo

Chị Vũ Thu Thủy (35 tuổi, nhân viên công ty du lịch) kể rằng đã vô tình quen một tư vấn viên của Muaban24 trên mạng xã hội. Qua trò chuyện, nhân viên này tâm sự: "Kiếm tiền dễ lắm chị ạ. Ngày xưa em chỉ bán rau, buôn hoa quả nhưng giờ chỉ ngồi một chỗ mà lương cao ngất ngưởng".

Sau vài lần tiếp xúc với nhân viên Muaban24, từ lúc nào đó, chị Thủy đã cho rằng "cách giải thích của họ là có cơ sở". Thấy vừa không mất thời gian, vừa nhàn hạ nên chị đã mang 31 triệu đồng đi mua 8 gian hàng. Sau một tuần, chị Thủy nghi ngờ về sàn thương mại điện tử giống kinh doanh đa cấp này.

"Nhưng cứ mỗi lần tôi đến trụ sở ở Thanh Xuân (89 Khương Hạ, Hạ Đình) thì tư vấn viên lại mời đi ăn uống, hát karaoke. Họ lại rót mật vào tai, xua đi nghi ngờ của tôi, níu kéo tiếp tục làm thành viên của sàn giao dịch điện tử", nữ nhân viên công ty du lịch giải thích về việc không quyết liệt tìm hiểu để đòi lại tài sản.

Trong khi đó, bạn thân của chị Thủy là Nguyễn Thu Trang (34 tuổi, ở Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cũng thành nạn nhân của Muaban24. Lần đầu tiên tham gia, chị Trang cũng đầu tư 8 gian hàng nhưng ngay sau đó nhận ra bản chất của hình thức nộp tiền đổi điểm này. Liên tục thúc giục nhân viên công ty hoàn trả hơn 40 triệu đồng đã nộp nhưng người phụ nữ này cũng chỉ nhận được lời giải thích về lợi nhuận sẽ đạt được bằng những lời có cánh. "Ngay cả khi chấp nhận mất số tiền để đổi lại hợp đồng quảng cáo trên website nhưng họ nhận catalog của công ty tôi rồi bỏ đấy, không hề liên lạc, hỏi thăm như thời gian đầu", chị Thủy bực bội.

Trước đó, nạn nhân này tìm đến Muaban24 vì nghe tư vấn viên cho biết, nếu mua càng nhiều gian hàng càng được trả nhiều lợi nhuận (giống như hình thức tiết kiệm), trong khi có thể quảng bá cho công việc, sản phẩm đang làm miễn phí. Nhưng từ ngày chi nhánh Muaban 24 tại Phú Thọ bị phát hiện vi phạm pháp luật, thành viên công ty nhận tiền của chị Thủy đã thẳng thừng thách thức: "Tiền đó không biết nộp cho ai và cũng không thể trả lại được. Nếu muốn thì cứ đi tố cáo".

"Tâm thư" của người trong cuộc

Tâm thư người trong cuộc

Bức thư được anh T. gửi đến tòa soạn Báo Dân Trí nhằm cảnh tỉnh những ai đã tham gia đừng vì lợi ích bản thân mà làm hại đến người khác. Đồng thời, anh cũng kêu gọi những “nạn nhân tiềm năng” tỉnh táo và tự bỏ ý định tham gia vào mạng lưới này.

Theo anh T., là một người có học, chỉ sau một tuần tham gia, anh đã nhận ra mô hình hoạt động của Muaban24 là trái khoáy và không tạo ra giá trị nào cho xã hội. Chính vì vậy anh quyết định không lôi kéo, mời gọi ai tham gia mặc dù cá nhân anh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua những gian hàng ảo của Muaban24.

Theo tính toán của anh T, với số “hội viên” lên tới hàng vạn người, và trung bình mỗi người mua 2 gian hàng thì con số tiền mà mạng lưới của Muaban24 thu được lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó “đầu não” của tổ chức này thu được khoảng 40% của con số đó.

Là một kỹ sư từng làm việc ở khu vực Tây Nguyên, thấu hiểu sự khó khăn của đồng bào nơi đây, nên khi đọc những thông tin về hàng trăm nông dân Tây Nguyên nợ nần, khuynh gia bại sản và chứng kiến nhiều sinh viên, nông dân… vẫn tiếp tục tìm đến Muaban24, anh T. quyết định lên tiếng.

“Tôi là một thành viên của Muaban24 từ tháng 9/2011 do một người bạn giới thiệu.

Sau khi tham gia một tuần, tôi mới hiểu ra mô hình kinh doanh này rất phi thực tế và trái với những quy luật kinh tế.

Với 5,2 triệu đồng, nếu bỏ ra mua một cái tivi thì bạn sẽ có một sản phẩm phục vụ cho cuộc sống. Cũng với 5,2 triệu đồng đem gửi vào ngân hàng, bạn vẫn bảo toàn được gốc và có lãi.

Nhưng ở Muaban24 này, khi bạn bỏ ra 5,2 triệu đồng để mua gian hàng mà nếu bạn không tham gia nữa bạn sẽ mất vĩnh viễn.

Chính vì sợ mất vĩnh viễn số tiền đã bỏ ra, nên những người tham gia trước dù đã biết bản chất của Muaban24 những vẫn cố lôi kéo những người tiếp theo tham gia vào.

Là một nạn nhân của Muaban24, sau khi hiểu bản chất thực của nó nên tôi đã không giới thiệu ai.

Hôm nay, tôi có đi qua trụ sở của Công ty ở Mỹ Đình, tôi thấy rất đông sinh viên, nông dân vẫn tìm đến Muaban24. Có nghĩa là còn nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của Muaban24.

Vì vậy, tôi viết thư này mong cảnh tỉnh những người đã tham gia đừng vì lợi ích của riêng mình mà làm hại những người khác. Còn những người chưa tham gia hãy tỉnh táo và bỏ ý định tham gia vào Muban24 đi”.

Ngoài ra còn có một trường hợp là một bạn sinh viên nghèo viết thư gửi người cha ruột của mình. Viết cho cha mình, bạn hối lỗi với gia đình vì đã bỏ ra hơn 10 triệu tiền mua máy tính vào mạng lưới này.

Tâm thư của người trong cuộc
“Cha ơi! Con xin lỗi.
 
Ba năm đi học xa nhà, con luôn tự bảo mình phải cố gắng. Con chưa bao giờ dám làm gì để cha mẹ, anh chị phải buồn, phải lo lắng. Vì gia đình mình nghèo, 6 anh chị em chỉ mỗi mình con là được ăn học đàng hoàng. Cha mẹ phải tích cóp từng đồng cho con ăn học. Khi con sắp làm khóa luận tốt nghiệp, cha mẹ đã không ngại khó, ngại khổ mà gom góp gửi cho con hơn 10 triệu để mua máy tính, không bao giờ con dám tiêu dù chỉ một đồng.
 
Vậy mà, một phút nhẹ dạ cả tin nghe những lời hứa hẹn, dụ dỗ ngon ngọt của anh chị trong Muaban24.vn chi nhánh Hà Đông, con đã lấy số tiền đó để mua ba gian hàng với hi vọng là sẽ kiếm được tiền phụ giúp cha mẹ.
 
Từ khi biết mình bị lừa, con không biết đối diện với sự thật này thế nào nữa, 10 triệu với gia đình mình là khoản tiền lớn. Con lo lắng, bồn chồn không yên. Con không chú tâm vào việc học được nữa. Mỗi khi cha mẹ hỏi sao con chưa mua máy tính con chỉ biết nói dối rằng khi nào thật cần, con sẽ mua.

Con thấy càng ngày mình càng nói dối nhiều hơn, đến khi không giấu được nữa con nói ra tất cả, nhưng bây giờ không ai tin nữa rồi. Anh chị cho rằng con đã tiêu khoản tiền đó vào một việc khác.
 
Cha buồn, không ngủ được, gọi điện cho con cha chỉ hỏi: “Răng con lại làm rứa. Tiền thì cũng đã mất rồi, nhưng lòng tin và nhân cách con người, một khi mất đi là không thể lấy lại, thử hỏi bây giờ răng mà cha mẹ, anh chị dám tin con nữa”.Con chỉ biết im lặng, con cố kìm nén, con không dám khóc, chỉ đến khi cúp máy con mới òa khóc như một đứa trẻ.
 
Cha biết không? Ai đánh đập, chửi mắng con cũng chịu được, nhưng con không thể chịu được khi nhìn thấy cha mẹ buồn, khổ vì con. Hôm qua, vừa biết tin con không đủ điều kiện được tốt nghiệp, con chưa dám nói với cha. Làm sao con có thể chịu được hai cú sốc này cùng lúc?.
 
Cha ơi! Con muốn xin lỗi cha, xin lỗi gia đình mình thật nhiều, nhiều lắm. Con xin hứa với cha mẹ, giờ con sẽ làm lại từ đầu, con sẽ tiếp tục học để sớm tốt nghiệp. Cha mẹ! tin con một lần này nữa thôi, nhất định con sẽ làm được.
 
Những ai đang tham gia Muaban24.vn, xin các người đừng nhắm vào các sinh viên nghèo như chúng em nữa, tội lắm. Mỗi lần về quê, chúng em mang theo củ khoai, cân gạo của gia đình trong đó là cả niềm hy vọng, sự tự hào của cha mẹ. Chính các người đã cướp đi ước mơ, làm mất đi tương lai tươi sáng của hàng trăm sinh viên nghèo. Mong cơ quan chức năng bắt hết bọn chúng, để không còn ai phải khổ như em và gia đình em nữa.
 
Cao Thị Diệu, Hà Tĩnh”


Chuyên mục: Nghề nghiệp

Tin nổi bật Nghề nghiệp