congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

Lãng phí - Căn bệnh chung của sinh viên hiện nay

Đã xem: 1,942
Cập nhât: 11 năm trước
Sinh viên là thế hệ trẻ của tương lai, là những người được xã hội mong  chờ vào sự đóng góp xây dựng đất nước. uy nhiên, thực tế đau lòng là hiện nay, sinh viên đang dần lãng phí nhiều thứ quý giá.Lãng phí thời gianThời gian là vốn quý nhất của mọi người. Lãng phí thời gian là lãng phí “của báu”

Sinh viên là thế hệ trẻ của tương lai, là những người được xã hội mong  chờ vào sự đóng góp xây dựng đất nước. uy nhiên, thực tế đau lòng là hiện nay, sinh viên đang dần lãng phí nhiều thứ quý giá.

Lãng phí thời gian

Thời gian là vốn quý nhất của mọi người. Lãng phí thời gian là lãng phí “của báu” mà tạo hóa đã ban tặng cho mỗi con người. Nếu không biết tận dụng. nó sẽ qua đi rất nhanh, đúng như lời răn của người xưa: “Tháng ngày vùn vụt thoi đưa / Nó đi… đi mãi có chờ ai đâu!”

Vậy mà, lãng phí thời gian đang là căn bệnh hay gặp nhất ở giới sinh viên. Bạn đã bao giờ tự hỏi mình đã sử dụng quỹ thời gian đúng mục đích hay chưa? Liệu có để thời gian trôi qua một cách uổng phí hay không?

Đáng tiếc là phần lớn sinh viên chúng ta hiện nay không biết tận dụng và quý trọng thời gian. Đa số sinh viên sau những giờ học ở trường thì thời gian còn lại không mảy may nghĩ tới việc học, thậm chí không dành thời gian tối thiểu cần thiết cho việc học.

Do học theo hệ tín chỉ nên giờ đây sinh viên còn có nhiều “thời gian rỗi” hơn so với thời học theo chế độ niên chế. Học tín chỉ, thực chất là dành quyền chủ động cho sinh viên tự sắp xếp thời gian để tự học và nghiên cứu. Lên lớp, giáo viên chỉ có vai trò dẫn dắt và định hướng, còn lại sinh viên phải tự tìm hiểu và nghiên cứu, mà sinh viên Việt Nam bây giờ ý thức tự học, tự nghiên cứu rất kém.

Lãng phí thời gian
Theo cách tín chỉ, giờ lên lớp ít hơn thay vào đó là thời gian tự học tự nghiên cứu. Nhưng ngoài giờ lên lớp, đa số sinh viên dành thời gian còn lại để online, xem phim hay chơi game… với lý do là thầy không ra bài tập để làm. Họ không hề có ý thức tự học, tự nghiên cứu. Thầy cô ra bài thì làm, không ra thì nghỉ cho “ khỏe” . Ngoài việc giết thời gian vào những việc trên thì một bộ phận không nhỏ dành thời gian để ngủ, mà đa số là sinh viên nam.

Bạn Nguyễn Văn Sơn ( sinh viên Học viện âm nhạc Huế) cho biết: “ thời gian rảnh có biết làm gì đâu, thôi thì cứ ngủ cho đỡ tiêu tốn năng lượng, đỡ đói bụng!”. Mọi người trong xóm trọ của Sơn cho biết, có ngày Sơn ngủ bỏ ăn, bỏ cả đến lớp và tất nhiên sách vở chẳng bao giờ đụng vào.

Vì thế nên bây giờ việc bắt gặp sinh viên ngồi đọc sách, họp nhóm bàn bạc việc học hay ngồi mày mò, nghiên cứu một vấn đề nào đó liên quan đến học hành thì rất hiếm… Mà thay vào đó là thấy các bạn thường xuyên vào Facebook, blog, bói toán online…gần như là chiếm trọn thời gian rỗi rảnh.

Lãng phí sức khỏe

Bên cạnh những bạn sinh viên hăng hái tham gia các cuộc hiến máu tự nguyện để cứu đồng bào lúc hiểm nguy đến tính mạng thì còn không ít sinh viên lãng phí sức khỏe một cách vô ích. Họ thường ít quan tâm tới điều này, cứ tưởng như sức khỏe của tuổi trẻ là thứ trời cho trong khi phần lớn sinh viên phải đi trọ học xa nhà, không được bố mẹ giúp đỡ, nhắc nhở.

Đa số sinh viên nam sinh hoạt không điều độ, thích gì làm nấy, nhất là nhậu nhẹt. Lúc nào có chút tiền hoặc có cớ vui nào đó là rủ nhau nhậu, thậm chí vay tiền để nhậu, mà không hề nghĩ đến hậu quả của nó, cứ đua nhau uống nhiều, uống đến say mới thích.

Lãng phí sức khỏe
Sinh viên hiện nay tổ chức nhậu nhẹt còn nhiều hơn đi học, rủ nhau bỏ học bỏ thi để tham gia các cuộc nhậu mà họ chẳng thèm quan tâm nó ảnh hưởng như thế nào đến học tập và sức khỏe của mình. Các bạn có biết rằng nhậu nhẹt làm sút giảm toàn thể từ thể lực, tinh thần, trí tuệ và thoái hóa giống nòi.

Một việc làm rất ảnh hưởng đến sức khỏe nữa là “ nghiện game online”. Nếu chơi games chỉ để giải trí một lúc, hay để thư giãn đầu óc thì không sao. Nhưng nghiện games đến mức ngồi cả ngày bên máy vi tính, quên ăn, quên ngủ thì là điều hết sức đáng lo ngại. Không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến việc học và nguy hiểm đến tính mạng.

Không ít bạn trẻ đỗ điểm cao vào đại học nhưng rồi học không nổi phải bỏ giữa chừng vì mê trò chơi này, thậm chí có người gục chết trên bàn game nhưng vẫn chưa làm nhiều người thức tỉnh. Họ vẫn đam mê , đốt thời gian và sức khỏe với những trò vô bổ như vậy. Ngoài ra, việc xem phim hay chat chit thâu đêm cũng rất ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các bạn lại đang rất thờ ơ với điều đó.

Lãng phí tài nguyên và tiền bạc

Tài nguyên mà sinh viên thường xuyên lãng phí là điện và nước.

Dù nhà trường và Đoàn TN kêu gọi hưởng ứng “giờ trái đất”, dù bản thân tham gia nhiều phong trào cổ động cho giờ trái đất nhưng không ít sinh viên sau khi rời khỏi phòng học vẫn không tắt quạt, không tắt điện, máy tính. Sau khi hết giờ học, có lẽ ít thấy phòng học nào mà sinh viên tự giác làm những điều trên, mà họ để mặc những người lao công làm điều đó.

Hay một việc như để bóng điện hành lang của dãy phòng trọ suốt cả ngày lẫn đêm, họ cho đó là chuyện nhỏ nên tình trạng này cứ diễn ra như “ chuyện thường ngày ở huyện”. Vì điện ở hành lang thường không bị chủ trọ tính tiền nên sinh viên để tháo khoán mà không mảy may suy nghĩ, vì cho rằng nó không gây thiệt hại gì cho mình.

Lãng phí nước
Bên cạnh đó là lãng phí nước. Nước ở nơi công cộng như trường học, công viên… thì sinh viên cứ “xả” thoải mái mà không hề đắn đo, cứ nghĩ rằng “của chùa” thì dùng bao nhiêu cũng được. Và nhiều sinh viên còn có lối suy nghĩ rất “ hẹp” khi đáp lại hành động tăng giá tiền nước hàng tháng của chủ trọ là phải xả nước thật nhiều, không dùng cũng xả lênh láng cho xứng với số tiền mà mình phải trả và cho bõ tức khi chủ trọ cứ tăng tiền nước hằng tháng.

Những việc làm mà các bạn cho là rất nhỏ, các bạn cho là chuyện thường lại là một sự phung phí tài nguyên quá lớn mà các bạn không hề để ý, hay biết, và cũng không hề quan tâm.

Trong lúc các bạn không tắt điện phòng học, các bạn hãy nghĩ đến nơi khó khăn vẫn chưa có điện, nếu mỗi chúng ta biết tiết kiệm một tí thì sẽ rất có lợi cho nhiều người khác. Lúc các bạn xả nước một cách vô tội vạ chỉ vì tức chủ trọ tăng tiền nước, các bạn hãy nghĩ đến những nơi vùng sâu, vùng xa chưa một lần được sử dụng nước sạch…

Đang là sinh viên nên chi tiêu hàng tháng chủ yếu là do bố mẹ cấp, thế nhưng một số các bạn đang tiêu tiền hết sức phung phí. Trong khi nhiều sinh viên tiêu tiền rất tiết kiệm, và còn đi làm thêm để tự trang trải cho cuộc sống thì một số khác lại đang làm ngược lại.

Rất nhiều bạn phung phí tiền bạc trong những việc như nhậu nhẹt, chơi game, cá độ , chơi số đề hay tặng quà bạn khác giới một cách lãng phí…

Lãng phí tiền
Nguyễn Đức Trung ( sinh năm 1988, sinh viên Cao đẳng công nghiệp Huế) làm cho mọi người trong xóm trọ phải sợ với cách tiêu tiền của bạn. Bố Trung là chủ thầu xây dựng trong Đà Nẵng, cậy gia đình mình khá giả, Trung luôn tiêu tiền không biết tiếc. Trung cho biết một tháng tiêu hết khoảng 6 triệu, tiêu còn nhiều hơn một gia đình bình thường trong một tháng. Mà số tiền đó là để cá độ bóng đá, chơi lô đề và nhậu nhẹt với đám bạn. Một tuần ít nhất cũng nhậu bốn buổi, mà toàn những món sinh viên không dám mơ như baba, thịt thỏ hay thịt trăn…Trung vừa cười vừa nói : “bố mẹ nhiều tiền mà, mình phải tiêu bớt chứ”.

Không phải ai cũng có tiền để tiêu khủng như Trung, nhưng cũng không ít bạn sinh viên đang ném tiền vào những trò cá độ, nhậu nhẹt, lô đề…để rồi đến lúc hết tiền lại vay mượn, mang máy tính, xe đi cắm hay thậm chí cả trộm cắp…

Một số bạn thích chơi trội, thích chứng tỏ mình qua việc nhân dịp sinh nhật hoặc ngày lễ nào đó mua tặng cho bạn gái những món quà đắt tiền, độc đáo mà không ai có. Như một số bạn tặng vòng tay, nhẫn vàng hay một số bạn khác thì mua một trăm bông hồng xếp hình trái tim, hay là một trăm thỏi sôcôla…

Các bạn tiêu tiền mà không hề nghĩ đến bố mẹ mình đã phải vất vả như thế nào để làm ra những đồng tiền đó, mà lại tiêu vào những việc không đáng. Trong khi bố me đang oằn lưng ra để kiếm tiền nuôi các bạn ăn học, hy vọng nhiều ở các bạn thì các bạn lại tiêu tiền một cách vô tội vạ...

Hiện nay, các bạn sinh viên đang lãng phí quá nhiều thứ mà dường như các bạn không hề quan tâm. Là chủ nhân tương lại của đất nước, các bạn không nên lãng phí thời gian vào những trò vô bổ mà hãy chuyên tâm học hành, nghiên cứu, dành thời gian rỗi cho các hoạt động tình nguyện, xã hội.

Sinh viên nghĩ gì?

Sau những phân tích ở trên, các diễn đàn, mạng xã hội bàn tán khá xôm tụ về vấn đề này. Ý kiến của nhiều sinh viên hiện nay như thế nào về những lãng phí này? Có thật sự họ đang lãng phí hay không?

Có một số bạn thừa nhận mình cũng đang lãng phí như vậy. Tiêu cực hơn là còn khuyến khích người khác lãng phí như mình.

Bình luận
Trích lời bình luận của một độc giả trên mạng xã hội: "Nói thì lại bảo đổ tại hoàn cảnh, chứ ở trong một môi trường đầy cám dỗ, lại không được ở gần gia đình thì việc sa đà là chuyện bình thường. Thứ nữa là xung quanh mình nhiều người như thế, phải có nghị lực lắm mới không bị cuốn theo.

Với lại, đang học phổ thông quen rồi, vào năm nhất, cái phương pháp học và kiểm tra nó khác, tạo cơ hội cho việc lãng phí này, rồi sau đó theo quán tính sang năm 2, năm 3 vẫn thế thôi. Đến năm cuối nhìn lại thì: Thôi, đằng nào có cố cũng chẳng cải thiện được mấy, buông xuôi thôi. Tiếp tục lãng phí! :))

Mà mình đã lãng phí rồi thì phải kéo theo thằng khác (để cho nó hơn không hơn mình như kiểu: Thấy bạn bị điểm kém ta thấy buồn, nhưng thấy bạn được điểm cao ta còn thấy buồn hơn). Thế nên các bạn sinh viên cứ vô tư lãng phí đi, vì không chỉ mình bạn mà nhiều người khác cũng đang thế."

Có một bạn với nick name kaka đã lý giải cho hiện tượng này như sau: "Sinh viên bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn trước. Thời mình đi học có cái điện thoại di động là quý lắm mà có thêm nghe nhạc xem phim chụp ảnh lại càng oách hơn. Thằng nào có cái laptop thì phải nói là hoành tá tràng cực kỳ, mạng internet cũng ko nhan nhản như bây giờ; Các sự kiện phong trào cũng ko nhiều tràn lan và nhiều cái vô bổ như bây giờ, học sinh thanh lịch hay hoa hậu giảng đường còn có giá chứ giờ thì lòi đâu ra "hot", "miss", "hoa hậu", "người đẹp", "người mẫu" cùng 1 lô lốc cuộc thi thế không biết (?!).

Ngày xưa sinh viên bình thường nhậu thì cũng quán cóc vỉa hè hay lôi nhau về phòng trọ, sang lắm mới kéo nhau ra quán bia, nhà hàng. Giờ vẫn còn đấy nhưng còn nhiều ko kém là liên hoan tiệc tùng tại các nhà hàng, rồi hát hò kara tăng 2, tăng 3 rồi đi về Nhà để Nghỉ, xã hội phát triển nhều cái hiện đại và nhiều thứ giải trí thư giãn hơn mà cái này chấp nhận được.

Ngay xưa rau là ở ngoài chợ hoặc trong vườn mấy bác nông dân giờ thì rau ở trong giảng đường. Ngày xưa giá rau rẻ giờ giá rau đắt quá được cái là rau Thạch Sanh 1 bó cả chục người ăn."

Bình luận
Một số bạn khác thì thừa nhận là mình đã từng lãng phí và rồi sau này lại hối hận, tiếc nuối về thời gian đã qua. Như bạn Chous An cho hay: "Chả biết nói sao nhưng buổi sáng đi qua quán cà phê lại thấy các bạn ngồi đầy 2 bên đường, vỉa hè, đánh bài và 8 chuyện, chiều tối lại đi nhậu đến khuya, sáng mệt mỏi thì cúp học, rồi game rồi face, chưa kể tối còn luyện nhiều thứ hại mắt hại não khác, vậy time đâu để mấy bạn học hành, nói thì giống như là giáo điều nhưng có đi qua rồi mới thấy tiếc nuối những khoảng time đó, sau này đi làm lại thua thiệt so với những bạn đã tranh thủ thời gian khi còn là sinh viên để tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm."

Hay một bạn sinh viên năm cuối thừa thừa nhận:

Bình luậnMột bạn trẻ khác có nickname derasu cũng cho biết: "2 năm đầu mình cũng lãng phí. May đến kì 2 năm 2 thì đã biết chính xác con đường mình sẽ đi. Trước đấy thì sống vật và vật vờ, còn giờ thì đầy việc để làm".

Tạm kết

Hãy biết quý trọng sức khỏe của mình, hãy giữ sức khỏe để có đủ sức học tập và cống hiến lâu dài, giúp ích cho gia đình và xã hội. Đừng phung phí tài nguyên, bởi chúng sẽ cạn kiệt nhanh chóng nếu bạn không biết sử dụng hợp lý; nếu mỗi người biết tiết kiệm một chút sẽ giúp cho cuộc sống bao người khác ở những vùng khó khăn sẽ được cải thiện hơn.

Đừng lãng phí tiền bạc vì để có được số tiền đó, bố mẹ bạn đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, nước mắt …Và trên hết, các bạn hãy biết quý trọng, đừng lãng phí tất cả những điều trên vì chính bản thân bạn, vì tương lai của bạn, gia đình và cả tương lai của xã hội và đất nước…

https://www.vieclamvui.edu.vn/


Chuyên mục: Giáo dục

Tin nổi bật Giáo dục