congso.com congso.com

Môi trường công sở hiện đại: tìm thuê văn phòng coworking
Xây dựng thương hiệu: thiết kế in ấn bộ nhận diện, may đồng phục
Nguồn nhân lực chất lượng: kỹ năng thương mại điện tử, ngoại ngữ

'A Separation' tuyệt phẩm điện ảnh thế giới

Đã xem: 1,205
Cập nhât: 11 năm trước
'A Separation'  là tuyệt phẩm điện ảnh  thành công trên mọi phương diện và được yêu thích ở khắp nơi, từ đất nước sản sinh ra nó (Iran) cho đến những quốc gia như Mỹ và Israel. A Separation'  - tuyệt tác điện ảnh của dân tộc Iran: Cũng giống như nhiều quốc gia khác, nền điện ảnh Iran ra đời và phát triển từ rất lâu rồi. Thế nhưng, phải đến giữa thập niên 90 của thế kỷ

'A Separation'  là tuyệt phẩm điện ảnh  thành công trên mọi phương diện và được yêu thích ở khắp nơi, từ đất nước sản sinh ra nó (Iran) cho đến những quốc gia như Mỹ và Israel.

A Separation'  - tuyệt tác điện ảnh của dân tộc Iran:

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, nền điện ảnh Iran ra đời và phát triển từ rất lâu rồi. Thế nhưng, phải đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Iran mới thực sự bước chân ra thế giới. Năm 1997 chính là dấu mốc cực kỳ quan trọng trong lịch sử điện ảnh ở đất nước Trung Đông này. Hai điều kỳ lạ đã xẩy ra: 1. Bộ phim đầy mầu sắc Gabbeh được chiếu tại thị trường Mỹ, 2. Tuyệt phẩm Taste of Cherry đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes. 

Từ đó cho đến nay, Iran đã sản sinh ra rất nhiều đạo diễn tên tuổi như Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf, Majid Majidi, Jafar Panahi cùng hàng loạt bộ phim xuất sắc (Children of heaven, The wind will carry us, The Circle, Close-up…) khiến khán giả yêu thích điện ảnh phải ngả mũ khâm phục. “Làn sóng mới” của điện ảnh Iran trở thành hiện tượng toàn cầu.

Trong năm 2011 vừa qua, Iran tiếp tục khiến thế giới phải kinh ngạc với tác phẩm A Separation của đạo diễn Asghar Farhadi. “A Separation” là bộ phim Iran và Trung Đông đầu tiên giành được tượng vàng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, giải Oscar cho phim xuất sắc năm 2012 . Đây được ca ngợi như một chiến thắng mang tính dân tộc cho đất nước Hồi giáo Iran, vốn vẫn bị coi là “cái gai khủng bố” trong mắt phương Tây.

Mặc dù được ca tụng như một niềm tự hào dân tộc với tượng vàng Oscar danh giá, nhưng không phải ai cũng biết rằng, trước đó, “A Separation” đã từng bị phản đối, thậm chí bị cấm trình chiếu tại Iran.

A Separation'  - nhiều hơn một cuộc chia ly

Phim kể về Nader và Simin là những con người trong xã hội Iran hiện đại. Sau 14 năm chung sống dưới một mái nhà với cô con gái 11 tuổi thông minh và rất nhạy cảm Termeh, họ muốn ly dị.

Cả hai người đều có việc làm ổn định và rất chăm lo cho tương lai của Termeh. Tuy nhiên, Simin muốn rời khỏi Iran để tới một quốc gia cởi mở hơn, nơi phụ nữ có nhiều quyền lợi và cơ hội hơn. Trái lại, Nader không muốn ra đi và bỏ mặc người cha với căn bệnh Alzheimer. Không có phương án giải quyết cho tình cảnh éo le của họ, Nader và Simin quyết định ly hôn.

Khi Nader, Simin ly thân và người vợ bỏ về sống cùng bố mẹ ruột, cuộc sống của người chồng gần như bị đảo lộn vì trong căn nhà không còn bàn tay phụ nữ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, chăm sóc người cha ốm liệt giường. Nader nhận ra rằng anh không thể có một người vợ vừa là người phụ nữ hiện đại, có sự nghiệp thành đạt và muốn đi theo con đường riêng của mình, vừa là người phụ nữ truyền thống, đảm đang và phục tùng.

Để tạm thời ổn định cuộc sống, họ quyết định thuê Razieh, người phụ nữ có gia cảnh khó khăn, làm người giúp việc để thay thế vai trò Simin để lại. Đây là một công việc vất vả. Razieh mất 90 phút mỗi ngày mới tới được nhà Nader, cô phải chăm sóc một người không có khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi, mặc dù không được đào tạo về chuyên môn. Bản thân cô có một con nhỏ và ngày nào cũng phải đưa cô bé đi theo vì không ai chăm sóc. Thế nhưng, Nader một mực không đồng ý khi Razieh bày tỏ ý muốn được tăng lương. Suy nghĩ có phần hẹp hòi của anh đã vô tình đưa hai gia đình đến một cuộc đối đầu đầy cay đắng và giận dữ.

Cách hành xử của Nader đã biến một mâu thuẫn tưởng chừng như vô hại và xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày trở thành trận chiến trong phòng xử án. Hậu quả mà anh không thể lường trước được là cùng với anh, các nhân vật trong phim bỗng thấy mình mắc kẹt trong một tình huống rất phức tạp và trong hành trình đi tìm sự thật, mỗi cá nhân đều quyết liệt theo đuổi một phiên bản riêng của sự thật.

A Separation là bộ phim thứ 5 của Ashgar Farhadi và là đỉnh cao trong nghệ thuật phát triển kịch tính truyện và đường cung nhân vật trong sự nghiệp của đạo diễn Iran tài ba này. Bộ phim không có nhiều nhân vật, nhưng mỗi người lại được mô tả rất sâu qua từng hành động, lời thoại. Chúng ta thấy rõ đạo diễn cố gắng triệt tiêu mọi sự phát triển lộ liễu tính cách nhân vật để đem tới một bộ phim chân thực nhất có thể, biến những con người trong phim không chỉ sống trên màn ảnh, mà thực sự hiện hữu trong cuộc đời. Không ai trong bộ phim này hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu, nhưng họ đều muốn làm việc đúng đắn theo quan điểm đạo đức của riêng mình.

A Separation có một cốt truyện tương đối đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc ly dị của đôi vợ chồng Nader và Simin. Tình huống chỉ giản đơn nhưng sự phức tạp trong các mặt của cuộc sống xã hội Iran hiện đại dần được phơi bày trong bộ phim. Chính vì mong muốn đưa lên phim một hiện thực nghệ thuật gần với hiện thực cuộc sống nhất, đạo diễn Agshar Farhadi áp dụng triệt để thủ pháp “hiện thực tài liệu” (documentary realism) như trong các phim tài liệu.

Cách kể chuyện thực tế nhưng không kém phần sâu sắc, với nội dung chi tiết gần như tối giản nhưng sắc bén, hàm súc, bộ phim biến khán giả từ vị trí thụ động trở nên chủ động. Khi xem A Separation, thay vì là những người xem đang được mua vui bằng một tác phẩm hư cấu, dàn dựng đặc biệt để phục vụ mục đích giải trí, khán giả trở thành một phần của câu chuyện. Họ sẽ cảm thấy mình giống những người hàng xóm, những người quen nhưng không thân thiết của gia đình Nader và Simin, đang đứng theo dõi, quan sát câu chuyện xảy ra với vợ chồng họ.

Bộ phim không đưa ra bất cứ câu trả lời nào cho những mâu thuẫn được đặt ra. Không có gì hoàn toàn đúng, không có gì tuyệt đối sai. Các nhân vật trong A Separation và khán giả của phim, cũng như trong thực tế đời sống, mỗi người phải tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. A Separation vượt qua khuôn khổ một bức tranh về sự rạn nứt giữa các thành viên của một gia đình.

Phim còn là một bài nghị luận về chế độ thần quyền, về luật lệ và quyền lực trong gia đình, về sự phân biệt giới tính và tầng lớp xã hội.  Tiêu đề của bộ phim đề cập trực tiếp đến cuộc ly hôn của Nader và Simin. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng giữa các nhân vật đồng thời ngụ ý một sự cách biệt trong tất cả mối quan hệ của con người với nhau: giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, giữa các gia đình với nhau, giữa nam giới và nữ giới, giữa người giàu và người nghèo. Tất cả bọn họ đều cho mình là nạn nhân và ngoan cố bảo vệ lý lẽ của mình. Cảm thấy bị người khác làm hại và tổn thương, họ đấu tranh chống lại nhau. Kết quả là tất cả đều trở nên xa lạ, ghẻ lạnh.

A Separation khám phá sự phức tạp của bối cảnh chính trị, tôn giáo, xã hội của đất nước Iran hiện đại. Xung đột giữa hai gia đình chính là cuộc đụng độ giữa các tầng lớp và ý thức hệ của họ. Một bên là những người khá giả thành thị, có tư tưởng tự do và hướng ngoại. Bên kia là tầng lớp lao động nghèo khó, sùng đạo. Razieh là một người phụ nữ nghèo và sùng đạo. Tất cả những yếu tố đó đều trở thành gánh nặng và khiến cô bị đàn áp.

Cô không được tham gia vào cuộc vui của gia đình Nader và Simin trong một cảnh phim mà gia đình và bạn bè cùng nhau chơi bóng bàn, bởi cô chỉ là người giúp việc. Cô không được tiếp đón như một vị khách như cô gia sư của Termeh, cho dù trách nhiệm mà cô gánh vác giúp đỡ gia đình họ cũng rất quan trọng. Cô thường xuyên bị người chồng nóng nảy đe dọa, chèn ép.

Do đó, bộ phim không chỉ nêu lên sự chia rẽ giữa con người với nhau, mà còn hướng đến sự phân ly tư tưởng mang hơi hướng của một cuộc chiến tranh văn hóa. Trong thời điểm khó khăn của chuyển giao chính trị và văn hoá, của sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, tất cả động cơ và hành động của mỗi cá nhân không chỉ có ý nghĩa với cuộc đời họ, mà còn phản ánh được hiện thực cuộc sống trong một quốc gia.

Từ tai nạn nhỏ dần dần trở nên vô cùng căng thẳng và bất ngờ, bộ phim dựa vào bước ngoặt đó để đề cập đến một chủ đề mang tính chất phổ quát hơn - cái nhìn méo mó về cuộc sống và bản chất không hoàn hảo của con người. Các nhà làm phim Iran đã đưa ra một sự đánh giá sâu sắc về hành vi của con người, điều mà bất cứ nền văn hoá nào cũng có thể tìm thấy điểm chung. Thành công mấu chốt nằm ở chỗ bộ phim không chỉ nêu ra những vấn đề, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, kinh tế, tâm linh đặc thù của Iran.

A Separation chứa đựng rất nhiều suy nghĩ và cảm xúc mà người xem dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể thấu hiểu và đồng cảm. Điều này vốn không dễ dàng gì đối với các nhà làm phim nước ngoài khi giới thiệu tác phẩm của mình đến với Hollywood, bởi nơi đây luôn có xu hướng tô hồng, lãng mạn hoá bất cứ yếu tố “khác và lạ” nào đến từ những nền văn hoá khác.

Cầu nối giữa người dân hai quốc gia?

Với một chính sách hạt nhân gây tranh cãi, Iran hiện đang là mục tiêu công kích của nhiều quốc gia, trong đó có Israel. Một điều thú vị là trong khi thế giới đang quan ngại về một cuộc tấn công của Israel vào Iran, thì khán giả nước này lại đổ xô đi xem “A Separation” kể cả khi biết tin bộ phim đã đánh bại “Footnote”, một tác phẩm của đạo diễn người Israel, Joseph Cedar trong cuộc chạy đua Oscar.

Theo Guy Shani, giám đốc điều hành của hệ thống rạp Lev Cinemas tại Israel, vé xem “A Separation” đã bán hết sạch cho đến tuần tới. “Báo chí Israel đã góp phần lớn trong việc tuyên truyền cho bộ phim. Ngoài ra, mối đe dọa chiến tranh giữa hai quốc gia cũng giúp thu hút khán giả nhiều hơn”.

Yair Raveh, nhà phê bình phim hàng đầu Israel cho biết người dân nước này xem phim và nhận ra rằng người Iran cũng không khác nhiều so với mình. “Bộ phim được dàn dựng rất tốt, diễn xuất hay và rất cảm động”, Raveh nói. “Khi xem phim, bạn không hề nghĩ đến bom hạt nhân hay chế độ độc tài đe dọa hòa bình thế giới. Bạn chỉ thấy những nhân vật cũng đi xe, vào rạp xem phim và sống cuộc sống của họ giống hệt chúng ta”.

Rina Brick, một khán giả Israel 70 tuổi tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tầng lớp trung lưu được khắc họa trong phim cũng không khác gì so với những người trung lưu Israel. Rivka Cohen, rời Iran từ năm 15 tuổi và năm nay đã gần 80 nói rằng “không ngờ mọi người ở đó đều có tủ lạnh và máy giặt”.

A Separation sẽ được chiếu tại Việt Nam trong dịp Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai từ ngày 25/11 đến 29/11.

Trailer phim


Chuyên mục: Giải trí

Tin nổi bật Giải trí